Những câu chuyện lịch sử nằm lại dưới đáy biển Baltic
Là một nhánh của Đại Tây Dương, Biển Baltic là vùng nước lợ lớn nhất trên thế giới với diện tích khoảng 149.000 dặm vuông và chứa nhiều bí ẩn.
Là vùng nước lợ lớn nhất trên thế giới, biển Baltic giáp với nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Ba Lan, Nga, Lithuania, Latvia, Estonia và Phần Lan. Có diện tích khoảng 149.000 dặm vuông, biển Baltic có độ sâu trung bình tương đối thấp là 55 mét, mặc dù khu vực này có thể đạt tới hơn 457 mét ở điểm sâu nhất.
Mặc dù có thể không lớn như vùng Địa Trung Hải hoặc nhiều dầu mỏ như Biển Bắc, tuy nhiên Baltic đã từng là một trung tâm giao thương kéo dài trong nhiều thế kỷ. Giá trị chiến lược và thương mại đã làm cho Biển Baltic trở thành một tuyến đường thủy quan trọng từ thời La Mã, qua thời trung cổ và cho đến tận ngày nay, đồng nghĩa với việc có rất nhiều câu chuyện lịch sử đã xảy ra trên vùng biển băng giá khắc nghiệt của Baltic.
Và đương nhiên, đã có rất nhiều những câu chuyện lịch sử đã trượt dưới làn sóng, từ những con tàu thời Trung cổ, thuyền chữ U của Đức Quốc xã đến đường ống dẫn dầu của Nga, cùng những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Con tàu SS Karlsruhe
SS Karlsruhe là một tàu chở hàng tham gia Chiến dịch Hannibal, một sứ mệnh sơ tán trong trận chiến Dunkirk, do Đô đốc Karl Doentiz chỉ huy. Trong chiến dịch Hannibal được phát động vào tháng 1/1945, quân Đức đã sử dụng bất kỳ con tàu nào có thể tìm thấy để chở đám binh sĩ bị thương và người tị nạn. Từ tàu du lịch đến tàu đánh cá đều làm việc điên cuồng để sơ tán khoảng 900.000 dân thường và 350.000 binh sĩ Đức, nhưng không phải tất cả con tàu đều may mắn sống sót.
Vào tháng 4, trong tháng thứ tư của chiến dịch, tàu SS Karlsruhe rời vùng Pillau đi Copenhagen, mang theo 1.083 hành khách và một tải trọng linh tinh đáng kể, đã chìm xuống đáy biển Baltic và nằm lại đó mãi mãi.
Phà MS Estonia
Năm 1994, chiếc phà chở khách MS Estonia đã bị chìm ngoài khơi đảo Uto, Phần Lan, nằm ở độ sâu khoảng 80 mét. Thảm họa xảy ra trên tuyến đường từ Tallinn đến Stockholm đã khiến 852 người thiệt mạng, đưa Estonia trở thành một trong số những thảm họa thời bình tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải. Một cuộc điều tra năm 1997 do Estonia, Phần Lan và Thụy Điển tiến hành cho thấy, thảm họa này bắt nguồn từ khóa cửa cánh cung không mở được trong một trận bão lớn, gây ra ngập tàu.
Tuy nhiên, một bộ phim tài liệu đã đưa ra một suy luận khác, xác định rằng các lỗ hổng trên phà quá nhỏ để có thể đánh chìm Estonia trong vòng một giờ. Nhà điều tra người Thụy Điển Jonas Bäckstrand kết luận rằng thiệt hại mới được phát hiện có khả năng là do tiếp xúc nhiều với đáy biển, nơi có nhiều đá ngầm bất thường.
Con tàu MV Wilhelm Gustloff
Một thương vong khác của Chiến dịch Hannibal, vụ chìm tàu MV Wilhelm Gustloff vào tháng 1/1945, được xem là thảm họa hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử. Con tàu hiếm khi được sử dụng, chính điều này đã khiến Thuyền trưởng Friedrich Petersen không thể đi nhanh hơn 12 hải lý/giờ để tránh hỏng động cơ.
Nhưng cũng chính tốc độ chậm chạp này đã tạo lợi thế cho các tàu ngầm đối thủ tuần tra khu vực phát hiện, Thời điểm lúc 9 giờ 15 phút, tàu Gustloff đã bị 3 ngư lôi bắn trúng, trực tiếp đẩy con tàu xuống đáy biển chỉ sau 60 phút.
Khoảng 9.000 người đã thiệt mạng, đa số là dân thường, cùng ít nhất 1.000 quân nhân và vô số thiết bị quân sự. Thiệt hại về người của tàu Gustloff nhiều gấp ba lần thảm họa tàu Titanic, tàu Lusitania và tàu USS Arizona cộng lại.
Con tàu SS Cap Arcona
Một thảm kịch hàng hải khác trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã xảy ra vào tháng 5/1945, khi con tàu SS Cap Arcona bị đánh chìm, mang theo hàng nghìn nạn nhân của trại tập trung Đức. SS Cap Arcona đã bị tàn sát bởi một trận tấn công bất ngờ từ đội quân Anh, khiến con tàu rơi xuống vùng biển băng giá của Baltic.
Vô số tàu ngầm
Biển Baltic là nơi xảy ra rất nhiều vụ đắm tàu. Theo chuyên gia hàng hải người Đức Thomas Dehling, chỉ riêng vùng biển Batlic của Đức đã có khoảng 1.000 con tàu đắm, chiếm chưa đến 10% diện tích Biển Baltic. Một trong những cụm xác tàu nặng nhất có thể được tìm thấy ở Vịnh Gdansk ngoài khơi bờ biển Ba Lan. Từ năm 1941-1945, hơn 20 chiếc U-Boat của Đức đã bị đánh chìm ở khu vực này, nhiều chiếc bị phá hủy bởi thủy lôi của Anh.
Nhưng không phải tất cả con tàu chữ U của Đức đều bị địch đánh chìm, đôi khi, chúng bị đánh chìm do lỗi từ chính con người. Vào ngày 24/2/1943, tàu U-649 đang tham gia một buổi huấn luyện ngoài khơi bờ biển Leba thì đâm vào tàu U-232, một chiếc U-boat khác của Đức. Trong khi chiếc U-232 sống sót sau cuộc đụng độ, chiếc U-649 lại bị hư hại nghiêm trọng đến mức 35 người trong phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Và rất nhiều máy bay
Đã có rất nhiều máy bay lao xuống vùng biển Baltic, trong đó có vô số máy bay quân sự, điển hình nhất là máy bay Junkers JU88, được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Đức kéo lên từ đáy biển ngoài khơi Đảo Rugen vào tháng 6/2012. Được Bảo tàng RAF mô tả là “máy bay chiến đấu linh hoạt nhất của Đức trong Thế chiến thứ hai”, JU88 được sử dụng cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, cụ thể bao gồm ném bom, trinh sát và chống hạm.
Ngay phía tây của đảo Rugen, ngoài khơi bờ biển Gedser của Đan Mạch, xác một chiếc Boeing B-17G Flying Fortress đã được tìm thấy. Máy bay ném bom của Mỹ đang trở về sau một nhiệm vụ ở Ankum, Đức thì bị trúng đạn pháo vào ngày 4/8 /1944. Phi công đã cố gắng thoát ra khi máy bay lao xuống biển, nhưng 8 người khác trong phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Con tàu Vasa
Vasa là một con tàu có từ thế kỷ 17 đã bị chìm trong chuyến đi đầu tiên kéo dài 1.300 mét. Con tàu đã nằm lại cảng Stockholm cho đến năm 1961, khi nó được trục vớt. Vasa hiện được đặt trong một viện bảo tàng và là một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất của Thụy Điển.
Vasa được xây dựng vào năm 1627 và sở hữu tỷ lệ rất ấn tượng. Khi hoàn thành, Vasa dài 69 mét và cao hơn 50 mét, nặng 1.200 tấn và có 10 cánh buồm, 64 khẩu pháo và 120 tấn dằn. Tuy nhiên, mọi thứ luôn có một vấn đề.
Vào ngày 10/8/1628, Vasa bắt đầu chuyến đi đầu tiên của mình trước sự chứng kiến của đám đông người dân Thụy Điển và du khách nước ngoài. Khi mới đi được 1.300 mét ở cuộc hành trình đầu tiên của mình, một cơn gió mạnh đã khiến Vasa bị lật, khiến nước tràn qua các cổng súng. Trong vòng vài phút, Vasa đã chìm xuống đáy biển chỉ cách đó 30 mét.
Đá hổ phách
Theo Hiệp hội Hoàng gia, biển Baltic là nơi có mỏ đá hổ phách lớn nhất thế giới. Các mảnh hổ phách thường trôi dạt vào bờ biển Baltic, đặc biệt là ở khu vực Kaliningrad, Nga, nơi xuất khẩu 90% hổ phách trên thế giới.
Công trình tiêu biểu nhất từ đá hổ phách Baltic chính là Căn phòng Hổ phách, được xây dựng cho Vua Frederick I của Phổ ở Danzig, ngày nay được gọi là Gdansk, một thành phố ở Ba Lan. Năm 1716, Căn phòng Hổ phách được trao cho Sa hoàng Peter I của Nga, người đã đặt kiến trúc này ở Điện Catherine tại St.Petersburg, và tồn tại cho đến năm 1941, khi công trình này chuyển sang quyền sở hữu của Đức.
Đường ống Nord Stream 2
Đường ống Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc) là đường ống dẫn dầu dài 1231 km chạy dọc theo đáy biển Baltic, kết nối nguồn khí đốt của Nga với Đức và châu Âu. Được thiết kế để tăng gấp đôi dòng khí đốt, việc xây dựng đường ống bắt đầu vào năm 2018 và hoàn thành vào tháng 9/2021, với chi phí khoảng 11 tỷ USD.