Hình tượng Bác Hồ trên sân khấu
Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã cho ra mắt nhiều vở diễn khắc họa cuộc đời, tư tưởng của Bác cùng những tâm tư, tình cảm của Người đã dành trọn cho dân tộc, cho đất nước.
Đa dạng về đề tài
Dịp này, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt chương trình “Tên Người sáng mãi”, với chùm 3 vở kịch ngắn “Đoàn kết là sức mạnh”, “Đôi mắt sáng”, “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy”. Trong đó, vở “Đoàn kết là sức mạnh” (tác giả Lê Trinh, đạo diễn NSƯT Lâm Tùng) thể hiện tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng lãnh đạo quân dân ta kháng chiến chống thực dân, đế quốc và cả trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”.
Còn với vở “Đôi mắt sáng” (tác giả Thiên Ân, đạo diễn NSƯT Tạ Tuấn Minh) là câu chuyện về cuộc gặp Bác Hồ của những thương binh ở Trường thương binh hỏng mắt Hà Nội. Sau cuộc gặp Bác, những người thương binh ấy đã được tiếp thêm niềm lạc quan, tin vào tương lai, thêm phần quyết tâm làm theo lời Người “Thương binh tàn, nhưng không phế”. Còn với vở “Bác Hồ và mùa xuân năm ấy” (tác giả Lê Trinh, đạo diễn NSƯT Bùi Phương Nga) lại cho thấy quan điểm thân dân, quan tâm đến đời sống dân nghèo của Bác…
Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã ra mắt vở kịch hát “Nước non vạn dặm”, với phần 1 mang tên “Nợ nước non”. Đây là dự án nghệ thuật mang tính sử thi về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm 3 phần, kịch bản của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Phần đầu, “Nợ nước non”, khắc họa giai đoạn thiếu thời cho đến khi Người lên tàu sang Pháp để tìm đường cứu nước. 2 phần còn lại sẽ được dàn dựng trong 2 năm tiếp theo.
Theo NSND Triệu Trung Kiên, chuyện về Bác nhiều người đã biết, đã thuộc nhưng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi nghệ sĩ sẽ có cách “kể” câu chuyện theo cách riêng. Vấn đề phải đảm bảo vở diễn là công trình mang tính nghệ thuật cao, khán giả thấy thuyết phục. “Nước non vạn dặm” phần 1 được dàn dựng ở thời điểm hiện nay nên phải hướng tới sân khấu cải lương đương đại, với ngôn ngữ nghệ thuật tổng hợp, có cả ca, múa, nhạc. Theo kế hoạch, vở diễn sẽ chính thức ra mắt khán giả vào ngày 19 và 20/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và phục khán giả phía Nam vào dịp 19/8 và Quốc khánh mùng 2/9.
Không chỉ các đơn vị công lập, mới đây sân khấu tư nhân Lệ Ngọc cũng đã cho ra mắt vở kịch “Lá đơn thứ 72” (tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn NSND Lê Tiến Thọ). Nội dung vở diễn hướng tới tinh thần học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vở diễn khai thác hình tượng Bác Hồ ở góc độ đời thường, phong cách làm việc, tình cảm, tấm lòng của Bác đối với nhân dân, đặc biệt là người lao động, người yếu thế.
Lần đầu tiên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng bằng ngôn ngữ nhạc kịch
Sau thành công của buổi công diễn chào mừng 40 năm thành lập Nhà hát Công an Nhân dân, vào tối 17/5, vở nhạc kịch “Người cầm lái” do biên đạo múa Tuyết Minh viết kịch bản nhạc kịch và làm tổng đạo diễn sẽ chính thức ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Vở nhạc kịch “Người cầm lái” gồm 3 hồi: “Quê hương”, “Tiếng vọng non sông” và “Chuyến tàu định mệnh”. Xuyên suốt vở diễn khắc họa hình tượng Bác Hồ ở nhiều khoảng không gian, thời gian khác nhau: Bác Hồ tuổi ấu thơ ở quê nhà Nghệ An rồi vào Huế; Người rời Bến Nhà Rồng bôn ba tìm đường cứu nước (năm 1911); Những hoạt động cách mạng của Người ở Pháp, Mỹ, Quảng Châu (Trung Quốc)... và vào năm 1941 người về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Theo đạo diễn Tuyết Minh, vở nhạc kịch không chỉ kể về cuộc đời của Bác mà còn là quá trình hình thành tư tưởng của Người được kết tinh của truyền thống gia đình, lịch sử dựng nước, giữ nước với biết bao tấm gương yêu nước của các bậc tiền nhân. Trong lúc nước mất nhà tan, xuất hiện nhiều dòng tư tưởng cứu nước như Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du của nhiều chí sĩ đương thời cũng như một số vị vua Triều Nguyễn, nhưng Người đã sáng suốt chọn cho dân tộc một lối đi.
Cũng theo biên đạo múa Tuyết Minh, đây là lần đầu tiên hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng bằng ngôn ngữ nhạc kịch. Vở diễn theo hình thức giao hưởng và đại hợp xướng nhưng vẫn phát huy được giá trị truyền thống của sân khấu kịch hát dân tộc. Nội dung vở diễn thể hiện sự trân trọng và tôn vinh bản sắc văn hóa Việt Nam qua thanh âm của những nhạc cụ dân tộc cùng chất liệu ngôn ngữ múa dân gian đương đại.
Được biết, để dàn dựng vở nhạc kịch “Người cầm lái”, biên đạo múa Tuyết Minh đã dành 4 năm theo học chuyên ngành Tư tưởng Hồ Chí Minh để thấm sâu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chị chọn thể hiện hình tượng Bác Hồ bằng hình thức nhạc kịch nhằm thu hút khán giả, nhất là người trẻ. Các nghệ sĩ đã phải trải qua một hành trình dài luyện tập đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các nghệ sĩ đã đồng sức, đồng lòng vượt qua để làm nên một tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa.
“Khi quyết tâm làm một tác phẩm về Bác Hồ thì mọi khó khăn chúng tôi đều có thể vượt qua. Ai cũng dành tình yêu lớn cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam” - biên đạo múa Tuyết Minh bày tỏ.