Quảng Nam: Hiệu quả từ Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'

Tấn Thành – Chí Đại 14/05/2022 11:52

Trong 2 năm qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế cả nước và tỉnh Quảng Nam nói riêng, thế nhưng Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn được triển khai thực hiện đạt nhưng hiệu quả đáng ghi nhận.

Để làm được điều đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) và Thường trực BCĐ CVĐ tỉnh, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp,… đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thích ứng linh hoạt, chỉ đạo triển khai CVĐ đảm bảo theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh uỷ, đem lại hiệu quả thiết thực.

Hàng nông sản Việt được bày bán tại một hội chợ.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, với trách nhiệm là cơ quan Thường trực BCĐ CVĐ tỉnh, tham mưu triển khai nhiều nội dung làm cho CVĐ đem lại hiệu quả tích cực. Cụ thể như, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 03, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 08 triển khai thực hiện CVĐ trên địa bàn tỉnh.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Liên hệ và phối hợp với các cơ quan thành viên về việc cử đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị tham gia thành viên BCĐ CVĐ tỉnh; tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh, ban hành nhiều văn bản về việc kiện toàn BCĐ CVĐ.

Hàng năm chủ động tham mưu, ban hành kế hoạch hoạt động, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp triển khai CVĐ một cách cụ thể. Tổ chức nhiều hội nghị tọa đàm chuyên đề về đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện CVĐ. Đến nay, có 18/18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập BCĐ CVĐ cấp huyện.

Đưa hàng Việt về nông thôn.

UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, các làng nghề truyền thống, chương trình OCOP... kinh doanh, phát triển. Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ưu tiên mua sắm công trang thiết bị, hàng hóa, xe ô tô sản xuất trong nước.

Chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm bình ổn giá, đảm bảo cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân, nhất là trong giai đoạn bị phong tỏa, cách ly do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và dịp Tết Nguyên đán. Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng; phối hợp tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm…

Một tiết mục tuyên truyền về “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sở Công Thương tăng cường tổ chức các Hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sở NNPTNT tích cực tham mưu các cơ chế thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”; Sở Văn VHTTDL tham mưu tuyên truyền, tổ chức về Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam- Điểm đến du lịch xanh; chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “Người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam”…

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TTTT định hướng công tác tuyên truyền về CVĐ và chỉ đạo các cơ quan báo, đài trên địa bàn tỉnh, các trang tin điện tử, tạp chí, bản tin của các cơ quan, đơn vị tăng cường đăng tin, bài viết phản ánh về CVĐ.

Người Việt Nam vẫn tìm đến những sản phẩm trong nước để tiêu dùng.

Hai năm qua, Sở Công Thương tiếp nhận, theo dõi 3 Hội chợ; xác nhận 13 chương trình khuyến mại mang tính may rủi; tiếp nhận 11.962 thông báo khuyến mại của các doanh nghiệp; Triển khai thực hiện Đề án phát triển Thị trường trong nước gắn với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 – 2020.

Năm 2020, tỉnh tổ chức đoàn tham gia hội chợ xúc tiến thương mại tại Quảng Ninh, Quảng Bình, Kon Tum, Hà Nội. Tham gia chương trình kết nối cung cầu sản phẩm tại các tỉnh Hòa Bình, Gia Lai, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội; tham gia Hội nghị “Kết nối hàng Việt – OCOP Đà Nẵng 2020”; tổ chức hội nghị - triển lãm, trưng bày kết nối sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Nam năm 2020 tại siêu thị CoopMart Tam Kỳ, tham gia Hội nghị “Kết nối hàng Việt - OCOP Đà Nẵng 2021”, Hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP tại Phú Quốc; kết nối với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tiếp nhận và trưng bày các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, sản phẩm OCOP Quảng Nam tại số 92-94 đường Nguyễn Huệ.

Một cơ sở đào tạo sản xuất hàng việt tại Quảng Nam.

Cùng với đó, tổ chức Hội chợ Xuân-OCOP Quảng Nam 2021 với quy mô 212 gian hàng của 86 đơn vị, cơ sở làng nghề trong tỉnh và các doanh nghiệp thương mại, làng nghề trong cả nước, thu hút khoảng 18.000 lượt khách tham quan mua sắm. Đây thực sự là một hoạt động xúc tiến thương mại trọng điểm của tỉnh.

Mặc dù bị ảnh hưởng 2 năm liên tiếp của đại dịch Covid-19 cùng với chịu tác động của thời tiết khắc nghiệt nhất là trong năm 2020, nhưng được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và sự phối hợp của chính quyền, các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, CVĐ đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng, nên đã đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Tấn Thành – Chí Đại