Giá xăng cao gây khó cho nền kinh tế
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết, đại dịch Covid-19 và quan hệ căng thẳng Nga-Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. Đối với nước ta, giá xăng dầu tăng cao đã gây khó khăn đối với nền kinh tế.
Ông Lâm phân tích, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong 4 tháng đầu năm nay với tốc độ tăng CPI bình quân 4 tháng năm 2022 ở mức 2,1% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh giá xăng dầu tăng rất mạnh, nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được xử lý, xung đột Nga - Ukraine càng gây nên thiếu hụt nguồn cung, khiến lạm phát gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới.
Có được kết quả này là do Chính phủ đã chủ động chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng nền kinh tế nước ta có một số điểm đáng lưu ý, trong đó, khu vực doanh nghiệp tạm dừng hoạt động trên 60.000 doanh nghiệp, điều này phản ánh cộng đồng doanh nghiệp đang rất khó khăn. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào phục vụ nông nghiệp (phân bón, thức ăn chăn nuôi gia súc) cũng đang rất cao, tác động lớn đến các ngành chăn nuôi, trồng trọt – bệ đỡ của nền kinh tế. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước cũng tăng rất mạnh, áp lực lên giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ. Đây là những điểm gây áp lực rất lớn lên lạm phát trong năm 2022.
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, có 3 nhóm chính gây áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất, lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm 50,98%.
Bên cạnh đó, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra chưa được khắc phục thì khủng hoảng Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga… gây khó khăn về nguồn cung các loại nguyên, nhiên vật liệu trong thời gian tới, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế và gia tăng áp lực lạm phát đối với các quốc gia.
Đặc biệt, nguy cơ mới có thể hiện hữu và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với áp lực gia tăng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc - đối tác thương mại lớn của Việt Nam vẫn đang theo đuổi chính sách “Zero Covid”, cũng làm gián đoạn hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Điều này dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, khan hiếm nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế và giá cả hàng hóa sẽ càng bị đẩy lên cao.
Thứ hai, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Đại dịch Covid-19 và khủng hoảng Nga-Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây. Đối với nước ta, giá xăng dầu tăng cao, gây khó khăn đối với nền kinh tế, tạo mặt bằng giá mới.
Để kiềm chế lạm phát, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát. Cần đa dạng hóa nguồn cung. Đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực. Đặc biệt cần có dự báo, dự trữ xăng dầu, trong đó phải dự trữ bằng hàng, chứ không phải bằng tiền, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Đối với xăng dầu, Bộ Công thương cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng, nâng cao năng lực kho dự trữ xăng dầu đáp ứng dài hơn nhu cầu của nền kinh tế, giảm bớt lệ thuộc và tác hại của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế. Bộ Tài chính cần rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu và các loại thuế, phí.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước.