‘Liên minh gia tộc’ trong chiến thắng của một cuộc bầu cử

THẾ TUẤN 15/05/2022 08:25

36 năm sau khi người cha bị lật đổ (cố Tổng thống Ferdinand Marcos), người con trai là Ferdinand Marcos Jr. đã trở thành tân Tổng thống Philippines sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ngày 9/5/2022. Cùng với sự trở lại của “gia tộc Marcos” thì còn là sự “nối tiếp của gia tộc Duterte” khi con gái của vị Tổng thống sắp mãn nhiệm cũng sẽ trở thành Phó Tổng thống Philippines. 

Thượng nghị sĩ Marcos Jr. và Thị trưởng Davao, bà Sara Duterte, trong chiến dịch tranh cử.

Người “bảo vệ tên tuổi gia đình”

Ông Ferdinand Marcos (1917-1989) là Tổng thống Philippines từ năm 1965 đến năm 1986. Trong thời gian cầm quyền, ông đã từng ban bố chế độ thiết quân luật (từ năm 1972 đến 1981). Ông bị phế truất khỏi chức vụ này vào năm 1986 sau khi nổ ra nhiều cuộc biểu tình với các cáo buộc tham nhũng và thi hành chế độ cai trị hà khắc.

Kể từ đó gia đình ông sống lưu vong tại Hawaii (Mỹ). Năm 1989, cựu Tổng thống Marcos qua đời. Vào thập niên 1990, người con trai của vị Tổng thống lưu vong quá cố là ông Marcos Jr (thường được người Philippines gọi là Bongbong Marcos) trở về quê hương và được bầu làm Thống đốc tỉnh Ilocos Norte, nơi cha ông từng được nhiều người ủng hộ. Kế đó, ông trở thành Thượng nghị sĩ vào năm 2010.

Ông Marcos Jr. kết hôn với Luật sư Louise Araneta-Marcos vào năm 1993 và có 3 con trai, gồm Ferdinand Alexander III “Sandro” sinh năm 1994, Joseph Simon sinh năm 1995 và William Vincent “Vince” sinh năm 1997. Một trong ba người con của ông được cho là sẽ tranh cử vào Quốc hội. Vào năm 2016, Marcos Jr. thua sát sao trong cuộc bầu cử Phó Tổng thống trước bà Leni Robredo, người cùng ông “so găng” trong cuộc đua nắm ghế Tổng thống trong lần bầu cử mới đây.

Theo The New York Times, ông Marcos Jr. đã kiên trì suốt nhiều thập niên bảo vệ danh tiếng của gia đình trước các cáo buộc tham nhũng cách đây hơn 30 năm. Ông Marcos Jr. năm nay 65 tuổi, còn mẹ ông là bà Imelda - người hỗ trợ lớn cho sự nghiệp chính trị của nhà Marcos, năm nay 93 tuổi - người đã từng là Thượng nghị sĩ và cựu Thống đốc và từng là ứng viên Tổng thống vào năm 1992.

Chiến thắng của ông Marcos Jr. được cho là sẽ đưa gia tộc Marcos trở lại Dinh Malacanang - nơi mà cha ông từng là chủ nhân trong suốt 2 thập niên cho đến khi bị lật đổ. 6 năm sau khi thua bà Leni Robredo trong cuộc đua Phó Tổng thống, ông Marcos Jr. đã chính thức lật ngược tình thế, sẽ là người kế nhiệm Tổng thống Rodrigo Duterte.

Là con trai duy nhất của cố Tổng thống Marcos, Marcos Jr. hoạt động chính trị từ sớm. Ông trở thành Phó Thống đốc tỉnh Ilocos Norte năm 1980 khi mới 23 tuổi, sau đó ngồi vào ghế thống đốc của tỉnh này; tái đắc cử thống đốc năm 1998 và sau đó là Nghị viên tỉnh Ilocos Norte - thành trì của gia tộc Marcos. Năm 2010, ông đắc cử thượng nghị sĩ.

Giới quan sát chính trường nhận xét, giờ đây khi đã đắc cử Tổng thống, ông Marcos Jr. được trao cơ hội để giúp Philippines “trỗi dậy lần nữa” - như chính khẩu hiệu tranh cử của ông. Marcos Jr. đã gắn chiến dịch với di sản của người cha bằng cách nhắc tới hoài niệm của nhiều người dân Philippines về khoảng thời gian cha ông nắm quyền như “kỷ nguyên vàng” của đất nước. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, Marcos Jr. đã ca ngợi cha ông là “thiên tài chính trị” và mẹ ông là “chính trị gia tối cao”.

“Những gì ông ấy đại diện là di sản của cha mình, điều mà người Philippines đang bày tỏ mong muốn có lại” - tờ South China Morning Post dẫn nhận định của nhà nghiên cứu Jonathan Corpus Ong (Đại học Harvard).

Ferdinand Marcos Jr. (ngoài cùng bên phải) cùng bố mẹ và chị em gái năm 1965.

Nữ chính trị gia mềm mỏng

Điều nổi bật trong cuộc đua vào Dinh Malacanang lần này là “liên minh hai gia tộc danh giá”, khi mà ông Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr. và bà Sara Duterte giành thắng lợi áp đảo trước các đối thủ. Cả hai đều là “con nhà nòi” vì ông Marcos Jr. là con của cố Tổng thống Ferdinand Marcos Sr., còn bà Sara là con gái Tổng thống đương nhiệm Rodrigo Duterte.

Tháng 11/2021, bà Sara Duterte-Carpio tuyên bố hợp tác tranh cử với ông Marcos. Dù vị trí Tổng thống và Phó Tổng thống Philippines được bầu riêng nhưng liên minh này trên thực tế đã giúp hai bên tận dụng được sự ủng hộ lớn từ thanh thế hai gia tộc.

Bà Sara Duterte (43 tuổi), nữ chính trị gia Philippines và là trưởng nữ của Tổng thống đương nhiệm Duterte. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, ông nội bà Sara là luật sư và từng là một Thống đốc tỉnh. Còn bố của bà - ông Rodrigo Duterte trước khi trở thành Tổng thống Philippines năm 2016 cũng là một luật sư, từng là Thị trưởng của Davao - thành phố đông dân thứ ba của Philippines.

Tiếp bước ông nội và bố, trước khi bước vào chính trường vào năm 2007 với chức Phó Thị trưởng Davao, bà Sara cũng là một luật sư. Năm 2010, bà trở thành nữ Thị trưởng đầu tiên của Davao để thay thế cha bà, người đã giữ chức thị trưởng trong hơn hai thập niên. Bước đà đó giúp bà dần tiến vào bộ máy chính phủ. Bà được cho là một người có cá tính mạnh khi xuất hiện với hình ảnh lái xe mô tô phân khối lớn.

Vào n ăm 2021, nhiều người đồn đoán rằng bà Sara sẽ ứng cử chức Tổng thống để kế vị và tiếp nối di sản của cha mình, vì theo hiến pháp Philippines, một Tổng thống chỉ được nắm quyền duy nhất một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm, và không thể tái ứng cử. Đồn đoán ấy dấy lên sau khi bà Sara đột ngột rút khỏi cuộc tranh cử Thị trưởng Davao. Vào thời điểm đó nhiều người đã ủng hộ bà Sara cho vị trí cao nhất của đất nước Philippines.

Tuy nhiên, sau đó, bà Sara đã tuyên bố chỉ tranh cử Phó Tổng thống. “Tôi đã đi đến quyết định này sau rất nhiều do dự”- bà Sara nói.

Truyền thông Philippines nhận xét, giống như cha của mình, bà Sara cũng là một chính trị gia cực kỳ nổi tiếng. Tuy nhiên, các phát ngôn và hành động của bà được đánh giá là mềm mỏng hơn so với ông Duterte. Trong khi ông Duterte vấp phải nhiều chỉ trích liên quan các chính sách cứng rắn để ngăn chặn tội phạm ma túy, bà Sara có thái độ nhẹ nhàng hơn khi tập trung vào việc cải tạo những người nghiện ma túy. Bà cho rằng phòng ngừa và cải tạo phải là một phần của chính sách ma túy và “việc thực thi pháp luật cần nhanh chóng có kết quả”.

Thách thức phía trước

Sau cuộc bầu cử ngày 9/5, kết quả sơ bộ đã được công bố với chiến thắng của ông Marcos Jr. và bà Sara Duterte. Tuy nhiên, phía trước của họ sẽ là chặng đường rất dài và nhiều thách thức, cả về đối nội và đối ngoại - như bình luận của Reuters.

Trong tuyên bố chiến thắng, ông Marcos Jr. cho biết ông luôn kiên định hướng tới một thông điệp duy nhất, rõ ràng và đơn giản, đó là sự đoàn kết. Nhà phân tích chính trị người Philippines Julio Teehankee cho rằng, sau những “trải nghiệm” mệt mỏi hơn trong 2 năm đại dịch Covid-19, thông điệp hãy đoàn kết lại của ông đã “đánh trúng” tâm lý của người dân vốn mong mỏi sự thay đổi. Ông Ronnie Holmes - Chủ tịch hãng thăm dò Pulse Asia cho rằng, thông điệp về sự đoàn kết đã giúp ông Marcos Jr. nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân.

Theo kế hoạch, Tổng thống mới sẽ nhậm chức vào ngày 30/6 tới, với nhiệm vụ khó khăn là khôi phục nền kinh tế vốn suy giảm tới 9,6% năm 2020, mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai do đại dịch Covid-19 khiến hàng triệu người mất việc làm. Giới phân tích nhận định, chính quyền mới của ông Marcos Jr. sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan tình trạng nghèo đói kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao, gia tăng bất bình đẳng và sự chia rẽ chính trị sâu sắc.

Theo chuyên gia Anna Malindog-uy của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Philippine (BRICS) thì việc ứng phó với đại dịch Covid-19 vẫn một trong những thách thức lớn nhất với chính quyền mới. Vị chuyên gia này dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng 1/4 dân số Philippines đang sống trong cảnh nghèo đói khi giá lương thực tăng.

Về chính sách đối ngoại, ông Marcos Jr. tuyên bố sẽ không thay đổi lộ trình chính sách đối ngoại đáng kể, về cơ bản sẽ tiếp tục các chính sách của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, chính quyền mới sẽ cố gắng thiết lập lại cũng như cân bằng mối quan hệ với cả hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc. Quan hệ giữa Philippines với Mỹ trở nên căng thẳng dưới thời Tổng thống Duterte, khi hủy bỏ rồi lại khôi phục thỏa thuận quân sự Các lực lượng thăm viếng (VFA) quy định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines. Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến hồi đầu năm 2022, ông Marcos đã khẳng định liên minh Philippines - Mỹ là “một mối quan hệ đặc biệt,” và Mỹ “có thể làm nhiều điều” để hỗ trợ Philippines.

Nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, ông Andrew Yeo, cho rằng về đối ngoại, cả ông Marcos Jr. và bà Sara Duterte đã cho thấy họ là những chính trị gia mềm dẻo. Còn chuyên gia Anna Malindog-uy đưa ra nhận định rằng dù muốn dù không chính quyền mới sẽ phải đưa đất nước Philippines vào vị thế độc lập hơn, có thể tự đưa ra quyết định mà không cần phải cân nhắc sẽ nghiêng về cường quốc này hay cường quốc khác.

“Người dân đã bỏ phiếu ủng hộ ông Marcos Jr. và bà Sara Duterte với hy vọng chính quyền mới sẽ có hướng đi mới để Philippines hồi phục và vươn lên, để rồi “Cùng nhau chúng ta sẽ vươn lên lần nữa”, tìm kiếm điểm chung giữa những chia rẽ chính trị và cùng nhau đoàn kết để vượt qua những thách thức phía trước.

Trong tuyên bố chiến thắng được phát đi vào tối 10/5, ông Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh sẽ phụng sự tất cả người dân Philippines và kêu gọi người khác đánh giá ông qua công việc chứ không phải xuất thân. Với 98% số phiếu đã kiểm, ông Marcos Jr. giành được hơn 56% phiếu ủng hộ, tương đương khoảng 31 triệu phiếu bầu. Con số này gần gấp đôi đối thủ của ông là bà Leni Robred - Phó Tổng thống sắp mãn nhiệm. Đây là lần đầu tiên một ứng viên Tổng thống giành được quá bán số phiếu ủng hộ kể từ năm 1986 đến nay.

“Hãy đánh giá tôi qua việc tôi làm, đừng đánh giá tôi bằng việc cha ông tôi là ai”- ông Marcos Jr. nói. Trong khi đó, đại diện của ông Marcos Jr. nói với truyền thông rằng “đây là một chiến thắng cho tất cả người dân Philippines và cho nền dân chủ”.

Còn trong cuộc đua chức danh Phó Tổng thống, Thị trưởng thành phố Davao, bà Sara Duterte-Carpio nhận được hơn 31 triệu phiếu ủng hộ, xếp vị trí thứ nhất.

Kết quả chính thức cuối cùng về kết quả cuộc bầu cử 9/5 ở Philippine sẽ được công bố vào ngày 28/5.

THẾ TUẤN