“Chấn hưng” dạy và học Lịch sử trong nhà trường
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, nhà nước, cử tri rất băn khoăn trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc Trung học phổ thông. Theo bà Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, lịch sử của dân tộc ta rất hào hùng và hấp dẫn, tại sao chúng ta lại biến lịch sử hào hùng, hấp dẫn thành bài học khô khan?
PV:Thưa bà, vấn đề đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc trung học phổ thông đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cá nhân bà có quan điểm như thế nào trước vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Việt Nga: Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ năm học tới khối lớp 10 THPT, môn Lịch sử là môn tự chọn. Tôi không đồng tình với việc này. Giáo dục lịch sử không phải vấn đề thích hay không thích, không phải vấn đề đặt lên “bàn cân” để chúng ta trả lời rằng có cần hay không. Câu trả lời là đương nhiên rất cần thiết!
Tôi đã nghe lý giải của các chuyên gia rằng, chương trình THCS đã được học đẩy đủ lịch sử dân tộc cho nên lớp 10 nếu không chọn cũng không sao. Thực ra giáo dục lịch sử không thể nói đến đâu là đầy đủ. Giáo dục lịch sử đối với mỗi con người phải được bắt đầu từ thủa ấu thơ và không có điểm dừng. Lịch sử dân tộc là dòng chảy, việc giáo dục môn Lịch sử là để bồi đắp kiến thức, tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc và quan trọng nhất từ đó xác định ý thức công dân của mỗi con người. Điều này rất cần thiết. Và, đây là việc phải làm thường xuyên, liên tục chứ không phải như các môn học khác là cung cấp lượng kiến thức nhất định. Cho nên theo tôi không nên để Lịch sử là môn học tự chọn.
Ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc. Đặc biệt lịch sử còn là văn hoá của dân tộc, thưa bà?
- Thực tế đã đúc kết, “văn hóa soi đường quốc dân đi”, từ trẻ đã tiếp cận lịch sử sẽ hình thành nên tính cách của con người. Gần đây nhiều tổ chức, cá nhân, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các bậc phụ huynh và công dân đều có ý kiến về vấn đề này. Tại dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 3 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam vừa xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nêu lên những băn khoăn của dư luận xã hội, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Điều đó có nghĩa nó không đạt được sự đồng thuận trong xã hội.
Theo bà, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần “ứng xử” như thế nào trước ý kiến không ủng hộ từ cử tri, các nhà khoa học?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ xem xét lại việc này. Thực tế hiện tại có một số học sinh không thích môn Lịch sử và không có nhiều học sinh chọn học. Nhưng không thể không thích thì cho thôi, còn ai thích thì học. Do đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát xem vấn đề đặt ra lâu nay: Vì sao học sinh không thích học môn Lịch sử. Phải chăng kết cấu chương trình chúng ta chưa hợp lý? Cần phải có đổi mới toàn diện, chứ hiện nay vẫn dạy, nhồi nhét kiến thức theo kiểu hàn lâm, không phù hợp với học sinh.
Bây giờ không phải thấy dư luận phản ứng mà Bộ lại đưa trở lại, học như cách cũ mà cần xem xét lại để làm sao môn Lịch sử trong nhà trường phát huy tác dụng thực sự. Đơn cử như cần xem xét toàn diện việc dạy và học môn học này trong nhà trường hiện nay như thế nào? Nhược điểm ở đâu để chúng ta “chấn hưng” dạy và học Lịch sử trong nhà trường. Đừng để người Việt không biết lịch sử Việt Nam nhưng lại rất rành lịch sử nước khác. Điểm thi Lịch sử quá thấp thì lại xem có dạy nữa hay không? Đó là sai lầm.
Từ việc dạy học môn Lịch sử cho thấy đổi mới giáo dục chưa căn bản, vẫn còn nhiều lo lắng và băn khoăn, thưa bà?
- Tôi cho rằng tư duy về giáo dục cần phải đổi mới đầu tiên. Khi chúng ta chưa đổi mới tư duy, cứ loay hoay, vẫn dạy theo kiểu đáp án có sẵn mà không phát huy được sự sáng tạo và chủ động của học sinh. Mặc dù “hô khẩu hiệu” khá nhiều song từ kết cấu sách giáo khoa, phương pháp giảm tải, cách thi, cách đánh giá… đều chưa đổi mới được. Chưa đổi mới được là do chúng ta vẫn vướng mắc trong tư duy: thích con đường an toàn, và do đó vẫn dạy theo con đường cũ. Như vậy sẽ tạo ra một thế hệ chỉ biết đi những con đường mòn, không dám đột phá, sáng tạo, chỉ yên tâm khi giống mọi người. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hội nhập với thế giới sâu rộng của Việt Nam thì chúng ta cần thay đổi tư duy giáo dục, phải có cái nhìn rất sâu để đổi mới giáo dục chứ không chỉ nói đổi mới một cách lý thuyết.
Trân trọng cảm ơn bà!
Phải đổi mới cách thức dạy và học môn Lịch sử
Tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 14/5, trước lo ngại của cử tri về việc đưa môn Lịch sử thành môn học lựa chọn đối với bậc học THPT, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hoá, giáo dục chủ động tổ chức, nghiên cứu, tham vấn ý kiến chuyên gia về vấn đề này. Theo Chủ tịch Quốc hội, phải đổi mới cách thức dạy và học môn Lịch sử nhằm bảo đảm “dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Đây là vấn đề rất lớn, Ủy ban Văn hoá, giáo dục đang làm việc rất tích cực. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ cũng sẽ có báo cáo về vấn đề này để tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu. Bởi việc học, hiểu rõ về lịch sử có ý nghĩa hệ trọng đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc.