Vovinam trở lại: Cơ hội quảng bá võ Việt
Môn Vovinam tại SEA Games 31 sẽ diễn ra từ ngày 18 - 22/5 tại nhà thi đấu Sóc Sơn (Hà Nội) với sự tham gia của 7 quốc gia gồm: Campuchia, Indonesia, Philippines, Singapore, Lào, Thái Lan và chủ nhà Việt Nam.
1.Vovinam - Việt võ đạo, chính thức xuất hiện lần đầu tiên ở SEA Games lần thứ 26 (2011), tại Indonesia, với 14 bộ huy chương và tạo được ấn tượng tốt về tính đẹp mắt của các bài quyền. Môn võ mang thương hiệu Việt Nam này tiếp tục xuất hiện ở kỳ SEA Games lần thứ 27, được tổ chức tại Myanmar, thậm chí được tăng số bộ huy chương lên đến 18. Sau đó, vì nhiều lý do, liên tiếp 3 kỳ SEA Games tiếp theo (28, 29, 30), Vovinam đều vắng mặt.
Như vậy là sau 9 năm, môn Vovinam mới trở lại tại SEA Games 31. Sự trở lại của môn Vovinam được kỳ vọng là một trong những dấu ấn của Việt Nam tại kỳ Đại hội lần này. Bởi Vovinam được phát triển dựa trên môn vật cổ truyền Việt Nam, kết hợp với những tinh hoa của các môn phái võ thuật trên khắp thế giới.
Vovinam là môn võ được võ sư Nguyễn Lộc sáng lập vào năm 1936 nhưng lúc này hoạt động âm thầm, đến 1938 mới đem ra công khai đồng thời ông đề ra chủ thuyết “cách mạng tâm thân” để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.
Về đặc điểm, Vovinam bao gồm phần võ thuật như những thế đấm, đá, gạt, đỡ, lao, gối, chỏ, vật, đòn chân,… và phần binh khí như việc sử dụng và chống đỡ kiếm, đao, côn, thương, dao găm, súng trường… Tiếp đó là việc luyện tập ngạnh công, nhuyễn công, khí công giúp dưỡng sinh và bảo tồn sức khỏe.
Từ xưa đến nay Vovinam nổi tiếng với 3 đòn:
- Chỏ (vì thế trong một số cuộc thi song đấu đối kháng Vovinam, môn sinh không được phép dùng chỏ, vì Vovinam dùng chỏ rất mạnh).
- Chém quét (chém một bên, dùng chân đá quét chân đối phương bên kia, 2 lực trái chiều sẽ khiến đối phương ngã).
- Đòn chân tấn công (sử dụng các kỹ thuật cả 2 chân để quật ngã đối phương, Vovinam có tất cả 21 đòn chân tấn công).
Trong cả kỹ thuật tay và chân, Vovinam có đủ các kỹ thuật tấn công và phòng thủ, các kỹ thuật tung đòn đá và đòn đánh thuận nghịch, các kỹ thuật công thủ phản biến, các kỹ thuật thượng, trung, hạ… Các võ khí của Vovinam là kiếm, đao, côn, thương, dao găm, súng trường…
2.Các chuyên gia thể thao đánh giá, hiện tại, phong trào Vovinam Đông Nam Á đang phát triển tốt ở 7 nước gồm: Campuchia, Thái Lan, Lào, Myanmar, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Sự trở lại của Vovinam tại đấu trường SEA Games lần này được ví như là cơ hội biến giấc mơ quốc tế hóa của môn võ mang thương hiệu truyền thống Việt Nam đến gần hơn với hiện thực.
Theo ông Nguyễn Bình Định - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Việt Nam: “3 lần vắng mặt tại SEA Games rõ ràng là sự hụt hẫng của Vovinam Việt Nam khiến cho những ảnh hưởng tốt mà võ Việt đã gây dựng ở 2 kỳ Đại hội trước đó tan biến ít nhiều. Việc bộ môn Vovinam trở lại có thể xem là cơ hội lớn để Vovinam Việt Nam tiếp tục có cơ hội quảng bá ra khu vực Đông Nam Á nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, Việt Nam cũng tranh thủ lần đăng cai SEA Games trên sân nhà với 7 nước tham gia để gây tiếng vang và sau đó duy trì như một môn thể thao truyền thống xuất hiện ở những kỳ đại hội tiếp theo”.
Cũng theo ông Định, mục tiêu của Vovinam là cùng ngành thể dục - thể thao nước nhà cố gắng tổ chức một kỳ SEA Games thật thành công, mang nhiều ý nghĩa. Kết quả đạt được không phải là thành tích mà quan trọng là chúng ta sẽ giới thiệu được hơn với thế giới về sự phát triển của Vovinam, khẳng định đây là một môn thể thao đại diện cho võ thuật Việt Nam phổ biến, ổn định và còn có thể xuất hiện ở tầm vóc lớn hơn như các đại hội cấp châu lục.
Để chuẩn bị cho sự trở lại tại SEA Games 31, ngay từ tháng 3/2021, đội tuyển đối kháng đã được triệu tập tập huấn với 3 huấn luyện viên và 12 vận động viên và đội tuyển quyền được triệu tập từ tháng 1/2022 với 3 huấn luyện viên và 21 vận động viên. Trong lần chuẩn bị cho SEA Games 31 tại Việt Nam, đội tuyển đã tập trung những vận động viên tốt nhất trong các nội dung. Tuy vậy, ban huấn luyện đội tuyển vẫn rất thận trọng rèn luyện kỹ chiến thuật cho từng tuyển thủ.
Trước thềm SEA Games 31, các tuyển thủ Việt Nam cũng đã được trải qua bước sát hạch quan trọng khi tham gia tranh tài tại giải vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc lần thứ 13 năm 2022, với sự tham gia của 600 vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài đến từ 33 tỉnh, thành, ngành trên cả nước.
Tại SEA Games 31, Vovinam sẽ có 15 bộ huy chương gồm 6 hạng cân đối kháng và 9 nội dung quyền. Mục tiêu của Vovinam Việt Nam hướng tới tại đại hội là giành 5 huy chương vàng.