Tác giả kịch bản phim Biệt động Sài Gòn qua đời: Nơi anh gặp em
Nhà văn Lê Phương, nhà biên kịch của những bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng như Biệt động Sài Gòn, Nơi gặp gỡ của tình yêu, Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ..., vừa qua đời tối 14-5 vì tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 89 tuổi.
Nơi gặp gỡ của tình yêu
Tôi gặp ông bà ở nhà riêng nhạc sĩ Hồng Đăng vài lần. Ông là nhà văn Lê Phương - một nhà biên kịch lớn. Và bà là nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Hai ông bà cách nhau gần 30 tuổi, nhưng nhìn cách ông được bà chăm sóc, người ta không khỏi cảm thấy khâm phục và tin rằng tình yêu là có thực trên đời.
Tình cờ hay là hữu ý khi 2 ông chơi thân với nhau, ông Hồng Đăng và ông Lê Phương, đều có 2 người phụ nữ kém các ông nhiều tuổi, chăm sóc các ông chu đáo, tận tình đến những phút cuối cuộc đời.
Tình cờ hay là hữu ý khi ông Hồng Đăng ra đi vừa 49 ngày được vài hôm thì ông Lê Phương cũng từ giã cõi đời!
Ở trên Facebook, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, tình yêu lớn của nhà văn Lê Phương đã gọi ông một tiếng gọi của tình yêu: Anh ơi!
Được biết khi bà Trịnh Thanh Nhã về Hãng Phim truyện Việt Nam làm việc thì ông Lê Phương là Xưởng phó phụ trách biên tập của xưởng 3. Kịch bản đầu tiên của Trịnh Thanh Nhã là Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 do ông Phương trực tiếp hướng dẫn.
Tình yêu của họ bắt đầu từ kịch bản phim Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 mà nghe nói rằng ông đã rất khó tính khi bắt bà chỉnh sửa. Và lúc ấy ông đã 55 tuổi còn chỉ mới có 29. Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 sau đó đã giành được 4 giải vàng dành cho kịch bản phim, đạo diễn phim, quay phim và họa sĩ thiết kế tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 (1988).
Cũng nghe nói rằng tình yêu của họ sau 30 năm, ngay cả khi ông đã phải ngồi xe lăn, vẫn ríu rít như những gì tôi được chứng kiến ở nhà nhạc sĩ Hồng Đăng, là bởi theo bà Trịnh Thanh Nhã lý giải, mỗi ngày họ bên nhau đều là một ngày mới. Và bởi vì ông là người có trí tuệ uyên bác, một người viết kịch bản lão luyện, một người không ngừng đọc sách cả khi sức khoẻ đã yếu.
Là người viết kịch bản phim Nơi gặp gỡ của tình yêu từ chính tiểu thuyết Bông Mai mùa lạnh của mình, nhà văn – nhà biên kịch Lê Phương cũng đã viết lên tình yêu của đời mình từ chính Nơi gặp gỡ tình yêu với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Một tình yêu khi tuổi ông không còn trẻ mà vẫn như Chuyện cổ tích dành cho tuổi 17 kịch bản do bà viết.
Một người tài hoa và trí tuệ
Nhà văn Lê Phương tên thật là Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1933 tại làng Thiết Úng, thôn Vân Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông tham gia quân đội năm 16 tuổi và năm 20 tuổi thì được cử gia nhập đơn vị khảo sát chuẩn bị chiến trường cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 23 tuổi, ông lại hoạt động trong vai trò một chiến sĩ đặc tình thuộc Cục Bảo vệ chính trị Bộ Quốc phòng.
Nhà văn Lê Phương bước vào nghiệp viết lách khá sớm. Tác phẩm đầu tay của ông là truyện ký "Thử lửa" được in trên báo Cứu quốc quân, nói về một đội thanh niên xung phong đang mở đường thì gặp máy bay của Pháp oanh tạc. Địch thả bom Napan vừa nhằm huỷ diệt đơn vị thanh niên xung phong này, đồng thời phá sạch những đoạn đường mới hình thành.
Bị vây giữa biển lửa, những người chiến sĩ thanh niên xung phong đã vận dụng kiến thức có được qua những câu chuyện truyền miệng về nhân vật lịch sử Nguyễn Thiện Thuật rút vào giữa rừng chuối tươi, đốn hạ những thân chuối còn ứa nhựa tạo thành một vành đai "ướt" bảo vệ đơn vị không để lửa lan tới.
Năm 1960, khi đã trở thành nhà báo chuyên viết về công nhân, Lê Phương viết tiểu thuyết "Bất khuất" – cuốn tiểu thuyết đầu tiên về vùng mỏ. Với tiểu thuyết đầu tay này, những hoạt động rất nhiều chất phiêu lưu bí ẩn của các chiến sĩ cách mạng hoạt động trong phong trào công nhân đã được mô tả cực kỳ hấp dẫn, giàu chất điện ảnh đến ngạc nhiên với những tình huống kịch chặt chẽ, đầy kịch tính.
Trong thời gian từ 1963 đến 1978, 15 năm dành cho văn học, Lê Phương đã cho ra đời khoảng 7 cuốn tiểu thuyết dày mỏng khác nhau, về đủ các lĩnh vực liên quan đến kiến thức chuyên môn sâu như Pháo đài 44 (về các chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng, 1965); Thung lũng Cô Tan (địa chất, 1973); Bạch Đàn (lâm nghiệp, 1975); Ngã Ba thời gian (thuỷ lợi, 1978); rồi Bông mai mùa lạnh, Vết xích đường mòn…
Năm 1977, nhờ một cơ duyên, nhà văn Lê Phương bước sang lĩnh vực điện ảnh với vai trò tác giả kịch bản. Các tác phẩm điện ảnh mà ông đã góp phần viết kịch bản đều để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người xem. Những bộ phim do ông viết kịch bản như Nơi gặp của tình yêu, Câu lạc bộ không tên, Cơn lốc biển, Biệt động Sài gòn 4 tập (cùng với Nguyễn Thanh)… đều được nhớ đến như những bộ phim mẫu mực của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Giai đoạn từ sau 1990, nhà văn Lê Phương bắt đầu chuyển sang viết kịch bản phim truyền hình dài tập mà ông thường gọi là "tiểu thuyết truyền hình" như Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ (một trong những bộ phim truyền hình dài tập đầu tiên của Việt Nam), Sống mãi với Thủ đô, Con nhện xanh, Ngã ba thời gian… Ông đồng thời cũng được xem là "người thầy không đứng trên bục giảng" của nhiều biên kịch có tên tuổi như Dương Thu Hương, Hoàng Nhuận Cầm, Trịnh Thanh Nhã…
Trong cuộc đời, ông là người sống cực kỳ khiêm nhường, hơi có phần ẩn dật. Dù đối với những bạn bè quen biết thì ông là mẫu đàn ông hào sảng, tài hoa, trí tuệ.