Cần sự quan tâm của chính quyền địa phương
TS.BS Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) cho biết: Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hướng dẫn viên dạy bơi, kĩ năng an toàn khi bơi còn thiếu. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt việc bố trí nguồn lực về vấn đề này còn hạn chế.
Tình trạng trẻ em ở nước ta bị đuối nước đang tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Điều đáng nói, có những trường hợp nhiều trẻ bị tử vong hoặc nhiều trẻ trong một gia đình cùng bị đuối nước. Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng đuối ở mức báo động, trong đó có những nguyên nhân khách quan như: môi trường sống ở nhiều nơi không bảo đảm an toàn cho trẻ, hay nguyên nhân chủ quan là nhiều em ham chơi, trốn cha mẹ, người lớn tự ý đi bơi lội ở những khu vực ao, hồ, sông, suối nguy hiểm. Tệ hơn, không ít vụ tai nạn đuối nước xảy ra ở những nơi mà ra người lớn biết rõ là có nguy hiểm nhưng coi thường, chủ quan, không hề có biển cảnh báo, hay cắt cử người trông coi để ngăn chặn trẻ em tới vui chơi.
Một nguyên nhân nữa có thể dẫn đến tình trạng đau lòng là kĩ năng phòng chống đuối nước, an toàn của trẻ còn thiếu. Liên quan đến tỉ lệ trẻ biết cách phòng chống đuối nước sau các khoá học, bà Hoa cho biết: Trong giai đoạn năm 2015 - 2016, tỉ lệ biết bơi là 30%. Những năm gần đây, do phối hợp các ngành, hỗ trợ vào cuộc của các địa phương trong việc triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn thì tỉ lệ trẻ biết cách phòng chống đuối nước đã tăng so với giai đoạn trước nhưng với trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á, và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Điều đáng nói là cơ sở vật chất, trang thiết bị, hướng dẫn viên dạy bơi, kĩ năng an toàn khi bơi còn thiếu. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt việc bố trí nguồn lực về vấn đề này còn hạn chế.
Theo TS. BS Vũ Thị Kim Hoa, thời gian tới Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành tăng cường việc thực hiện cũng như chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tử vong tai nạn đuối nước, thương tích ở trẻ. Chỉ đạo địa phương thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn về ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn. Đẩy mạnh việc truyền thông phòng chống đuối nước ở trẻ em nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, của cộng đồng, đặc biệt cha mẹ và người chăm sóc trẻ đối với việc phòng chống đuối nước ở trẻ em. Chú trọng truyền thông trực tiếp đến cha mẹ các kiến thức, kĩ năng về phòng chống đuối nước ở trẻ.
Bộ LĐTBXH phối hợp với các bộ ngành liên quan chuẩn hóa tài liệu dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ. Tài liệu đang được thí điểm và dạy ở 10 tỉnh thành có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao trong cả nước. Tới đây, tài liệu này tiếp tục được chuẩn hoá, phổ biến trên toàn quốc. Chúng tôi cũng chỉ đạo sát sao các địa phương trong việc rà soát, lập bản đồ các nơi nguy hiểm để triển khai can thiệp như cắm biển báo, làm rào chắn, cắt cử người cảnh giới.
Trong năm 2022, Bộ LĐTBXH đã phối hợp với các bộ ngành hoàn thành kế hoạch liên ngành phòng chống đuối nước trẻ em, phân công trách nhiệm cụ thể để triển khai phòng chống đuối nước, tạo cơ chế trao đổi, chia sẻ, cùng triển khai các hoạt động can thiệp mang tính đồng bộ.
Ngoài ra, tăng cường chỉ đạo các địa phương quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực nhằm đạt mục tiêu giảm 10% trẻ tử vong do đuối nước đến 2025, 60% trẻ từ 6 -16 tuổi được dạy kĩ năng an toàn, 50% trẻ được học bơi an toàn.