Người quen tạo ‘dư chấn’

NGUYỄN HIẾU 15/05/2022 08:36

Tối 19/5, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô sẽ công diễn vở kịch nói “Lá đơn thứ 72” của Sân khấu Lệ Ngọc. Tác giả kịch bản của vở kịch là Hoàng Thanh Du.

Cảnh trong vở kịch nói “Lá đơn thứ 72”.

Năm 2021 tại Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội, vở kịch “Thiên mệnh” do Nhà hát Kịch Việt Nam tham dự đạt Huy chương Vàng cũng làm xôn xao giới nghề. Kịch bản vở diễn này cũng là Hoàng Thanh Du. Chưa hết, trên kênh VTV1 đang phát phim dài tập “Bão ngầm” hấp dẫn khán giả màn ảnh nhỏ, thì vai diễn Đại tá Nhẫn - Phó Giám đốc công an tỉnh, một kẻ biến chất cũng gây ra nhiều suy nghĩ trái chiều cho người xem. Thủ vai nhân vật này lại là Hoàng Thanh Du.

Trong nghệ thuật là vậy, còn trong cuộc sống những tin tức mà người đàn ông làm nghệ thuật tên Du cũng thường gây không ít những “chấn động” cho bạn bè và những ai được nghe. Trong khẩu ngữ và trên trang Facebook cá nhân của mình bằng cách nói trực diện, không ngại va chạm những suy nghĩ, nhận xét nhiệt tình, yêu nghề của mình Hoàng Thanh Du cũng tạo ra những dư chấn trong dư luận.

Có thể nói Hoàng Thanh Du là một nghệ sĩ - một cây bút cực kì yêu nghề. Rất ít những vở diễn của đồng nghiệp mà anh không là một khán giả nồng nhiệt. Khi thì trong buổi tổng duyệt, khi thì trong buổi diễn. Còn những hội diễn sân khấu ở Hà Nội hay những tỉnh lân cận thì thường thấy anh đều đặn đến xem. Và sau khi xem bao giờ trên trang Facebook của mình anh cũng có những bài viết nói lên suy nghĩ về vở diễn một cách thẳng băng, không né tránh cả cái được và chưa được. Không chỉ về các vở diễn mà nhiều vấn đề nào thuộc lĩnh vực nghệ thuật, Hoàng Thanh Du cũng quan tâm và có những ý kiến quyết nhiệt làm bật lên những cách nghĩ nhiều chiều của người đọc.

Nghệ sĩ Hoàng Thanh Du.

Vậy người quen tạo chấn động Hoàng Thanh Du là ai? Nếu tính từ khi vừa tròn 14 tuổi, đã tham gia lớp năng khiếu quân đội thì đến này ở tuổi 62, Hoàng Thanh Du đã là người đã có hành trình tham gia nghệ thuật tới 48 năm. Trong gần nửa thế kỉ của cuộc đời nghệ thuật Du đã bươn trải ở hầu khắp các lĩnh địa gắn liền với nghệ thuật biểu diễn từ sân khấu đến điện ảnh. Từ diễn viên đến đạo diễn, từ người cầm máy quay phim đến một kịch tác gia.

Sau thời gian là diễn viên Đoàn văn công Quân đội, anh chuyển về Nhà hát Tuổi trẻ, giai đoạn nhà hát này đang chập chững những bước đi đầu tiên. Và tại đơn vị nghệ thuật lừng danh này ở những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước Hoàng Thanh Du đã tạo ra những dấu ấn trong lòng khán giả với vai Thằng Bờm trong vở diễn “Lời nói dối cuối cùng”, rồi vai Trần Hới trong “Mùa hạ cay đắng”. Bắt đầu độ chín trong nghề diễn thì Hoàng Thanh Du chuyển về Nhà hát Kịch Hà Nội. Ở đơn vị mới này, gã diễn viên ít nhiều nắm được ngón nghề sân khấu lại toả sáng trong vai trò của một tác giả sân khấu. Hàng loạt kịch bản của Hoàng Thanh Du được nhiều đoàn kịch trong cả nước dàn dựng. Trong đó đáng kể là: “Mẹ yêu”, “Đừng đùa giỡn với tình yêu”, “Vị thánh trong mơ”, “Lũ quỷ sống”, “Nơi gặp của tình yêu”….

Không chỉ “thâm canh” trong sân khấu với nhiều vai trò, Hoàng Thanh Du còn thử sức ở lãnh địa điện ảnh. Trong vai trò từ trợ lý trường quay đến đạo diễn chính, hàng loạt tác phẩm in dấu ấn của anh khi là tác giả kịch bản, khi làm đạo diễn trong hàng loạt phim truyền hình đã thu về không ít giải thưởng như: “Trên đỉnh Nênh Giang”, “Cội nguồn”, “Tình thẳm Sa Pa”…

Năm 1997, Hoàng Thanh Du quyết định học đạo diễn ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Tốt nghiệp khóa học năm 2001 anh về Trung tâm sản xuất Phim và Sân khấu thuộc đài truyền hình kỹ thuật số VTC. Ở vị trí của một phó giám đốc chỉ đạo nghệ thuật - “con dao pha” mang tên Hoàng Thanh Du có điều kiện tung hoành trong vai đạo diễn, viết kịch bản, chỉ đạo nghệ thuật để cho ra hàng loạt phim tài liệu, phim nghệ thuật và cả các format chuyên đề phục vụ hệ thống đài truyền hình trong cả nước. Hàng loạt phim các thể loại in đậm dấu ấn Hoàng Thanh Du. Phim truyền hình dài tập có “Bão trong im lặng” (80 tập), “Ảo tưởng” (80 tập)… Hàng loạt phim tài liệu được chiếu trên các đài truyền hình trong cả nước có: “Non nước ngàn dặm”, “Chân dung cuộc sống”, “Đa chiều”, “Sao và quân ngũ”, “Hồ sơ văn hóa Việt”, “Nữ quân nhân”… Loạt sitscom với hàng trăm số về đề tài hài, vui, dí dỏm được ưa thích trên Đài Truyền hình Việt Nam như: “Chuyện công sở”, “Hài dân gian”…

Tôi biết Hoàng Thanh Du từ khi đi dự trại sáng tác sân khấu tháng 5/2015 tại Đà Lạt , khi anh tham gia với kịch bản “Thiên mệnh”. Khi trò chuyện về nhân vật chính trong “Thiên mệnh” là Trần Thủ Độ - nhân vật lịch sử được nhiều tác giả khai thác, Du nói với tôi: “Em biết điều đó, nhưng em có cách hiểu và biểu cảm riêng của mình”. Chính bản lĩnh nghệ thuật mang đặc trưng Hoàng Thanh Du ấy đã đem lại những thành quả đáng mừng về kịch bản “Thiên mệnh” và nhân vật Trần Thủ Độ (do diễn viên - đạo diễn Tạ Tuấn Minh, Nhà hát Kịch Việt Nam thủ vai ).

Nhìn lại gần nửa thế kỷ làm nghệ thuật của Hoàng Thanh Du mới thấy thành quả anh có được là nhờ tố chất của sự linh hoạt trong các vị trí nghệ thuật, sự thâm hậu trong bút pháp của anh được hình thành ngoài sự rèn luyện, sự ham học… Trong đó còn có yếu tố “con nhà nòi” khi ông cụ thân sinh ra anh là đạo diễn Hoàng Thanh Giang, người cùng NSND Doãn Hoàng Giang trong lớp đạo diễn đầu tiên của sân khấu Việt Nam. Thế mới hay, nghệ thuật và dòng chảy nghệ thuật đều bắt nguồn, để rồi cuộn chảy từ những cội rễ mà mầm mống nghệ thuật đã được ươm chồi, khởi phát.

NGUYỄN HIẾU