Tài năng là phải được cống hiến
Nắng đầu hè đã rực rỡ, tôi đứng dậy nói lời cảm ơn về cuộc trò chuyện vô cùng thú vị với GS.TS.NSND Ngô Văn Thành. Cái bắt tay tạm biệt siết chặt mà chưa nguôi tâm sự, ông nhắn nhủ: “Tài năng là nghiệp, là đạo, là phải được cống hiến”.
Tôi “biết” đến tên tuổi ông cũng đã 48 năm. Số là một cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Traicốpxki diễn ra ở Thủ đô Matxcơva, Liên Xô tháng 6 năm 1974, Việt Nam đã cử hai nghệ sĩ trẻ tham dự: Ngô Văn Thành ở biểu diễn Violon và Tôn Nữ Nguyệt Minh biểu diễn đàn Piano và cả hai đều được nhận “Bằng khen” vòng 2 với chữ ký của đủ 25 vị Giám khảo (Hồi đó người ta chưa trao giải Nhất, Nhì hay huy chương vàng bạc mà chỉ tặng Bằng khen cho những thí sinh xuất sắc). Tuy thời điểm ấy tôi đang học cấp 3 nhưng qua báo chí tên tuổi của hai người Việt trẻ tuổi lúc đó đã cho chúng tôi niềm thán phục.
Vậy mà tới tận hôm nay tôi mới được “diện kiến” một trong những con người “làm nên công trạng” đó. GS.TS.NSND Ngô Văn Thành mở rộng cánh cửa căn hộ trên tầng 20, tòa chung cư 249A Thụy Khuê, Hà Nội để đón khách. Tôi cất tiếng chào rất trịnh trọng. GS Thành cười xua tay: “Tớ về hưu thì chỉ còn là nghệ sĩ thôi. Cứ gọi tớ là anh Thành cho thân mật”.
Sinh ra trong một gia đình có 6 người con, nhưng cậu bé Thành có một người cha say mê âm nhạc cổ truyền. Những lúc thư thái trong lòng hay việc nhà rảnh rỗi là ông chủ xưởng nhuộm Tân Tân trên phố Lý Quốc Sư (Hà Nội), lại đưa các con đi các rạp hát “thưởng thức” cùng mình. Hẳn ông cụ đã có ý hướng cho những người con của mình về một sự nghiệp nghệ thuật sau này.
Rồi năm lên 7 tuổi, Ngô Văn Thành được cha cho theo học đàn tranh trong Trường âm nhạc Việt Nam nhưng cậu Thành lại thích Violon mới lạ. Chiều ý thích của con, một năm sau cậu được cha gửi vào học lớp Violon của thày Chu Bảo Khầu trên phố Chân Cầm. Lại cũng vài năm sau Ngô Văn Thành thi vào đỗ vào hệ trung cấp Violon của trường. Ở trường Ngô Văn Thành được theo học thầy Phan Minh và thầy Nguyễn Đình Quỳ, toàn những người thầy giỏi.
Rồi Ngô Văn Thành học tiếp lên hệ đại học, GS.NSƯT Bích Ngọc (phu quân của NSND Trà Giang) đã nhận thấy cậu sinh viên trẻ này rất có triển vọng nên thầy trực tiếp đào tạo. Những bài học dưới sự hướng dẫn của thầy Bích Ngọc đã chắp cánh và gieo hy vọng phát triển biểu diễn đàn Violon của chàng sinh viên trẻ. Tự trong lòng mình Ngô Văn Thành khi đó đã quyết tâm phải chinh phục cây đàn Violon kỳ diệu. Thành tích học tập của Ngô Văn Thành cũng là một gợi mở để trường âm nhạc Việt Nam quyết định cử sinh viên tham dự các cuộc thi âm nhạc quốc tế.
Chuyện trò anh em dần cởi mở nên tôi mạnh dạn hỏi ông về quê hương bản quán. Nghe ông nói về quê gốc mà tôi mừng rơn, bụng như mở cờ. Hóa ra ông là người làng Bần (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên), không những thế là lại cùng họ Ngô với bên ngoại tôi. Tôi cười nói vơ vào: “Không khéo em với anh lại có họ với nhau đấy”.
GS Ngô Văn Thành cũng cười gật đầu. Tôi nhắc lại: “Em nhớ dạo anh được giải thưởng, báo chí ngày đó tuy rất ít ỏi nhưng nói anh đi từ ngôi nhà ngoài bãi sông Hồng sang thẳng Liên Xô dự thi?”. Ông Ngô Văn Thành cho biết: “Năm 1968 ông cụ nhà mình đưa cả nhà ra ngoài bãi ven sông Hồng, khu vực phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng bây giờ, ở cho thoáng. Thoáng thật nhưng chỉ tội mỗi năm một lần cả nhà lại phải sơ tán vào phố để chạy lũ”.
Năm 1982, tốt nghiệp Nhạc viện Traicopxki, Ngô Văn Thành trở lại Trường Âm nhạc Việt Nam lúc này đã được gọi là Nhạc viện Hà Nội. Tám năm học ở Liên Xô bắt đầu từ một việc “không có trong kế hoạch” đã cho Ngô Văn Thành nhiều niềm vui. Ông Thành cho biết: “Ban đầu sang Liên Xô để dự thi, nhưng các thầy bên đó yêu cầu ở lại học tiếp”.
Đầu tiên là tấm bằng Nghiên cứu sinh biểu diễn Violon và thứ hai là sau 14 năm, với những tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong giảng dạy, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài “Sự hình thành và phát triển nghệ thuật Violon Việt Nam”. Và đặc biệt là mối tình nồng thắm với cô lưu học sinh người Huế. Đám cưới của thầy Thành, giảng viên Nhạc viện Hà Nội với cô giáo trẻ Lâm Xuân Thanh, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra giản dị mà vui. Họ đã có với nhau hai cô con gái nết na, ham học.
GS Ngô Văn Thành tâm sự: “Tôi muốn đem kiến thức học được để góp phần đào tạo nên những tài năng trẻ cho đất nước”. Nghề làm thầy đã cho Ngô Văn Thành những bước tiến đáng trân trọng. Ông từ giảng viên lên phó chủ nhiệm khoa, rồi lên chủ nhiệm khoa. Từ Phó giám đốc lên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội.
Tôi xen ngang câu hỏi: “Nghề làm thầy chắc là tự nhiên mà thành?”. GS Ngô Văn Thành lắc đầu rồi ông cười cho biết: “Từ truyền thống gia đình đấy chứ”. Tôi chưa hẳn hiểu, liền được ông giải thích. Thì ra sau 1954, xưởng nhuộm của gia đình được “hợp tác xã” nên cha ông quyết định bỏ nghề thợ để chuyển sang nghề thầy. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề, cha ông đã vào làng lụa La Khê trong Hà Đông để truyền dạy nghề nhuộm tơ tằm cho bà con.
Vừa tham gia biểu diễn đàn Violon vừa liên tục giảng dạy, mặc dù ông được Nhà nước cho nghỉ hưu từ năm 2016 nhưng GS Ngô Văn Thành vẫn luôn có học trò. Thời buổi 4.0 lại dịch dã mấy năm liền cứ ngỡ ông sẽ “mất dạy” vậy mà ông đâu có chịu. Học trò của ông muốn được học ông và những ai muốn được thưởng thức tiếng đàn Violon của ông thì chỉ cần gõ “Ngô Văn Thành” trên mạng xã hội Facebook là được đáp ứng ngay. GS Thành hàng ngày đều “phát trực tiếp” những buổi “lên lớp” và biểu diễn phục vụ người hâm mộ.
Và như ông bộc bạch: “Ơn giời tôi chắc cũng mát tay nên có nhiều học trò Violon tài năng. Trong các cuộc thi Concours Mùa thu các năm 1990, 1994 và 2007 các em đều đoạt giải thưởng cao. Những học sinh ngày nào còn nhỏ, nay đã là Tiến sĩ, Thạc sĩ violon – hiện đang là những giảng viên đầu ngành trong các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp.
Họ là những nghệ sĩ violon biểu diễn xuất sắc trong nghệ thuật âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam, là những NSƯT như: Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Hoàng Lan, Đào Mai Anh, Phan Tố Trinh… là những tài năng trẻ như Đỗ Phương Nhi… Chỉ hơi tiếc do nhiều yếu tố nên cuộc thi Concours Mùa thu không được tổ chức đều đặn nên chúng ta đang bỏ phí nhiều cơ hội thể hiện tài năng cho các nghệ sĩ trẻ”.
Trong cuộc trò chuyện, tôi hỏi thăm về những người anh chị em của ông và thật bất ngờ, trong 6 người con của “ông chủ xưởng nhuộm” năm xưa thì có một nửa là nghệ sĩ và và cũng có đúng 50% người làm nghề thầy. Người chị là Ngô Bích Chính thì cần mẫn dạy học phổ thông. Chị thứ hai là TS.NGƯT Ngô Bích Vượng theo học đàn tranh rồi làm Chủ nhiệm Khoa Nhạc cụ truyền thống Nhạc viện Hà Nội - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và người em trai Ngô Văn Thịnh là nghệ sĩ kèn Cor trong Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Những công lao đóng góp của GS Ngô Văn Thành đã xây dựng một đội ngũ nghệ sĩ, giảng viên Violon, cánh chim đầu đàn ấy vẫn chưa biết mỏi mà vẫn đem nhiệt huyết cho nền violon Việt Nam. Và đúng như ông đã nói lúc chia tay tôi: “Tài năng là nghiệp, là đạo, là phải được cống hiến”.
Năm 23 tuổi, ông Ngô Văn Thành đoạt Bằng khen vòng II Cuộc thi âm nhạc Quốc tế mang tên Traicopxki tại Liên Xô về biểu diễn đàn Violon. 45 tuổi được phong hàm Phó giáo sư. 52 tuổi được phong hàm Giáo sư và khi 61 tuổi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. GS Ngô Văn Thành có nhiều học trò Violon tài năng. Trong các cuộc thi Concours Mùa thu các năm 1990, 1994 và 2007 các em đều đoạt giải thưởng cao. Hiện đang là những giảng viên đầu ngành trong các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Họ là những nghệ sĩ violon biểu diễn xuất sắc trong nghệ thuật âm nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam, là những NSƯT như: Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Hoàng Lan, Đào Mai Anh, Phan Tố Trinh… là những tài năng trẻ như Đỗ Phương Nhi…