Gia Lai: Đẩy mạnh nâng cao chất lượng dạy và học cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trang Nhung 17/05/2022 14:00

Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc quan tâm đến chính sách dân tộc, trong những năm qua tỉnh Gia Lai tăng cường đẩy mạnh những chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó chính sách về giáo dục - đào tạo là một chính sách quan trọng để nâng cao dân trí và đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thực tế cho thấy, các chính sách của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số phát triển.

Thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2021-2022 nhưng ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai vẫn tập trung việc nâng cao chất lượng dạy học ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đáng nói, mạng lưới các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, trường Phổ thông dân tộc nội trú, trường Phổ thông dân tộc bán trú đã được rà soát, đảm bảo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương. Tăng cường công tác huy động học sinh đến trường và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học trên địa bàn. Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo tăng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số ở cấp trung học cơ sở đi học đúng độ tuổi; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp, đảm bảo tỷ lệ học sinh chuyên cần, tiếp tục giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học vào dịp lễ, mùa vụ.

Trong những năm qua, tỉnh Gia Lai tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy và học ở các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi đáp ứng cơ bản yêu cầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 6 năm học 2021-2022.

Đồng thời thực hiện lồng ghép có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Song song với việc chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp theo chỉ đạo của Bộ GDĐT và UBND tỉnh.

Về công tác dạy và học, tỉnh tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù gắn với yêu cầu giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kĩ năng sống cho học sinh dân tộc thiểu số.

Bên cạnh việc tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, về bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc Việt Nam; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh; chú trọng rèn luyện cho học sinh ý thức và kỹ năng tự học hiệu quả. Phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể của huyện, thị xã, thành phố triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Công tác nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh cũng được các cơ quan quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định. Phối hợp với các cơ sở y tế của địa phương chăm sóc sức khỏe cho học sinh, chủ động, tích cực phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 và các tình huống bất thường khác.

Công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh được tỉnh Gia Lai triển khai đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019­-2025”. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong các trường Phổ thông dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú.

Đối với công tác dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục, các trường có lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số đã phân công giáo viên giảng dạy phù hợp với thực tiễn của đơn vị; hầu hết các trường đều phân công giáo viên dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo chế độ kiêm nhiệm. Chỉ một số ít trường có nhiều lớp học, nhà trường đã bố trí giáo viên chuyên dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số rất phấn khởi và tâm huyết vì chính họ đã giúp cho học sinh được học về tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình.

Một số giáo viên đã có sáng tạo trong quá trình giảng dạy, đầu tư nhiều thời gian cho việc soạn giáo án và tự làm đồ dùng dạy học, từ đó giáo viên dạy tốt tiếng dân tộc thiểu số như: Trường Tiểu học Ia Phí, huyện Chư Păh; Trường Tiểu học Hà Tây, huyện Chư Păh; Trường Tiểu học Nay Der, thành phố Pleiku; Trường Tiểu học Adơk, huyện Đak Đoa; Trường Tiểu học Lê Văn Tám, thị xã An Khê...

Còn về công tác quản lý giáo dục dân tộc, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu thực hiện nghiêm túc phân cấp quản lý về Giáo dục và Đào tạo theo các văn bản quy định hiện hành; đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo. Chủ động công tác kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn về quản lý các hoạt động giáo dục.

Học sinh trường PTDTNT THCS huyện Chư prông.

Trang Nhung