Không đỗ lớp 10 trường công, cơ hội nào cho học sinh?

Nguyễn Hoài 13/05/2022 14:09

Học sinh lớp 9 của Hà Nội chuẩn bị bước vào kỳ thi vào 10 THPT công lập.Theo dự kiến của Sở GDĐT Hà Nội, năm nay chỉ có 60% học sinh có cơ hội vào các trường công lập. Áp lực của kỳ thi đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì không biết chọn hướng đi nào nếu như con không đỗ vào 10 công lập.

Áp lực cạnh tranh

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào các ngày 18 và 19/6. Các thông tin liên quan như lịch thi, số môn thi, thời gian làm bài, cách tính điểm xét tuyển, nguyên tắc xét tuyển... đã được Sở GDĐT Hà Nội công bố. Điểm chung của tuyển sinh vào lớp 10 năm học tới là giữ ổn định như năm trước, tạo thuận lợi nhiều hơn cho học sinh.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào các ngày 18 và 19/6.

Kỳ thi vào 10 THPT công lập ở Hà Nội luôn là một kỳ thi vô cùng căng thẳng với tính cạnh tranh cao. Năm nay, theo Sở GDĐT, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm ngoái. Dự kiến các trường THPT tuyển vào lớp 10 là 104.000 học sinh. Trong đó có 77.000 học sinh vào trường công lập, số còn lại vào trường tư thục.

Như vậy, sẽ chỉ có 60% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và khoảng 9% số học sinh tham gia học nghề.

Số lượng học sinh xét tốt nghiệp THPT so với năm ngoái khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy bất an, lo lắng về tính cạnh tranh của kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.

Anh Lại Quang Tùng (quận Đống Đa) chia sẻ: “Số lượng học sinh xét tốt nghiệp THCS năm nay tăng mạnh thì cánh cửa vào trường công không dễ dàng. Tôi khá lo lắng nhưng luôn động viên con cố gắng ôn tập tốt”.

Theo kế hoạch, hôm nay (13/5) là ngày cuối cùng học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố. Chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ) cho biết, mọi quy định, quyền lợi của học sinh đã được nhà trường phổ biến rất kỹ cho phụ huynh từ trước đó. Chị và con gái đã hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng dự tuyển.

Tuy nhiên, theo chị Phương, con gái chị vốn có sức học chỉ ở mức trung bình. Trong khi đó, áp lực của kỳ thi là rất lớn. Chị bày tỏ lo lắng vì không biết chọn hướng đi nào nếu như con không đỗ vào 10 công lập.

Chị Phương cho biết: “Gia đình tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của các phụ huynh có con đã thi vào lớp 10 năm trước và đang tính toán phương án dự phòng cho con vào các trường THPT ngoài công lập để trút bớt căng thẳng cho con”.

Nhiều cơ hội rộng mở

Áp lực, lo lắng trước một kỳ thi quan trọng là tâm lý chung khó tránh khỏi của học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) cho rằng, cha mẹ không nên quá lo lắng, căng thẳng sẽ tạo áp lực lớn, ảnh hưởng tới sức khỏe của các con.

Theo bà Hạnh, với chủ trương phân luồng của Sở GDĐT Hà Nội, không chỉ có vào lớp 10 THPT công lập là con đường duy nhất mà học sinh còn có nhiều lựa chọn phía trước như vào hệ thống các trường ngoài công lập. Với các trường cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, học sinh vừa được học văn hóa, vừa được học nghề theo sở trường, đồng thời vẫn có cơ hội học liên thông đại học.

Năm nay, dự kiến toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm ngoái.

Theo quy định, một trong những điều kiện bắt buộc với học sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập là học sinh, hoặc bố, mẹ của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Tuy nhiên, với chủ trương bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lớp 10, những học sinh chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội có thể lựa chọn đăng ký dự tuyển vào các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và các trường nghề…

Ngoài ra, học sinh còn có thể tham gia dự tuyển vào lớp 10 trường ngoài công lập bằng nhiều cách. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường dự kiến tăng từ 270 chỉ tiêu lên 360 chỉ tiêu và áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Học sinh có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đều có thể dự tuyển bằng cách sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập hoặc sử dụng học bạ cấp THCS.

Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2022-2023, các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh học sinh vào lớp 10.

Hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh căn cứ vào điểm xét tuyển của học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên; kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó và các quy định khác của Quy chế tuyển sinh do Bộ GDĐT ban hành.

Căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường đã xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023. Theo đó, toàn thành phố có 109 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập tuyển sinh học sinh lớp 10. Hầu hết các trường đều có áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp THCS của học sinh để tuyển sinh.

Nguyễn Hoài