Trở lại Đại lễ Hoàng gia đầu tiên của Nữ hoàng Anh Elizabeth II

Mai Nguyễn (Theo Grunge) 17/05/2022 13:54

Lễ kỷ niệm năm nay, Đại lễ Bạch Kim, chính là Kỷ niệm 70 năm trên ngai vàng của Nữ hoàng Anh, đồng thời trùng với lễ Kỷ niệm 69 năm ngày đăng quang của bà, diễn ra vào ngày 2/6/1953.

Những Đại lễ Hoàng gia trước đây trong lịch sử tương đối hiếm và thường được tổ chức khá ít trong suốt những năm tháng trị vì của Nữ hoàng Elizabeth II. Đại lễ năm nay, năm 2022, sẽ là Đại lễ lần thứ tư của Nữ hoàng Anh.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: Grunge.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ảnh: Grunge.

Đại lễ kỷ niệm năm nay, Năm Thánh Bạch Kim, bên cạnh Kỷ niệm 70 năm Nữ hoàng trị vì trên ngai vàng, Đại lễ cũng sẽ đánh dấu cột mốc 69 năm ngày đăng quang của Nữ hoàng, được tổ chức vào ngày 2/6/1953, hơn một năm sau khi cha bà qua đời.

Năm thánh kỷ niệm một năm quan trọng trong triều đại của mỗi vị vua. Tại Vương quốc Anh, đây cũng được xem như “sự củng cố quyền lực và sự thống nhất quốc gia”. Vào năm 2002, Nữ hoàng Elizabeth II đã tổ chức Đại lễ Vàng, đánh dấu 50 năm trị vì. Năm 2012 chính là Đại lễ Kim Cương của Nữ hoàng, đánh dấu 60 năm trên ngai vàng. Đại lễ đầu tiên của Nữ hoàng Anh được tổ chức vào năm 1977, thời điểm đánh dấu 25 năm trị vì đầu tiên của bà trên cương vị Nữ hoàng.

Vậy Đại lễ kỷ niệm năm đó đã diễn ra như thế nào?

Chuyến tham quan Vương quốc Anh của Nữ hoàng Elizabeth II

Đại lễ Bạc – Đại lễ đầu tiên của Nữ hoàng Anh được tổ chức vào ngày 6/2/1977, đúng dịp kỷ niệm ngày bà trở thành Nữ hoàng Anh.

Chuyến công du Vương quốc Anh đầu tiên của Nữ hoàng. Ảnh: Grunge.
Chuyến công du Vương quốc Anh đầu tiên của Nữ hoàng. Ảnh: Grunge.

Vào ngày 17/5 tại Glasgow, Scotland, Nữ hoàng Anh đã bắt đầu chuyến công du kéo dài ba tháng đến Vương quốc Anh. Một đám đông khổng lồ người dân đã đến để gặp bà, với khoảng 1 triệu người đến hạt Lancashire trong cùng một ngày. Nữ hoàng đã đến thăm tổng cộng 36 hạt trong suốt chuyến công du của mình. Theo lịch sử, chưa từng có bất kỳ một quốc vương nào khác có thể đến thăm nhiều nơi trong cùng một thời gian ngắn như vậy. Chuyến tham quan của Nữ hoàng đã kết thúc với bữa tiệc trong vườn tại Lâu đài Hillsborough ở Bắc Ireland.

Năm đó, Lời kêu gọi tổ chức Đại lễ kỷ niệm của Nữ hoàng Anh đã bắt đầu. Người dân có thể quyên góp tiền để ăn mừng năm thánh, và Nữ hoàng đã dành số tiền đó cho các dịch vụ hỗ trợ những người trẻ tuổi, và đặc biệt, khuyến khích họ làm việc phục vụ cộng đồng. Chương trình này cho đến nay vẫn còn tồn tại, với tên gọi The Queen's Trust.

Chuyến tham quan Khối thịnh vượng chung của Nữ hoàng Elizabeth II

Sau chuyến công du khắp Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth II đã đến thăm các quốc gia thành viên của Khối thịnh vượng chung, bao gồm các quốc gia phụ thuộc trước đây thời điểm đó vẫn còn duy trì quan hệ với Vương quốc Anh.

Chuyến tham quan Khối thịnh vượng chung của Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Grunge.
Chuyến tham quan Khối thịnh vượng chung của Nữ hoàng Elizabeth II. Ảnh: Grunge.

Trong chuyến công du này, Nữ hoàng đã đến thăm Australia, New Zealand, Canada và Fiji, cùng nhiều quốc gia khác. Tại New Zealand, Nữ hoàng đã thực hiện cùng một cuộc hành trình mà bà đã từng đi trong chuyến thăm năm 1953-1954. Trong chuyến thăm lần này, bà cũng đã mở Beehive, một văn phòng chính phủ liên bang mới của tòa nhà Quốc hội New Zealand, theo ghi chép của New Zealand History.

Tại Canada, bà đã đến tham dự một phiên khai mạc của Quốc hội và có một bài phát biểu, tương tự như ở Bahamas và New Zealand. Tại Scotland và Australia, bà đã có chuyến kiểm tra lực lượng quân đội.

Nữ hoàng Elizabeth II đã chọn một họa sĩ người Australia, Paul Fitzgerald, vẽ một bức chân dung của bà để kỷ niệm năm thánh. Trước đó, ông đã từng vẽ Giáo hoàng John, Hoàng tử Philip và Thái tử Charles.

Lễ kỷ niệm đầu tháng sáu

Lễ kỷ niệm chính của Đại lễ Bạc tại Vương quốc Anh diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/6/1977. Đại lễ chính thức được bắt đầu khi Nữ hoàng đốt lửa trại tại Lâu đài Windsor. Những ngọn lửa khác đã được thắp sáng trên khắp đất nước. Ngày hôm sau, Nữ hoàng đã đến Nhà thờ Thánh Paul (St. Paul) ở Gold State Coach để làm Lễ tạ ơn.

Lễ kỷ niệm chính của Đại lễ Bạc tại Vương quốc Anh diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/6/1977. Ảnh: Grunge.
Lễ kỷ niệm chính của Đại lễ Bạc tại Vương quốc Anh diễn ra từ ngày 6 đến ngày 9/6/1977. Ảnh: Grunge.

Sau đó, gia đình hoàng gia đã đi ăn trưa tại Tòa thị chính London. Nữ hoàng đã có một bài phát biểu, đồng thời nói với thị trưởng London: “Khi tôi 21 tuổi, tôi đã cam kết dành cả cuộc đời mình để phục vụ nhân dân của chúng ta và tôi đã cầu xin sự giúp đỡ của Chúa để thực hiện tốt lời thề đó. Tôi không hối hận và cũng không rút lại bất cứ lời thề nào”.

Thời gian còn lại trong ngày đối với người dân thường bận rộn hơn so với Nữ hoàng trong suốt Đại lễ. Trên khắp đất nước, các thị trấn và các vùng lân cận đều tổ chức những bữa tiệc linh đình để vinh danh Nữ hoàng. Chỉ riêng ở thủ đô London đã có khoảng 4.000 bữa tiệc. Đích thân Nữ hoàng đã trở lại Cung điện Buckingham cùng sự theo dõi qua màn ảnh của khoảng 500 triệu người.

Vào ngày 9/6 năm đó, Nữ hoàng đã có một chuyến đi xuống dòng sông Thames trong hành trình từ Greenwich đến Lambeth, London, tương tự như các chuyến đi bằng xà lan của Nữ hoàng Elizabeth I xuống sông.

Lịch sử của các Thánh lễ Hoàng gia

Hoàng gia Anh đã tổ chức các lễ kỷ niệm ít nhất kể từ năm 1376, khi Vua Edward III kỷ niệm 50 năm trên ngai vàng bằng một giải đấu kéo dài một tuần ở thủ đô London.

Giống như Nữ hoàng Elizabeth II, nhiều quốc vương đã đến tham dự các buổi Lễ tạ ơn tại Nhà thờ St. Paul ở thủ đô London như một phần lễ kỷ niệm Năm Thánh, bao gồm Vua George III, Vua George V và Nữ hoàng Victoria trong Đại lễ Kim cương của bà.

Đại lễ Bạc của Vua George V. Ảnh: Grunge.
Đại lễ Bạc của Vua George V. Ảnh: Grunge.

Một số quốc vương cũng đã xuất hiện công khai trên ban công của Cung điện Buckingham để đám đông công chúng có thể nhìn thấy họ trong lễ kỷ niệm. Nữ hoàng Elizabeth đã được chụp lại ở ban công Cung điện Buckingham khi mới 11 tuổi trong Đại lễ Bạc của ông nội bà, Vua George V. George V là quốc vương Anh đầu tiên được biết đến đã tổ chức Đại lễ Bạc kỷ niệm thời gian trị vì.

Nữ hoàng Victoria là người hoàng gia đầu tiên tổ chức Đại lễ Kim cương, và là người duy nhất ngoài Nữ hoàng Elizabeth II.

Kế hoạch cho Đại Lễ Bạch Kim của Nữ hoàng

Mặc dù Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng sẽ được tổ chức trong suốt cả năm, nhưng các sự kiện chính sẽ được diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 5/6. Lễ kỷ niệm sẽ bắt đầu với một cuộc diễu hành quân sự, được truyền hình trực tiếp và chiếu trên màn hình lớn ở Công viên St. James, thủ đô London, cho những ai không thể xem trực tiếp.

Gia đình hoàng gia sẽ xuất hiện trên ban công của Cung điện Buckingham. Theo đó, giống như trong các lễ kỷ niệm trước đây của hoàng gia Anh, mọi người sẽ thắp sáng các ngọn lửa trên khắp đất nước - tổng cộng hơn 1.500 - như một “biểu tượng thống nhất” của quốc gia.

Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Anh năm nay sẽ được tổ chức rất hoành tráng. Ảnh: Grunge.
Đại lễ Bạch Kim của Nữ hoàng Anh năm nay sẽ được tổ chức rất hoành tráng. Ảnh: Grunge.

Phần còn lại của lễ trong thời gian đó sẽ bao gồm Lễ tạ ơn truyền thống tại Nhà thờ St. Paul, một lễ đua ngựa có tên là Derby tại Epsom Downs, và Bữa tiệc Bạch Kim tại Cung điện sẽ có 22.000 người tham dự. Vào ngày cuối cùng của lễ kỷ niệm, mọi người trên khắp đất nước sẽ cùng tổ chức “Bữa trưa Năm Thánh” trong khu phố.

Sự kiện lớn cuối cùng sẽ là một cuộc thi hoa hậu “làm sống lại những khoảnh khắc mang tính biểu tượng từ thời trị vì của Nữ hoàng Anh”.

Mai Nguyễn (Theo Grunge)