‘Kho tư liệu’ Ngô Vĩnh Bình
Nhắc đến nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình, không chỉ lứa nhà văn đàn em chúng tôi luôn cảm thấy hào hứng vui vẻ, mà ngay cả các bậc đa đề ngày trước như Hồ Phương, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Thu Bồn, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Chu Lai, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trí Huân, Khuất Quang Thụy… đều thấy vô cùng gần gũi.
Đến mức hễ có việc gì còn hồ nghi, nhất là các điển tích, câu chuyện bếp núc về văn học đương đại thảy đều bấm máy gọi hỏi Ngô Vĩnh Bình. Anh lại có đức tính vô cùng mềm mại, ít cáu giận, luôn cần mẫn trả lời không biết mệt.
Tôi luôn khâm phục trí nhớ của anh. Lúc nào cũng nhỏ nhẹ nhưng trí nhớ bền sâu khủng khiếp. Khi cần, Ngô Vĩnh Bình sẵn sàng đọc ra hàng loạt tên tuổi, ngày tháng năm sinh cũng như tác phẩm của những con người đã đi vào tên phố tên đường như: Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Phùng Quán, Vũ Cao, Xuân Thiều... Kỳ lạ là anh còn thuộc cả đường ăn nết ở của từng người. Ví như Thu Bồn lúc nào cũng cuồn cuộn như sông như suối lại có tài làm thịt chó rất ngon.
Còn như dịch giả Nguyễn Trung kiêm trị sự cơ quan dù thời bao cấp “gạo châu củi quế” năm nào cũng “mò” được những thực phẩm quý hiếm cho cơ quan. Ngày đó, muốn thịt lợn phải có con dấu của chủ tịch xã mà cứ Tết đến, không biết họ Doãn tha ở đâu về từng con lợn trắng phau, tươi rói. Khi chia thịt đã phải tổ chức rán mỡ để chia cho đồng đều. Nguyễn Đức Mậu “ngu ngơ” đến mức mỡ còn nóng được chia đổ vào can nhựa xách được một đoạn, than ôi can thủng chẳng còn tí gì, chỉ biết cười ra nước mắt. Như Lê Lựu nông dân đặc sệt dẫu đã là nhà văn quốc gia mà lúc nào cũng luộm thuộm khiến cơ quan phải nghi ngại, thường giao cho Ngô Vĩnh Bình trợ giúp áo quần giày dép cho ông anh.
Còn như Duy Khán lúc nào cũng say khướt, đến cổng cơ quan còn tưởng ghế đá công viên đôi lúc ngủ vùi khiến thủ trưởng Hồ Phương, Dũng Hà phải cõng nhà thơ dỗ dành mãi mới chịu về phòng. Những chuyện vô thiên lủng như thế, khi cần cứ hỏi Ngô Vĩnh Bình đều biết hết.
Tôi quen Ngô Vĩnh Bình từ lúc nào tuyệt không nhớ được. Từng mời anh làm nhiều phim tài liệu chân dung về các bậc đa đề như Thanh Tịnh, Vũ Cao, Nguyễn Thi, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Cầm, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Xuân Thiêm, Mai Văn Hiến, Văn Đa... anh đều nhiệt thành tham dự. Tiền bạc chả có gì, song luôn đòi hỏi chất lượng mà Ngô Vĩnh Bình tuyệt không cáu gắt. Kịch bản anh làm nhiều chi tiết rất đắt, nhất là những khung cảnh đời thường, bếp núc văn chương.
Ngô Vĩnh Bình còn có biệt tài viết kịch bản phim các vị tướng trong quân đội. Nhiều người viết bị “đổ”, nhưng hễ giao cho Ngô Vĩnh Bình thì lập tức trôi chảy như không. Nhiều lúc thực hiện thể loại này, tôi đã phải cầu viện đến anh và anh đã lập tức chỉ ra những điều căn cốt để làm nên một kịch bản văn học chân dung tướng lĩnh. Nói không quá, thực ra anh đã giúp tôi nuôi con nhỏ một cách dễ thở hơn từ những phim như thế.
Tôi luôn khâm phục trí nhớ của anh. Lúc nào cũng nhỏ nhẹ nhưng trí nhớ bền sâu khủng khiếp. Khi cần, Ngô Vĩnh Bình sẵn sàng đọc ra hàng loạt tên tuổi, ngày tháng năm sinh cũng như tác phẩm của những con người đã đi vào tên phố tên đường như: Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Phùng Quán, Vũ Cao, Xuân Thiều... Kỳ lạ là anh còn thuộc cả đường ăn nết ở của từng người.
Sở dĩ tôi có sự làm việc hăng say đều là học tập ở Ngô Vĩnh Bình. Tính anh xuề xòa nhưng vô cùng chăm chỉ. Tôi luôn xác định phải “kiếm cơm” từ vô số bài báo hàng ngày nhưng so với Ngô Vĩnh Bình e rằng vẫn còn một khoảng cách dài.
Tôi viết luôn thần tốc nhưng họ Ngô còn thần tốc hơn. Anh viết không bài nào giống bài nào đã là một sự lạ, lại có những nhân vật như nhà thơ Thanh Tịnh, Ngô Vĩnh Bình thâm canh hàng chục bài, hàng chục năm mà Thanh Tịnh vẫn hiện hình phong phú, tươi mới, mà nhất là rất hóm hỉnh và sâu sắc như chính cuộc đời ông. Có những chân dung chỉ có thể là Ngô Vĩnh Bình mới viết được.
Có những chuyện chỉ là Ngô Vĩnh Bình mới nhớ ra. Như là chuyện nhà văn Mai Ngữ có viết một cuốn sách nhỏ về anh hùng Phùng Quang Thanh từ đầu những năm 1970. Gần nửa thế kỷ sau, khi anh hùng Phùng Quang Thanh trở thành Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao cho tôi tìm lại cuốn sách. Nhà văn Mai Ngữ đã mất. Sách in từ thời chiến tranh, mọi người dường như không ai lưu trữ được. Vậy mà Ngô Vĩnh Bình gõ cửa phòng tôi tủm tỉm đưa ra một bản giấy đen ngòm, chính là truyện vừa “Xốc tới” viết về anh hùng Phùng Quang Thanh.
Tôi mừng rơi nước mắt lập tức cùng anh biên soạn và tái bản “Xốc tới”. Những bản sách đầu tiên, tôi và anh đem tới thắp hương tại gia đình nhà văn Mai Ngữ. Đại tướng Phùng Quang Thanh khi ấy đã rất xúc động trước tấm lòng của các nhà văn.
Càng lạ lùng là Ngô Vĩnh Bình trước khi làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội chưa đi được nhiều tới các đơn vị trong toàn quân. Ngày trước toàn là các ông anh đi thực tế "bắt" ông em ở nhà "canh miếu". Rồi đám đàn em lứa sau cũng luôn đi sạch, thành ra Ngô Vĩnh Bình trong biên chế Ban Lý luận phê bình toàn phải ở nhà biên tập bài vở suốt mấy chục năm ròng.
Phải tới khi ông lên làm Tổng Biên tập, khi biết được cơ sự, tôi cùng các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Hữu Quý, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy mới “kèm cặp” thủ trưởng đi đơn vị. Chúng tôi đi tưng bừng. Đi biền biệt. Đi khắp từ Nam chí Bắc, biên giới hải đảo bão táp mưa sa, thậm chí là lũ quét lũ ống ập tới vẫn một mạch đi đến các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các tỉnh thành. Ở đâu có bộ đội, đều có dấu chân những nhà văn áo lính chúng tôi.
Càng đi nhiều càng thuộc tính nết của nhau. Với cương vị thủ trưởng, trưởng đoàn công tác trong hàng chục cuộc đi như thế, Ngô Vĩnh Bình đã phải rất khéo léo và nhường nhịn đàn em, cấp dưới cũng là một sự lạ đời.
Đã có lúc, cá tính nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nổi lên, giữa đường rừng mưa gió lũ quét mịt mùng, chỉ vì tranh biện một câu thơ ấm ớ hội tề, nhà thơ đất Quảng Bình nằng nặc đòi xuống xe lập tức, quyết không đi chung đoàn. Tôi và nhà văn Nguyễn Đình Tú ra sức thuyết phục Nguyễn Hữu Quý đều chẳng ăn thua. Vậy mà Ngô Vĩnh Bình chỉ tủm tỉm cười hiền, mọi chuyện lập tức đâu vào đấy. Đến bữa ăn, rượu vào lời ra lại vui vẻ như thường.
Ai ngờ Ngô Vĩnh Bình còn có tài trinh sát. Trong một cuộc chúng tôi bị lũ vây ở đồn biên phòng nơi thượng nguồn sông Mã thuộc tỉnh Sơn La. Nửa đêm, Ngô Vĩnh Bình dựng cả đoàn dậy bắt hành quân ngay sang bên kia suối. Vừa vượt suối còn chưa tỉnh ngủ đã ầm ầm lũ quét sau lưng. Cả đoàn bất chấp mưa gió vượt cung đường đang sạt lở. Nước sông suối đục ngầu quật ầm ầm trên những tảng đá. Đang lúc cấp bách, Nguyễn Hữu Quý bỗng phát hiện mình thiếu quân tư trang, nhất là chứng minh thư và giấy công tác đều không tìm thấy. Tôi lập tức gọi cho đồn trưởng một mặt theo mệnh lệnh của Ngô Vĩnh Bình chỉ huy lái xe phải tức tốc chạy đua với cơn lũ quét đuổi sau lưng mà không cần biết Nguyễn Hữu Quý lòng như lửa đốt.
Khi đã hoàn hồn trên một mỏm đồi cao, Ngô Vĩnh Bình nhỏ nhẹ bảo Nguyễn Hữu Quý xuống xe kiểm tra lại hành trang của mình. Quả là mọi thứ vẫn còn nguyên trong đó. Hóa ra thủ trưởng có tài trinh sát, đã phán đoán tình hình rất chuẩn. Chúng tôi lại mau chóng hành quân còn không quên gọi báo lại tin đó với đồn để anh em biết cùng mừng. Ôi những chuyến công tác luôn là như thế.
Ngô Vĩnh Bình sinh ra ở mảnh đất có tên Thụy Lôi, còn có tên Nôm là làng Nhội, tên gốc là Ma Lôi thuộc trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Ở nơi đây từng có câu vè: “Thụy Lôi một giỏ sinh đồ/ Một giò ông Cống/ Một đống ông Nghè/ Một bè ông Trạng...”. Có lẽ uống nước nơi lắm chữ nhiều thầy mà Ngô Vĩnh Bình theo nghiệp văn bút chăng? Cũng không nên quá rành mạch với Ngô Vĩnh Bình bởi anh không theo nghiệp văn bút lại hiền từ như vậy còn biết làm gì.
Năm 1970, Ngô Vĩnh Bình tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, làm việc tại Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. Tới năm 1979 mới nhập ngũ theo nghiệp văn một mạch đến lúc nghỉ hưu, làm từ chân phụ giúp biên tập chuyên đem bản thảo hầu các ông anh rồi trở thành Tổng Biên tập một tờ báo văn học nức tiếng ắt phải là người có đức. Âu cũng là duyên số của anh.
Tài năng của Ngô Vĩnh Bình xin hãy để mọi người định luận. Với riêng cá nhân tôi, anh luôn là người anh thân thiết, là “kho tư liệu” văn nhân mà mỗi khi cần tôi đều không ngần ngại bấm máy gọi cho anh.