Những ngân hàng có lãi năm 2021 cao ngất, bất chấp dịch bệnh

Quang Thành 13/05/2022 14:12

Trong bối cảnh năm 2021 tiếp tục kiểm soát nợ xấu và hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn vì Covid-19, nhiều ngân hàng vẫn báo lãi cao ngất, tăng trưởng dương so với năm 2020.

Năm 2021 là một năm khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, tất cả các ngân hàng trong Top 10 đều ghi nhận lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020.

Những cái tên góp mặt vào danh sách các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất năm 2021 vẫn tương tự như năm ngoái, tuy nhiên, thứ hạng có sự xáo trộn mạnh.

Những ngân hàng có lãi năm 2021 cao ngất, bất chấp dịch bệnh
Năm 2021, nhiều ngân hàng vẫn báo lợi nhuạn cao ngất, bất chấp dịch bệnh. Ảnh minh họa

Vietcombank

"Quán quân" về lợi nhuận hợp nhất trong hệ thống ngân hàng năm nay vẫn là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, MCK: VCB).

Theo báo cáo tài chính quý IV/2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất cả năm đạt 27.375 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2020. Đây là năm thứ 6 liên tiếp Vietcombank duy trì được vị trí này.

Tổng thu nhập hoạt động năm qua của Vietcombank đạt gần 56.900 tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 42.387 tỷ đồng, tăng 17%. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 4.378 tỷ, tăng 12%.

Nhà băng này cũng ghi nhận khoản lãi từ mua bán chứng khoán ở mức 189 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng.

Vietcombank đã tăng cường trích lập dự phòng lên 11.760 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước vì lo ngại nợ xấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tính đến ngày 31/12/2021, Vietcombank có tổng tài sản đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.

Nợ xấu ở mức 6.121 tỷ đồng, chiếm 0,64% trong tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ này chỉ tăng nhẹ so với mức 0,62% cuối năm 2020.

Techcombank

Trong năm 2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, MCK: TCB) vươn lên vị trí "á quân" tại danh sách các ngân hàng có lợi nhuận cao nhất.

Về kết quả kinh doanh, năm 2021, Techcombank báo lãi trước thuế hơn 23.238 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước đó.

Tổng thu nhập hoạt động của Techcombank tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 37.100 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 568.800 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cuối năm 2020. Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng cuối năm 2021 đạt 388.300 tỷ đồng (tăng 22,1% so với cuối năm 2020) theo đúng hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp.

Tỷ lệ nợ xấu cuối quý IV/2021 ở mức 0,7% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 162,9%.

VietinBank

Trong năm 2021, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, MCK: CTG) bị vụt mất vị trí á quân vào tay Techcombank và xếp ở vị trí thứ 3 các ngân hàng có lợi nhuận "khủng".

Lũy kế cả năm 2021, VietinBank báo lãi trước thuế 17.589 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.219 tỷ, tăng 3,1%.

Cũng trong năm này, thu nhập lãi thuần tăng 17,5% lên mức kỷ lục gần 41.800 tỷ đồng. Mảng dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác có lãi thuẫn tăng 13,5% và 76,6%, lần lượt ở mức 4.952 tỷ và 3.407 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng tài sản VietinBank đã vượt mốc 1,5 triệu tỷ, tăng 14,2% so với hồi đầu năm.

Dư nợ cho vay ngân hàng tăng 11,4% lên mức 1,131 triệu tỷ. Trong đó, nợ xấu nội bảng tăng 49% lên hơn 14.300 tỷ đồng và chiếm 1,26% tổng dư nợ.

MB

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, MCK: MBB) sắp bắt kịp VietinBank với lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt hơn 16.257 tỷ đồng, gấp rưỡi năm trước.

Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất duy trì ở mức thấp, chỉ 0,9%, riêng ngân hàng là 0,68%. Quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng Ngân hàng MB gần 400%, hợp nhất gần 268% và là 1 trong 2 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành.

Tính đến hết năm 2021, quy mô tổng tài sản của MB và các công ty con đạt 607.000 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2020.

VPBank

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, MCK: VPB) là cái tên đứng thứ 5 trong danh sách các ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất trong năm 2021.

Tổng thu nhập hoạt động trong năm 2021 đạt hơn 44.301 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí hoạt động của VPBank trong năm 2021 giảm xấp xỉ 6% so với một năm trước.

Điều này khiến cho nhà băng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 14.580 tỷ đồng trong năm 2021 (tăng 12%). Riêng ngân hàng mẹ lãi 14.011 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2020.

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VPBank đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%.

Nhờ giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực xử lý nợ, ngân hàng kiểm soát tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,51%, tính theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài 5 cái tên nói trên, các ngân hàng như Agribank, BIDV, ACB, HDBank và VIB cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận đáng kể.

Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, Kienlongbank lại là ngân hàng dẫn đầu với mức tăng 558%, đạt 1.010 tỷ đồng. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành 101% kế hoạch chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế của năm 2021, đánh dấu mốc lần đầu tiên lợi nhuận của KienlongBank vượt mức 1.000 tỷ đồng.

Quang Thành