Gia vị Việt được thế giới ưa chuộng

THANH GIANG 17/05/2022 07:12

Theo nhận định của giới kinh doanh, gia vị Việt hiện đang được thị trường các nước lựa chọn. Các mặt hàng như muối tôm, muối ớt, nước mắm, nước chấm,... ngày càng chen chân vào thị trường nước ngoài, kể cả những thị trường khó tính.

Doanh nghiệp đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trong và ngoài nước.

Gia vị Việt xuất ngoại

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), trong năm 2021, sản phẩm nước mắm - loại gia vị đặc biệt của Việt Nam, được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ với giá trị 5,9 triệu USD (chiếm 20,9% thị phần), tăng trưởng 42% so với năm 2020. Nhật Bản là thị trường lớn thứ 2 của sản phẩm nước mắm với doanh số đạt hơn 4 triệu USD, chiếm 14,1% tổng kim ngạch. Thị trường Mỹ và các nước Tây Âu có xu hướng chọn những loại nước mắm có độ đạm cao, tức là nước mắm truyền thống, trong khi thị trường Đông Âu lại thích loại có độ đạm thấp, mùi nhẹ hơn, đó là nước mắm công nghiệp hay nước chấm.

Thông tin về thị trường xuất khẩu gia vị Việt, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM cho hay, kim ngạch xuất khẩu gia vị Việt Nam sang thị trường Saudi Arabia năm 2020 đạt 460 triệu USD. Riêng 7 tháng năm 2021 đạt 225 triệu USD. Trong đó, các loại gia vị, hạt tiêu đến từ Việt Nam có kim ngạch khoảng 10 triệu USD/năm. Theo thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia, đây là thị trường đầy tiềm năng. Các loại thảo mộc, gia vị như quế, hồi, đinh hương, nhục đậu khấu, hạt tiêu và nhiều loại khác được thêm vào tất cả các món ăn. Các sản phẩm khác cũng đang có nhu cầu cao bao gồm gia vị muối, tiêu, hỗn hợp gia vị, ớt bột, nghệ, gừng…

Được mệnh danh là “ông trùm gia vị Việt” khi sản phẩm được phủ khắp các hệ thống siêu thị trong nước, ông Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dh Foods cho biết, trong năm 2021 doanh số công ty đạt 150 tỷ đồng, tăng 61% so với năm 2020. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 10% doanh thu. Mục tiêu đề ra, đến năm 2025 tỷ trọng xuất khẩu sẽ tăng lên 30%. Theo chia sẻ của ông Dũng, hiện nay người tiêu dùng trên thế giới quan tâm rất nhiều đến sức khỏe và chuộng những gia vị tự nhiên. Việt Nam lại có ưu thế về nguồn nguyên liệu.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam chế biến được những gia vị tự nhiên từ các nguồn nguyên liệu đó sẽ rất có tiềm năng. “Đơn vị chúng tôi có hơn 170 mã sản phẩm thuộc nhiều dòng, nhưng các loại muối tôm, muối ớt vẫn bán chạy nhất. Đặc biệt, các sản phẩm muối ớt, muối tôm công ty xuất khẩu nhiều sang các thị trường “khó tính” như Nhật Bản, Hà Lan… Mỗi tháng, công ty xuất khẩu sang Nhật một container. Sắp tới, công ty chuẩn bị xuất một container 40 feet gồm sản phẩm mắm ruốc và nước mắm pha chế” - ông Dũng nói và cho biết thêm, sản phẩm được chế biến sâu, theo công thức gia vị vùng miền và nguyên liệu đầu vào phải thật tốt. “Nguyên liệu tốt chắc chắn thành công đến 70 - 80%” – ông Dũng khẳng định.

Chủ động tìm thị trường

Tương tự, cũng sử dụng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên để làm ra sản phẩm, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Công nghệ Sông Hương ngoài thành công ở thị trường nội địa, hiện cũng đang tất bật chuẩn bị cho lô hàng xuất khẩu đầu tiên sang thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Công nghệ Sông Hương cho biết, công ty đang chuẩn bị xuất một container 20 feet gồm nhiều mặt hàng đặc sản Huế như: cà pháo muối, mắm ruốc, mắm tôm chua, dưa món, bánh lọc, bánh nậm,…

Thực tế cho thấy, gia vị và các đặc sản của nước ta được thị trường nước ngoài rất ưa chuộng, tuy nhiên khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế. Chia sẻ kinh nghiệm về việc đưa đặc sản Việt xuất ngoại, bà Ong Thị Kim Ngân - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Khai thác thủy hải sản chế biến nước mắm Thanh Hà – Phú Quốc khẳng định, không dễ để đưa được hàng vào thị trường châu Âu. Thời gian đầu, do doanh nghiệp không có điều kiện nên rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng quốc tế, chỉ có khách hàng tìm đến mình.

Đây là hạn chế rất lớn cho việc xuất khẩu. Vì vậy, sau khi có điều kiện tốt hơn, doanh nghiệp đã chủ động tham gia những hội chợ triển lãm quốc tế để đẩy mạnh quảng bá thương hiệu. Mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu gia vị sang thị trường các nước, nhiều doanh nghiệp cho biết, rất cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể là tổ chức xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi tham gia các triển lãm ở các nước, đặc biệt các thị trường “khó tính” như Nhật, EU, Mỹ…

Các chuyên gia BSA dự báo, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nước mắm năm 2022 có thể tăng trưởng hơn 5% so với năm 2021 do tình hình thương mại quốc tế dần phục hồi trở lại sau các biến động của dịch Covid-19.

Nói về xuất khẩu mặt hàng trên, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, ngành đồ uống và thực phẩm của Việt Nam nói riêng và các thực phẩm nông sản, thực phẩm chế biến nói chung là một ngành có tiềm năng xuất khẩu rất lớn. Để xuất khẩu thành công, doanh nghiệp cần biết phương thức tiếp cận thị trường, những biện pháp thuế quan và phi thuế quan, cách tra cứu thông tin sản phẩm, ngành hàng được phép xuất khẩu.

THANH GIANG