Du học, xuất khẩu lao động: Tỉnh táo trước những lời hứa hẹn

NGUYỄN HOÀI 17/05/2022 08:19

Cùng với mong ước con mình đỗ được một trường đại học trong nước, thời điểm này, nhiều gia đình có nhu cầu cho con đi du học, du học nghề hoặc xuất khẩu lao động. Lợi dụng tâm lý này, các công ty tư vấn du học kém chất lượng đã tung ra những chiêu trò quảng cáo lừa đảo khiến nhiều gia đình sập bẫy.

Người dân có nhu cầu du học hoặc xuất khẩu lao động nên truy cập các trang web của cơ quan có thẩm quyền.

Nhiều chiêu trò

Thất vọng, buồn chán là tâm trạng của em Lưu Thành Công (23 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) khi trở về Việt Nam sau 8 tháng làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức. Công kể lại, cách đây hơn 2 năm, khi đang học tại một trường đại học năm thứ nhất ở trong nước, biết em có mong muốn được làm việc ở nước ngoài, một người quen đã giới thiệu cho gia đình em gặp một người xưng là giám đốc một công ty tư vấn du học và xuất khẩu lao động sang Đức.

Thế nhưng, Công cho biết, khi sang Đức, công việc hoàn toàn không như lời quảng cáo. Công phải ở trong một cửa hàng của người Việt, hàng ngày phụ giúp việc cho họ. Làm việc được hơn 8 tháng, thấy không ổn, bố mẹ em đã tìm mọi cách để cho Công trở về Việt Nam”.

Trường hợp của Công không phải hiếm gặp. Hiện nay, số lượng học sinh có nhu cầu du học ngày càng tăng. Lợi dụng tâm lý của nhiều gia đình, các đối tượng thường thành lập các công ty, trung tâm đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, du học nghề, xuất khẩu lao động, sau đó giăng bẫy phụ huynh, học sinh bằng những lời quảng cáo ngon ngọt, các thủ đoạn tinh vi.

Bằng chiêu trò đăng tuyển “kỹ sư cơ khí điện, điện tử, lắp ráp linh kiện và vận hành máy tiện CNC” trên trang facebook cá nhân với thỏa thuận trọn gói đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ 5.000 USD - 6.000 USD, tùy vào bằng cấp và vị trí công việc của mỗi người, sau khi nộp tiền sẽ được đi làm ngay, Đỗ Văn Đồng (36 tuổi, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Giám đốc Công ty TNHH Taiyo Japan Quốc tế đã lừa đảo 20 người với tổng số tiền 1,36 tỉ đồng. Vào đầu tháng 4, Đồng bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 13 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cũng trong giữa tháng 4 vừa qua, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đinh Thị Quỳnh (phường Thanh Châu, Phủ Lý, Hà Nam) để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thông qua hình thức thu tiền của những người có nhu cầu đi du học Hàn Quốc.

Dưới danh nghĩa hoạt động trong lĩnh vực du học, công ty do Quỳnh mở đã nhận hồ sơ và thu phí dịch vụ khoảng 200 triệu đồng/bộ. Với thủ đoạn này, Quỳnh lừa đảo chiếm đoạt số tiền khoảng 1 tỷ đồng của các bị hại để sử dụng cá nhân.

Tỉnh táo trước khi ký hợp đồng

Trên phương diện pháp lý, Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, thủ đoạn lừa đảo du học đã xuất hiện nhiều năm nay và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Nhiều người phải “ngậm đắng nuốt cay”, tiền mất mà vẫn… ở nhà chỉ vì tin vào lời quảng cáo. Trong đó, các đối tượng đều lợi dụng tâm lý muốn được đi du học, xuất ngoại của người dân, rồi thông qua những chiêu trò mời gọi, những lời hứa hẹn hấp để rồi đưa họ rơi vào bẫy một cách dễ dàng.

Trước thực tế trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) liên tục khuyến cáo người lao động cần tìm hiểu rõ thông tin, chỉ đăng ký tham gia chương trình du học và xuất khẩu lao động thông qua các cơ quan chức năng. Đặc biệt, thị trường xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc chỉ có thể đăng ký qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương.

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn du học, du học nghề sang Đức, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngoại ngữ, Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp (IVES) cho hay, hiện có không ít đối tượng thành lập công ty, trung tâm kinh doanh dịch vụ tư vấn du học nhưng thực chất không đủ năng lực, thu tiền dịch vụ của khách hàng rồi bán lại hồ sơ cho một trung tâm thứ 3 hoặc cầm tiền rồi “cao chạy xa bay”.

Theo bà Trang, khi thị trường lao động Nhật Bản và Hàn Quốc thoái trào, nhiều trung tâm, công ty chuyển hướng sang thị trường lao động Đức. Do các công ty này không đủ năng lực, dẫn tới việc giáo viên dạy ngoại ngữ liên tục thay đổi, chất lượng đào tạo kém. Nghiêm trọng hơn, khi sang nước ngoài, gần như họ “đem con bỏ chợ”. Trong khi đó, những công ty uy tín sẽ có trách nhiệm đồng hành với học viên trong suốt quá trình học nghề.

Do đó, bà Trang khuyến cáo: “Phụ huynh, người học nên hết sức tỉnh táo với những lời hứa hẹn, quảng cáo kiểu “bánh vẽ”, hoặc lựa chọn những nơi chi phí thấp. Trước khi có ý định cho con đi du học, du học nghề hoặc xuất khẩu lao động, phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ các trung tâm có uy tín, hoạt động lâu năm, đừng để rơi vào cảnh “tiền mất tật mang””.

Khi phát hiện bị lừa, người dân cần bình tĩnh, thu thập bằng chứng

Luật sư Trần Xuân Tiền khuyến cáo, khi có ý định đi du học, địa điểm mà học viên cần tìm đến là đại sứ quán hoặc tổng lãnh sự quán của nước - nơi mình muốn đi. Mọi thông tin về trường lớp, ngành học, học phí và các thông tin khác đều sẽ được giải đáp tại đây. Ngoài ra, nếu lựa chọn dịch vụ tại các trung tâm tư vấn du học, cần chú ý tìm hiểu kỹ lưỡng, lựa chọn những tổ chức có uy tín, có giấy phép hợp lệ; đồng thời không nên tin vào những lời quảng cáo mà vội vàng ký hợp đồng. Bởi khi sự cố xảy ra, khách hàng sẽ không thể lấy lại được số tiền do đã đồng ý với những điều khoản bất lợi, thậm chí miễn trừ trách nhiệm của bên tư vấn du học do không đọc kỹ nội dung hợp đồng.

Nếu phát hiện mình bị lừa, người dân cần bình tĩnh, thu thập bằng chứng và các thông tin có liên quan và lập tức đến cơ quan công an để tố giác tội phạm đối với hành vi lừa đảo. Pháp luật hiện hành xử lý rất nghiêm hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

NGUYỄN HOÀI