Một ‘kịch trường dân gian’ độc đáo

Nguyễn TRỌNG VĂN 18/05/2022 10:48

Tôi biết đến làng Phù Đổng hay nói chính xác hơn là tôi biết đến lễ hội Gióng làng Phù Đổng cách đây 10 năm. Dạo đó Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội tiến hành nhiều đợt về các làng quê ngoại thành Hà Nội để sưu tầm và xây dựng loạt phim tài liệu về các điệu múa cổ Hà Nội.

Mỗi lần về làng Phù Đổng là tôi lại “phát hiện” ra những điều mới mẻ.

Có lần về hội Gióng làng Phù Đổng (diễn ra từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch) và được các “nghệ sĩ làng” kiên nhẫn múa đi múa lại để nhóm làm phim thực hiện ghi hình, phải nói các “nghệ sĩ làng” tỏ ra khá thuần phục trong từng màn múa, trong từng động tác. GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh những năm đó tuy đã “bát tuần” nhưng ông vô cùng say mê và nhiệt tâm.

Lần ấy ông đã nói với tôi rằng “Hội Gióng là một lễ hội dân gian truyền thống có sức hấp dẫn trong việc hoàn thiện nhân cách con người. Bởi tuy là lễ hội thờ cúng tín ngưỡng (Đền Gióng thờ Thánh Gióng, một trong bốn huyền thoại “Tứ bất tử” trong tâm linh người Việt) nhưng Hội Gióng lại mang một tư tưởng sâu đậm - Tư tưởng đề cao những giá trị anh hùng của dân tộc”. Và ông còn nhấn thêm rằng “Đến với hội Gióng là đến với liên khúc múa, đến với một kịch trường dân gian độc đáo”.

Vài năm lại đây tôi thường qua lại bên kia sông Đuống. Lần thì về “Làng Đỏ” Trung Mầu để viết bài về làng quê đầu tiên ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền từ mùa xuân năm 1945. Lần thì tới tham quan “Nhà máy nước mặt Sông Đuống”. Và nhiều hơn là những lần thì thăm làng Phù Đổng. Mỗi lần qua lại làng Phù Đổng là tôi lại “phát hiện” ra những điều mới mẻ. Sau khi xe qua cầu Phù Đổng, cây cầu bắc qua sông Đuống nối từ Hà Nội lên Bắc Giang - Lạng Sơn, thì xe rẽ phải.

Con đường đê chạy ngang làng Phù Đổng giờ được nâng cấp, mở rộng cho xe chạy rong rong. Và từ trên đê nhìn xuống làng Phù Đổng hiện ra với hình ảnh những ngôi nhà cao tầng nối nhau, với vô vàn những vườn hoa giấy nở đủ năm sắc màu rực rỡ. Xã Phù Đổng hiện nay là một địa phương nổi tiếng về trồng và kinh doanh hoa giấy. Nông nghiệp của xã từ trồng lúa giờ chuyển hẳn sang trồng cây ăn quả và đặc biệt là hoa giấy.

Đoàn rước trên triền đê.

Tôi đã hình dung ra một phường phố trong nay mai. Hình dung thế nhưng cũng hơi thấy tiêng tiếc bởi nét “quê” đã dần nhường chỗ cho một đô thị bên sông. Nhưng có “một địa chỉ” có lẽ sẽ không bị mai một hay bị thay thế bởi những hình thức khác. Đó là đền Gióng làng Phù Đổng. Nằm ngay cạnh chân đê, đền Gióng như khang trang hơn, như nổi bật hơn vào những ngày này. Không giống các hội làng khác trong cả nước, lễ hội làng Phù Đổng lại diễn ra vào dịp đầu hè.

Điều khác biệt này cũng theo như lời của GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh: “Lễ hội nằm vào thời điểm mà trong tương truyền có người đàn bà làng Phù Đổng, một buổi ra đồng sớm đã vô tình dẫm phải “vết chân nhà Trời”. Người đàn bà ấy sau đó mang thai và sinh ra một cậu bé đã lên ba tuổi mà vẫn chưa biết nói cười, chưa biết đi đứng. Cậu bé ấy đột nhiên cao lớn và cất lên tiếng nói rành rẽ khi sứ giả của nhà Vua đi ngang qua làng. Sứ giả cho hay giặc Ân hung dữ từ phương Bắc đang lăm le tràn xuống xâm lược nước ta. Nhà Vua kêu gọi ai có tài có đức ra dẹp giặc giúp nước”.

Năm nay thời tiết khá thuận lợi, sang tháng Tư ta bầu trời nắng sáng, lại có chút se lạnh nhẹ về chiều tối và đêm nên lòng người cũng cảm thấy thư thả hơn. Tôi dừng xe ngay trên mặt đê, dưới kia, ngay tầm mắt tôi nhìn là nhà thủy đình, một trong những nơi sẽ diễn ra những điệu múa dân gian miêu tả lại thuở cậu bé làng Phù Đổng vụt trở thành huyền thoại.

Năm nay vẫn thế, những ngày sắp tới Hội có lẽ là những ngày vui vẻ và náo nhiệt nhất. Trai làng, gái làng mà đáng chú ý là các em nhỏ tuổi chừng lên chín lên mười đang say sưa luyện tập. Tôi đứng xa mà nhìn, phần vì đứng ở đó mới ngắm được toàn cảnh của một “sân khấu” và phần vì không muốn các “nghệ sĩ làng” bị phân tâm.

Trong ngày hội làng.

Cũng theo các nghệ sĩ của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội thì yếu tố “sân khấu hóa” được xuyên suốt phần Lễ sang tới phần Hội. Do đó, lễ hội Gióng thực sự là một lễ hội của không khí vui chơi có bài bản và có sức hút kỳ lạ bởi vai trò của “sân khấu” có trong lễ hội. Một vở kịch múa bắt đầu hình thành ngay khi những chàng trai lực lưỡng của làng với trang phục đơn giản, quần là mảnh khố, áo là mảnh vải quàng ngang vai làm hở bộ ngực trần vạm vỡ, chân đất chắc nịch cùng nhau khênh kiệu.

Trên kiệu là một chú bé mặt mày khôi ngô, ánh mắt trong sáng, chừng bảy tám tuổi, ăn vận đàng hoàng, mũ máo cân đai đầy đủ. Cậu bé được tuyển chọn trong hàng trăm cậu bé cùng lứa tuổi của làng để đảm nhận đóng vai người anh hùng huyền thoại Thánh Gióng từ trong cổ tích. Kiệu được rước đi huyên náo dọc đường làng và được dẫn vào sân lớn của đền Gióng sau khi lọt qua cổng đền uy nghi. Đến sân của đền thì “sân khấu” mới thực sự định hình và từ đây “liên khúc múa” hay vở kịch múa mới thực sự diễn ra.

Sân khấu hóa lễ hội là một đặc điểm dường như riêng có của hội Gióng. Nó nhằm nhắc lại về câu chuyện huyền thoại cổ xưa và để giúp Hội thêm trang nghiêm, thêm vui vẻ, thêm thu hút. Sân khấu hóa lễ hội với hình thức diễn xướng liên tục thông qua màn liên khúc múa đã được tổ chức chặt chẽ, chu đáo và bài bản do một dàn vai diễn hết sức phong phú, hết sức có nghề đảm nhiệm.

Phải nói rằng: Liên khúc múa trong hội Gióng chính là “linh hồn” tạo nên sức sống cho một lễ hội tín ngưỡng. Liên khúc múa trong hội Gióng đã làm gần như thay đổi nếp nghĩ, nếp làm và nếp ăn của người dân trong vùng nói riêng, người dân Việt nói chung. Đó cũng là ý nghĩ cao rộng nói lên: dù trong hoàn cảnh nào thì “yêu nước và đánh giặc” vẫn được đề cao, được nhắc nhở.

Hội Gióng chính là một “kịch trường dân gian” với đầy đủ ý nghĩa của nó. Hàng trăm diễn viên đảm nhiệm hàng trăm vai diễn đã trình diễn liên hoàn, móc nối với nhau và vai diễn này tôn vinh vai diễn kia. Với các màn múa chính đều được gọi chung cái tên là các “Ông Hiệu” đã cho thấy tính thống nhất của một “vở kịch” được xây dựng kỹ lưỡng.

Nói một cách khác thì “hệ thống các ông Hiệu” này chính là “hệ thống các tướng lĩnh” của Thánh Gióng. Màn múa các ông Hiệu đều được trình diễn theo một trình tự đầu cuối rõ ràng đã cho thấy dù có “tính ước lệ của sân khấu” nhưng ở “kịch trường dân gian” này vẫn đề cao tính thống nhất và nghiêm cẩn của việc luyện quân và ra trận.

GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh hồi đó đã lưu ý tôi rằng: “Nét đáng chú ý trong màn liên khúc múa có trong hội Gióng còn ở chỗ đạo cụ, y phục và diễn viên. Về diễn viên thì như đã nói ở trên. Ở đây chỉ đề cập đến đạo cụ và y phục. Ở mỗi một vai diễn và ở mỗi một màn múa đều có đạo cụ và y phục thích ứng. Điều này cho thấy không có gì đáng nghi ngờ khi phần hội trong hội Gióng đích thực là một “kịch trường dân gian”.

Năm nay, tôi về làng Phù Đổng khi hội Gióng đã cận kề. Những “nghệ sĩ làng” của làng Phù Đổng đang miệt mài luyện tập. Hỏi chuyện anh Phạm Văn Dưỡng - một “nghệ sĩ làng” nhân lúc buổi tập dừng nghỉ, anh cho biết: “Lễ hội tuy thành lệ hàng năm nhưng năm nào cũng có lứa này ra đi và lứa khác thay thế. Do đó việc luyện tập bên cạnh “truyền nghề” còn cũng là cơ hội để lứa thay thế đảm nhiệm tốt vai trò của mình để hội Gióng luôn được lưu giữ và lưu truyền”.

Tiếng trống tiếng chiêng vọng lên dồn dập. Con đê làng như cũng thênh thênh. Dòng sông Đuống như cũng rập rình. Tiếng cười hể hả cứ réo rắt một vùng làng quê bên kia sông Đuống. Và tôi chợt hiểu ra một điều: “Liên khúc múa trong hội Gióng đã khẳng định thêm sức mạnh nội lực của dân tộc Việt tràn đầy và bất tận”.

Nguyễn TRỌNG VĂN