Đề xuất đầu tư tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ
Ngày 12/5, tại buổi làm việc về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ đoạn qua địa bàn TP Cần Thơ, đại diện liên danh tư vấn dự báo đến năm 2050 lưu lượng hành khách trên tuyến hành lang này sẽ đạt 22 triệu lượt/năm và hàng hoá sẽ đạt 40 triệu tấn/năm.
Theo đại diện liên danh tư vấn(gồm TEDI SOUTH (Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam); TRICC (Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải); TEDI (Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải), đến năm 2034, 4 loại hình vận tải (đường bộ, sông, biển và hàng không) hiện có trên hành lang TP HCM - Cần Thơ, vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu vận chuyển. “Tuy nhiên, những năm sau đó, 4 hình thức vận tải này không đáp ứng được nhu cầu vận tải” - vị này cho biết và cho rằng lúc đó cần thiết cần phải xuất hiện loại hình vận tải mới, đó là đường sắt.
Chính vì vậy, tư vấn đề xuất đến năm 2034 cần hình thành tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách.
Ông Lê Tiến Dũng- Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2030 mới xem xét, tính toán việc đầu tư dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2030, cần phải thực hiện một số bước, trong đó, có nghiên cứu tiền khả thi dự án để có cơ sở cho nhà đầu tư xem xét khi họ vào đầu tư. “Nếu sử dụng vốn đầu tư công, thì báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cũng là thủ tục đầu tiên để phê duyệt chủ trương đầu tư”- ông Dũng cho biết.
Với đề xuất đầu tư của tư vấn về dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ sau năm 2030, ông Dũng cho rằng, nên làm ở giai đoạn 2025-2030 nếu có nguồn vốn và nhà đầu tư. “Bởi, lý thuyết chúng ta tính toán lưu lượng (vận tải hàng hóa, hành khách) như vậy, nhưng thực tế phát triển của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long sau khi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hình thành, thì lưu lượng sẽ lớn rất nhiều, chứ không như hiện nay” - ông Dũng giải thích và cho rằng, quá khứ cũng đã từng có tuyến đường sắt kết nối đến Tiền Giang.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng cho rằng nên đầu tư tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ trong giai đoạn trước năm 2030 để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Theo đại diện liên danh tư vấn, tàu đường sắt TP HCM - Cần Thơ có vận tốc thiết kế 190 km/giờ, tuy nhiên, đối với tàu vận chuyển hành khách dự kiến sẽ khai thác với vận tốc 160 km/giờ và tàu chở hàng sẽ khai thác với vận tốc 120 km/giờ.
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ có điểm đầu ga hàng hoá tại ga An Bình (thuộc phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) và điểm đầu ga hành khách tại ga Tân Kiên (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP HCM); điểm cuối cùng kết nối vào ga Cái Răng (phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Tuyến đường sắt có chiều dài khoảng 174 km, đi qua các địa phương, gồm Bình Dương, TP HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ. Toàn tuyến có tổng cộng 13 ga. Được biết, dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 10 tỷ USD.