Nhớ những ngày trẻ

NGUYỄN QUANG HƯNG 25/05/2022 15:18

Bây giờ nghĩ lại thì tôi thấy bên mình có mùi long não. Lá một mặt xanh, một mặt đỏ sậm, rụng xuống đất úa dần. Chúng tôi ngồi trên sân trường vò vụn lá khô trong những ngón tay. Mùi long não sực lên thơm phức.

Nhớ tuổi học trò.

Đấy là những hôm có tiết thể dục. Cả lớp ngồi theo hàng nhưng cứ được một lúc thì nhóm lại thành từng túm, cà kê đủ thứ chuyện. Thầy cô nhắc ngồi lại cho đúng hàng, rồi chỉ được một lúc. Học thể dục thường vẫn thế mà. Lần lượt từng đứa lên chạy lấy đà nhảy được một phần hố cát, hoặc vài đứa nhảy dây kiểu thường, kiểu bắt chéo, có đợt học nhảy cao…

Ai lên thì lên, ở dưới nếu không nhìn đám kia nhảy nhót, trêu chọc mấy câu thì lại rì rầm nói chuyện. Huy lớp tôi ngồi dưới nói be bé đủ nghe với nhau: Thưa thầy cho em ra ngoài! Nhịn là có bệnh! Nhịn là có bệnh! Câu ấy hình như là bọn chúng có từ hồi học trường cấp hai Trần Đăng Ninh. Thầy Bảo dạy thể dục tính lành, ít nói, lúc nào tóc thầy cũng trải bóng mượt. Nhà thầy mở cửa hàng ăn tên là Bảo Nhàn ở cuối phố Hoàng Hoa Thám – thuộc khu vực làng Đơ ngày xưa, bây giờ nhớ lại thì thấy vừa vừa, nhưng tầm hai chục năm trước đã thuộc loại nhà hàng to ở Hà Đông. Tôi nhớ mấy năm sau có đi viết bài ở một xã chỗ ngã tư Vác đi vào, phỏng vấn một thầy hiệu trưởng trường cấp II, thầy còn bảo, thỉnh thoảng nhà trường tiếp khách còn ra tận nhà hàng Bảo Nhàn cơ đấy!

Hồi đó ăn mỳ vằn thắn ở Hà Đông tôi chỉ thấy có nhà hàng thầy Bảo. Rồi sau này và bây giờ cũng chỉ có ở một hàng nhỏ khác bán đêm ở mặt phố Quang Trung. Cả Hà Đông, hàng phở, hàng bún thì nhiều, mà bao năm trước sau cũng chỉ một hai hàng bán mỳ vằn thắn, thế mới lạ!

Có hôm đầu giờ chiều thứ hai, học tiết thể dục sau giờ chào cờ, học sinh như chim về ổ hết, sân trường ngập ghế nhựa xanh, đỏ. Mỗi mình thầy Chất đi xếp ghế. Thầy đội mũ lưỡi trai, áo sơ mi trắng không bỏ trong quần, cặm cụi xếp ghế trời nóng trông cũng đến là mệt.

Chúng tôi chạy ra dọn đỡ cho thầy một ít. Đợt đấy tôi nhớ là nhà trường tạo điều kiện cho thầy dọn ghế để thêm chút việc. Nhưng một thời gian sau thì chào cờ xong lớp nào lại tự dọn ghế lớp đấy cất vào kho. Kho lại là một căn phòng bé ở ngay lối đi nhỏ nối sân trước với sân sau, chào cờ xong chỗ ấy rất hay ùn vì học sinh các lớp sân sau đều dồn về, đông quá! Lại thêm các cậu con trai bê chồng ghế cồng kềnh. Chỗ ấy thành ra một nơi cười đùa tíu tít.

Thầy Kiều Công Chất dạy triết học. Tôi rất thích vì thầy hay nói lan man, kể đủ thứ trên trời dưới biển, cả chuyện thầy suýt đụng độ với du côn. Buổi đầu tiên vào lớp thầy đã dặn, các em nên có quyển sổ để ghi những lời nói hay. Tôi thường ghi luôn vào quyển vở triết học, nhưng rồi dần dần cũng nhãng đi, rồi thì quên sạch những gì thầy nói. Thầy có cô bé gái da trắng, bụ bẫm, thỉnh thoảng theo mẹ vào trường vì cô nhà thầy hình như cũng có lúc làm thêm một việc gì đó cho nhà trường. Không nhớ lần nào, có lớp nghịch, nhốt con gái thầy lại làm bé con khóc inh ỏi. Vợ thầy phải kêu lên, học sinh mà thế à! Đấy là tôi nghe kể thế, ai kể thì cũng quên mất rồi.

Hồi thầy Chất dạy, chúng tôi vừa vào lớp 10, lớp ở sát góc sân trước, chỗ nhìn ra mấy bộ xà đơn, xà kép. Lớp học xây thời Pháp, tường dày quét vôi vàng, cửa sổ lớn, nền lát đá hoa to, hành lang lớp cũng rộng, bước từ sân lên phải qua mấy bậc. Nhớ một đợt hồi sau khi tốt nghiệp cấp II, đến đăng ký học thêm để ôn thi vào trường. Được vài buổi thì các thí sinh tương lai biết hiệu trưởng trường này là thầy Bùi Hoàng, hiệu phó có thầy Nguyễn Xuân Thống. Thầy Thống dạy văn, trông tác phong thầy rất điềm đạm, tóc ngả bạc lấp lánh. Một buổi sáng mấy đứa con trai lớp học thêm đứng ở ngoài nhìn xuống sân, thấy thầy Thống đi qua. Có đứa chào: “Em chào thầy ạ!”, thầy gật đầu cười. Đứa khác lại bảo: “Em cũng thế!”. Liều thế cơ chứ!

Lớp hồi đầu năm học rủ nhau đi chơi được Ao Vua một chuyến. Đúng hôm lạnh phát khiếp! Nhưng đi chơi xa xa thì ai cũng hứng, dậy rõ sớm từ tối lờ mờ, tập trung ở cổng trường. Đường đi lên Sơn Tây còn mưa nữa chứ! Những năm gần đây đường rộng, đẹp, đi vèo một cái là lên đến nơi. Còn dạo ấy, sao thật là heo hút, lạ lẫm. Đường đi, đường về loang loáng hai bên những rặng cây, những vạt chuối và những cánh đồng mướt mướt xa, lại khá nhiều dốc chứ không phẳng như bây giờ, thỉnh thoảng những đàn bò hay trâu lại nghênh ngang ở phía trước. Lên đến Ao Vua thì cứ thế mà trèo lên theo thác. Trèo mãi lên rồi lại trèo xuống.

Chính ra về sau vài lần quay trở lại, tôi thấy người ta đã xây dựng nhiều quá rồi, làm đường đi lối lại, bê tông, xi măng, xây nhà đủ thứ, lại chẳng thích bằng! Ngẫm đến bây giờ, biết bao nhiêu nơi, kể cả không gian Hà Đông ngày trước, nhiều thứ đã bóng bẩy hơn, bề bộn hơn, và có cả ngột ngạt hơn. Chẳng riêng gì câu chuyện vật chất, ngay cả trong lòng người nữa, theo thời gian đã có bao nhiêu là bận rộn. Bận rộn, vội vã ngay từ trong cách nghĩ.

May mà gặp lại nhau sau một chặng dài ai nấy cắm cúi vào mưu sinh, nghề ngỗng, nhà cửa, hàng họ, quán xá, công ăn việc làm này kia đủ thứ, thấy ở chặng cuối của tuổi thanh niên, bạn bè đã có thể cười được vui vẻ. Ngày xưa ở đoạn đầu tuổi ấy, khi còn rất trẻ, chỉ 15, 16, học hành cũng thật là vui, cười đùa, băn khoăn, tư lự, bạn bè mới cũ đủ kiểu. Bây giờ được cái gặp nhau là thấy vui, thấy mừng, thấy đã thoải mái trong đi lại, ăn ở, làm việc. Lo toan thì chắc chẳng bao giờ hết được, biết bao nhiêu việc để lo nó cứ đầy lên, nhưng những cái mà bố mẹ chúng tôi phải lo ngày xưa, bây giờ cũng vợi đi nhiều lắm. 10 năm, 20 năm rồi cơ mà. Một số bạn lập gia đình sớm sau khi hết cấp III, bây giờ con đã lớn lắm rồi. Thế là mừng quá đi, các bạn trai trông vẫn thế, mà các bạn gái nhìn lại thấy trẻ đẹp, nhiều bạn thời trang lung linh. Gặp nhau nhìn thấy nhau khỏe mạnh, cưỡi xe máy, lượn ô tô veo veo, thấy vẫn luôn có nhiều chuyện để nói, để kể. Như ngày trước học cùng lớp, sao cũng có nhiều thứ để nói thế không biết!

Thế thì bây giờ nhớ lại, là tôi thấy ngay những buổi kỷ niệm ngày 20/11 khá rộn rã. Lớp cắm hoa, mua bánh kẹo, mời nhiều thầy cô đến, có cả các anh bộ đội binh đoàn Trường Sơn từ đơn vị ở phía dưới đường tàu Ba La Bông Đỏ lên. Tôi nhớ một tiết học kỹ thuật công nghiệp của cô Nga. Cô vẽ hình và giảng giải về hoạt động của động cơ xe máy, nào là bu gi, nào là xu páp nạp, xu páp xả, nào là pít tông, dầu nhờn…, nghe cũng hào hứng.

Còn cô Phấn thì dạy kỹ thuật nông nghiệp. Môn này thì tôi nhớ hình như lớp có nhiều điểm thấp vì học toàn về bò sữa, trâu Mu ra, lợn ỉ…, nghe vẻ cũng khó nhớ. Tôi nhớ những buổi đầu giờ chiều nắng gay gắt đi học thêm ở khu chùa Ngòi, vừa học lắm khi cũng gà gà gật gật. Ra chơi phải bò ra bàn ngủ một lúc mới tỉnh.

Cô Hoa chủ nhiệm dạy toán, và còn làm thơ. Một số tiết sinh hoạt lớp sáu, cô đọc một hai bài thơ cho chúng tôi nghe. Tôi nhớ láng máng có một bài về tình yêu của một anh thợ chụp ảnh dành cho một cô gái ra tắm biển, cô viết nhân một lần cô đi biển và cũng có gặp một người thợ chụp ảnh. Hồi đó khoảng năm lớp 11, tôi cứ thắc mắc mãi, sao cô có thể viết được như thế nhỉ, hay nhỉ! Vì cô và người thợ ảnh ấy có tình cảm gì như trong bài thơ đâu!

Sau này tôi hiểu rằng người thợ ảnh ấy chỉ cần là cái cớ, gợi ra một chút xúc cảm cho cô để cô hình dung một câu chuyện tình chẳng hạn, thế là đủ! Sau cô Hoa, cô Hằng cũng dạy Toán chủ nhiệm chúng tôi năm lớp 12. Cô hay cười, luôn chủ động cởi mở với các học trò. Một tiết học cô hầu như không xóa bảng, các nội dung, công thức, phép tính được cô trình bày trọn vẹn trên bảng, cô nói, muốn để học sinh nhìn lên bảng thì nắm được toàn bộ vấn đề. Vài năm trước lớp tôi gặp lại cô, cảm thấy cô không khác đi chút nào, tuyệt vời thế đấy!

Bây giờ chúng tôi “lớn” cả rồi, nhớ về những chuyện ngày trước, mấy hình ảnh ấy thôi cũng đã đủ cho mình thấy vui sướng vì được đời sống tặng cho tháng ngày trong trẻo. Những tháng ngày mà thỉnh thoảng nghĩ lại, sẽ thấy ký ức bước ra dần dần, tươi sáng và rất chân thật. Đấy là một lối đi xanh mát mở vào những cuộc gặp gỡ hiện tại. Vẫn thương quý nhau, thân mến với nhau, và tin nhau, vì luôn có ngày tuổi trẻ ấy ở trong tâm trí.

NGUYỄN QUANG HƯNG