Ký ức quê nhà
Ngày xưa nơi quê nội có trong hành trang của tôi - trái tim tôi đã chọn. Nơi để tôi nhớ, thao thiết và có khi muốn trốn ở đó. Bởi tôi chắc rằng chốn ấy bình yên.
Thực ra quê ông bà nội tôi cách làng quê này đến vài cánh đồng. Bố tôi đã thành người thiên cổ, nhưng những gì ông kể anh chị em tôi vẫn nhớ, cho dù đã ngót nghét 70 năm. Từ việc ông trốn nhà theo cách mạng, gắn bó với làng quê này mà nơi đây trở thành quê hương thứ hai của ông, của gia đình tôi. Vì ở đó, những năm ấy bố tôi được một bà mẹ bộ đội nuôi. Bà có bác Hồng là người con duy nhất cũng đi kháng chiến. Bà nhớ con, quý bố tôi nên nhận bố tôi làm con nuôi. Từ chính quyền, đến họ hàng cho đến hàng xóm láng giềng đều ghi nhận. Sau đó không lâu, bác Hồng hy sinh nên bà coi bố tôi như con đẻ. Và chính điều này khiến bố tôi càng gắn bó hơn với làng quê này.
Anh chị lớn bận đi học trường huyện rồi theo học đại học trên tỉnh, nên ít khi cùng bố mẹ về quê. Còn tôi, ngay từ nhỏ, bố đã buộc cái ghế mây vào sau xe đạp đưa đi khắp cả hai quê. Tôi theo bố về thăm bà, khi bố về, tôi còn ở lại. Tôi đã khám phá làng quê này bằng con mắt của đứa trẻ con nhà thoát ly một cách đầy hào hứng trong suốt một thời gian dài, nên tôi nhớ là phải.
Quê tôi nằm giữa cánh đồng, bao bọc làng bởi nhiều cây xanh, nhìn từ xa về đã thấy những cây dừa cao vút. Người làng kể, xưa đất này là một khu rừng có lẽ đúng. Con đường đất vắt qua cánh đồng vào làng lộng gió, mùa nào cũng thơm hương lúa. Còn đi đường đê sẽ thấy làng nào ven đê cũng đẹp, phải nhớ lối chứ không rẽ sai là sang làng khác ngay, quanh co mãi mới về được ngõ làng mình.
Ngõ làng quê tôi lát gạch nghiêng, đôi viên đã không còn nguyên vẹn. Những rặng cây bên đường lá xanh quanh năm, đôi nhà để cây dứa dại hay cây ruối cõi tốt lù, trẻ con như tôi thấy rờn rợn, vì vừa sợ rắn lại vừa sợ ma ở đó. Cạnh đường, bờ ao, vườn nhà được trồng dừa. Dừa trồng từ bao giờ không biết nhưng đều cao ngất, nhiều cây đã già, trụi lá.
Bà tôi và bác tôi ở hai nhà, chung sân. Bà ở nhà dưới, đó là ngôi nhà nhỏ, lợp ngói ri, ba gian nhà ngoài và hơn một gian buồng. Bác tôi bảo nhà bốn gian kiêng, nên khi xây thường chọn số gian lẻ. Còn gia đình nhà bác họ tôi, gọi bà bằng thím, ở ngôi nhà phía trên. Bà còn khỏe mạnh, ăn riêng, bà vẫn tự nấu nướng bằng gian bếp nhỏ phía đầu hồi bể. Còn nhà bác nấu ở một bếp khác ở đầu hồi nhà, cạnh cây rơm.
Nhà bà tôi có bể nước to, muốn múc nước phải bước lên cái cối đá rõ cao, thả gầu dây xuống mới múc được nước trong bể. Máng dừa hứng suốt giọt ranh nhà bà rồi máng bắc qua sân mới vào đến bể. Lần đầu tiên nhìn thấy cái bể to tôi khá choáng, nhưng tôi càng lớn lên thì cái bể càng bé đi thì phải - Đúng là mắt trẻ con.
Hồi ấy, tôi còn bé, phải trèo lên cái tường hoa rồi mới trèo lên được nóc bể để chơi, dò xét. Xem cây huyết dụ, cây hoa xói cạnh bể, chỗ mái gianh nhà hàng xóm, tò mò ngó vào cửa sổ nhà người ta. Có khi tôi lại giúp bà phơi mấy thứ hạt khô như đậu, lạc, vừng. Hàng xóm có ai sang xin ít lá huyết dụ, tôi ton tót ra hái hộ ngay và luôn cảm thấy thích thú vì điều này. Dù cây huyết dụ làm thuốc, cây xói cho hoa để ướp trà mạn nhưng không thể quý bằng hai cây hoa hồng trà ở hai bên đầu hồi bể. Từ bà, bác đến bố tôi đều bảo giống hoa này quý hiếm, khó trồng lắm. Cả làng chỉ có nhà bà tôi có. Mấy lần cứ độ mùa xuân, bác lại giâm cành cho bố tôi mang về trồng nhưng chưa bao giờ bố tôi gây được cây trà quý này. Có đôi lần bác tôi chiết, nhưng không có kỹ thuật, cành chiết chết, chứ không lên rễ để thành cây được, thế nên đành chịu.
Làng tôi có nghề canh cửi, nên bãi dâu bạt ngàn. Tôi thường theo các chị đi bãi, đứng trong bãi dâu tôi cứ căng mắt tìm quả để ăn, nhưng tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ tìm được dẫu là một quả nhỏ. Ở bãi dâu có loài châu chấu to kinh khủng. Chúng có màu xanh hay màu nâu, cánh cứng, càng to, sắc, đạp vào tay đau buốt và chảy máu luôn. Châu chấu dâu to hơn hẳn loại châu chấu tre cổ kiêu 3 ngấn chúng tôi vẫn bắt dưới nhà tôi. Loại châu chấu này cũng giống như châu chấu voi không thể bắt về rang ăn được như châu chấu hay cào cào ngoài ruộng lúa. Có lần tôi đã đem về nhà mình vài con khoe với bọn bạn hàng xóm làm bọn đấy lác mắt và ao ước được đến bãi dâu như tôi.
Tôi còn đi thăm ruộng dong giềng cùng chị cả. Cánh bãi xanh thẫm, loại cây ăn củ này lại thật tốt lá. Những tàu lá xanh, viền tím thật đẹp, hoa của loài cây này cũng đẹp. Chị tôi bảo: “Trồng ruộng dong này bán củ cho người xã dưới có nghề làm miến”.
Tôi nghe và hiểu ngay vì dưới quê tôi, làng bên cũng có nghề làm miến. Tết mọi người hay cho miến dong, mẹ tôi thường nấu miến bằng nước luộc gà để cúng cụ. Tôi không thích món này lắm, chỉ để mắt đến những bông hoa đỏ tươi. Tôi mong ước có chiếc áo tết màu đỏ thế này. Chẳng biết tết này có đến lượt tôi được mua áo mới không hay mẹ lại bảo “Bé mặc lại áo của anh chị cũng được, lớn hẵng hay”.
Lại có lần chị đưa tôi sang thăm bãi ngô. Bãi ngô rộng, cả làng này, làng bên, xã bên đều trồng ngô. Có thể vì đã lớn hơn và hay hóng chuyện nên tôi còn biết vùng này trồng nhiều ngô là vì ở đây mọi người đều làm tương ngô chứ không làm tương đậu như dưới nhà tôi, như làng bên cạnh làng tôi. Chính làng có nghề làm miến dong, thì cũng là làng có nghề làm tương luôn.
Nhà tôi bố mẹ thoát ly, ăn gạo sổ, nên thực phẩm theo tem phiếu nên ăn nước mắm mậu dịch chứ không ăn tương như người làng. Đôi khi có người cho chai tương chỉ để kho cá chứ bố tôi không thích món này. Tương ngô quê tôi thật khác thứ tương đậu thông thường. Tương được lọc bã, màu nâu, ngọt lừ. Tương chấm rau muống rõ ngon. Tôi nhớ, lần đầu vào một bữa sáng, nồi cơm sốt được bê lên gian giữa, tôi chỉ nhìn thấy mỗi bát tương trên cái chựng ăn cơm nhà bác. Tôi nghĩ đó là bát canh. Bà hiểu thì phải, bà bảo tôi:
- Rưới tương vào cơm ăn đi, bữa sau bà rang lạc làm muối vừng cho mà ăn sáng, chứ cháu không theo được nhà bác ý đâu.
Tôi ăn cơm với tương ấy, miếng đầu khó nuốt, nhưng quen ngay, rồi cũng ăn thành thần, như mấy anh chị trong nhà, khỏi cần muối vừng, muối lạc của bà luôn.
Tôi ăn rồi đi chơi khắp làng, đi xem người ta làm bánh gai. Nhìn mà sợ, thứ nguyên liệu đen ngòm, nhưng lại thơm phưng phức. Nặn thành cục tròn tròn, rồi ấn cho dẹt dẹt, gói trong cái lá chuối khô vừa phết mỡ một mặt. Bánh hấp, thơm nồng mùi lá chuối khô, rồi mới quện với mùi nếp và đậu. Bánh dỡ ra, nóng hôi hổi, phải để nó thật nguội mới lồng vào từng khung lá dừa vuông vuông chất đầy trong các thúng cái. Tôi đã hiểu, dừa chính là một phần nguyên liệu để làm loại bánh này, thi thoảng người ta lại ngửa cổ xem ông hái dừa, chặt lá dừa là thế. Nhà người làm hàng không làm kịp, thuê hàng xóm bẻ lá làm hộp, các anh chị tôi nhặt nhạnh tiền, nhiều khi cũng làm, và tôi cũng làm như ranh, biết ghim khung bánh như ai.
Có lúc tôi lại theo chị đi nhà tằm. Ngồi sau xe đạp của chị ngắm giời đất, thấy chị rẽ vào con đường đất. Tôi bước theo chị vào cái nhà rộng thông thống. Tôi thấy rất nhiều cái nồi to, khói nghi nghút. Có người hỏi chị đi mua nhộng à? Chị bảo mua về đổi bữa cho tôi, chứ không ăn mãi đậu tôi cũng chán. Mọi người xúm vào hỏi thăm, bẹo má tôi nữa, tôi cũng chợt nhớ ra đúng là cả tuần nay tôi đã không được ăn thịt rang như ở nhà. Nhà bác là nông dân không có tem phiếu thì lấy đâu ra thịt - tôi nghĩ thế.
Một người phụ nữ mang cái cân ra, cân cho chị 3 lạng nhộng, gói vào cái lá dong giềng, buộc lạt cẩn thận để hai chị em ra về. Bữa đấy, có nhộng rang, ngon tuyệt. Tôi đã từng ăn nhộng trước đó và sau này nhưng chẳng bao giờ thấy ngon như bữa ăn ấy. Nhộng rang nước cà, rắc lá chanh thái chỉ, chị rang riu riu lửa rõ lâu và tôi cũng ngồi cạnh xem không bỏ qua chi tiết nào.
Tôi năm đó các chị dắt theo đi chợ làng mỏi chân còn đòi bế. Tôi những năm sau vẫn ngồi rãi thẻ bẻ lá bánh cùng các anh chị. Lâu sau vào đại học vẫn đưa các bạn về làng chơi, khoe đúng kiểu “làng mình” không khác gì người làng thực thụ… Mà nay tóc đã bạc. Anh chị tôi đều đã lớn tuổi, con cái trưởng thành và có cháu. Anh rể thứ đã mất vì bệnh trọng…
Làng tôi đã trở thành làng ven đô nhà ngói ri, ngói móc xen biệt thự. Hoa mười giờ, hoa mõm chó hay cúc vạn thọ, hoa sống đời vẫn nở đầy khoảng vườn trước cửa nhà. Có những cây dừa cằn cỗi người làng đốn hạ, đào gốc, san nền để đất ấy làm việc khác. Nhưng cũng có những người vẫn tìm giống trồng lại một cây dừa mới vào chỗ đó… Chỉ được nghe chị kể, tôi cũng thấy vui. Chẳng phải dặn lòng, trong trái tim của tôi lại xếp thêm một chuyện quê nhà vào đó, như bấy lâu đã từng.