Du lịch Việt và dấu mốc SEA Games 31
Với sự tham gia của 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, SEA Games 31 diễn ra tại 12 tỉnh, thành phố đang mở ra cơ hội vàng quảng bá cho du lịch cùng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc quan trọng của ngành du lịch nước nhà trong lộ trình phục hồi thời kỳ hậu Covid-19.
Trước khi SEA Games 31 khai mạc, Tổng cục Du lịch đã ra mắt chuyên trang quảng bá du lịch Việt Nam. Cùng với việc giới thiệu tổng quan về du lịch Việt Nam là các thông tin cần thiết đối với du khách quốc tế khi vào Việt Nam như thủ tục visa, xuất nhập cảnh, kiểm soát y tế… Chuyên trang cũng giới thiệu hình ảnh du lịch của 12 tỉnh, thành phố đăng cai tổ chức các môn thi đấu ở SEA Games 31 với các thông tin hữu ích giới thiệu về điểm tham quan, cơ sở lưu trú, điểm vui chơi giải trí, cơ sở mua sắm, các tour du lịch hấp dẫn...
Địa phương và doanh nghiệp du lịch cùng vào cuộc
Nhằm giới thiệu điểm đến du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện, hấp dẫn, Tổng cục Du lịch cũng đã hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tổ chức 23 chương trình du lịch miễn phí cho đại biểu, 51 chương trình du lịch theo yêu cầu tại địa phương tổ chức SEA Games 31, điểm đến lân cận và trung tâm du lịch trên toàn quốc.
Đăng cai 18/40 môn thi đấu, nhằm chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này, thời gian qua Hà Nội tổ chức hàng loạt các sự kiện quảng bá, kích cầu. Có thể kể đến Lễ hội Du lịch Hà Nội “Hà Nội - Đến để yêu”; Liên hoan Ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội. Các đơn vị lữ hành và các điểm đến cũng đã ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, trong đó có thể kể đến việc kích hoạt không gian phố đi bộ Sơn Tây, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”; tour đêm khám phá Nhà tù Hỏa lò; Hanoi City Tour bằng xe buýt 2 tầng; tour khám phá văn hóa Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học...
Không chỉ Hà Nội, các địa phương đăng cai tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31 cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch. Tỉnh Nam Định với các hoạt động trưng bày sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh, triển lãm không gian thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian diễn ra SEA Games, miễn phí tham quan tại các điểm du lịch lớn trên địa bàn cho các thành viên các quốc gia tham gia SEA Games 31, bên cạnh các chương trình tour du lịch ngắn ngày hấp dẫn. Tỉnh Hải Dương cũng vừa triển khai 3 tour du lịch tham quan miễn phí cho các đoàn thể thao tham gia thi đấu tại địa phương. Phú Thọ với chuỗi chương trình triển lãm, giới thiệu đặc sản, điểm đến địa phương...
Đối với các doanh nghiệp du lịch, SEA Games 31 cũng đã mở ra nhiều cơ hội để tăng cường thu hút du khách, xây dựng sản phẩm mới. Vietfoot Travel, LUX Travel, VI Travel, Vietravel, Hanoitourist cũng đã xây dựng 28 tour, chương trình du lịch tiêu biểu tham quan danh lam thắng cảnh nổi tiếng và thưởng thức ẩm thực độc đáo của Hà Nội và vùng phụ cận, giới thiệu tới các đoàn đại biểu, vận động viên và phóng viên quốc tế.
Cú hích quan trọng
Có thể nói, việc Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 là một dấu mốc đặc biệt cho du lịch Việt Nam, góp phần giúp du lịch “bứt phá” sau đại dịch.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) Trần Phong Bình, việc tổ chức, tận dụng tốt sự kiện SEA Games 31 để quảng bá, xúc tiến sẽ là một cú hích cho du lịch Việt Nam phục hồi và sớm quay lại đà phát triển. SEA Games 31 cũng là dịp để du lịch Việt Nam xem xét, đẩy mạnh các hoạt động du lịch thể thao, đặc biệt là du lịch golf. Đây là một trong những điểm mạnh của du lịch nước nhà khi nhiều năm Việt Nam được công nhận là Điểm đến golf hàng đầu châu Á và thế giới.
“SEA Games 31 còn là cơ hội vàng để ngành du lịch Việt Nam quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam đến các đoàn thể thao và bạn bè, du khách trong khu vực và quốc tế” - ông Bình nhấn mạnh.
Còn theo Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Hà Nội Trịnh Thị Mỹ Nghệ, SEA Games 31 thực sự là cơ hội để quảng bá, xúc tiến du lịch Thủ đô. Sự kiện thể thao này sẽ thu hút đông đảo các cơ quan truyền thông quốc tế, các vận động viên và thành viên đoàn thể thao các nước tham dự. Ở đó, không chỉ thu hút khách trực tiếp, du lịch Hà Nội còn được hưởng hiệu ứng lan tỏa khi các cơ quan truyền thông quốc tế đưa thông tin, hình ảnh về Hà Nội; những vận động viên, quan khách thể thao, các cổ động viên khám phá, trải nghiệm du lịch Thủ đô. Nếu tận dụng được cơ hội này, ngành du lịch Thủ đô sẽ mau chóng phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng như trước.
Ông PHÙNG QUANG THẮNG - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI LỮ HÀNH HÀ NỘI:
Lan tỏa hình ảnh đến các thị trường trọng điểm
Với số lượng vận động viên, huấn luyện viên, nhân viên… lên tới hơn 10.000 người, SEA Games 31 là sự kiện thể thao quốc tế quan trọng diễn ra tại Hà Nội và một số tỉnh thành sau khi Việt Nam công bố mở cửa du lịch từ 15/3. Qua sự kiện, các nước sẽ đánh giá về công tác tổ chức, phòng dịch và cả cách xử lý với dịch bệnh khi có người nhiễm Covid-19 của Việt Nam. Thông qua việc tổ chức SEA Games cũng sẽ là một hoạt động khảo sát, xúc tiến tại chỗ rất có lợi cho du lịch khai thác thị trường gần ngay tại khu vực ASEAN, từ đó lan tỏa hình ảnh đến các thị trường trọng điểm như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á... Tuy nhiên để hoạt động liên kết đạt hiệu quả, tạo ra những sản phẩm có giá trị bền vững, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc hình thành, xây dựng sản phẩm, nhất là về giá cả và danh sách đơn vị cung ứng dịch vụ chất lượng.
GS.TS PHẠM HỒNG LONG - TRƯỞNG KHOA DU LỊCH, TRƯỜNG ĐH KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN HÀ NỘI:
Kênh truyền thông hiệu quả cho du lịch Việt Nam
Việc tổ chức SEA Games 31 là cơ hội truyền thông rất tốt cho du lịch Việt Nam, đặc biệt là thu hút khách từ thị trường Đông Nam Á. Những vị khách đến trong dịp SEA Games 31 sẽ là những “đại sứ du lịch”, là kênh truyền thông hiệu quả cho du lịch Việt Nam nếu nước chủ nhà làm tốt hoạt động đón tiếp. Mặc dù đây sẽ là cơ hội, song cũng là thách thức trong khâu tổ chức. Nhân lực lao động lúc này không chỉ cần sự chuyên nghiệp mà còn cần được trang bị thêm nhiều kỹ năng giao tiếp quốc tế. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, các đơn vị kinh doanh điểm đến, cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, cơ sở ẩm thực cần bảo đảm phục vụ khách trên nguyên tắc giữ chữ tín, niêm yết giá công khai, thái độ phục vụ văn minh lịch sự, thân thiện, hỗ trợ du khách. Các địa phương, đơn vị cần rà soát các cơ sở dịch vụ, xử lý nghiêm trường hợp chèo kéo, cạnh tranh không lành mạnh, “chặt chém” du khách về giá cả.
Hoàng Minh(ghi)