Bảo tàng, thay đổi để thành công
Số liệu thống kê của Bộ VHTTDL, cả nước hiện có 162 bảo tàng, trong đó có 126 bảo tàng công lập và 36 bảo tàng ngoài công lập và hiện đang lưu giữ hơn 3 triệu hiện vật phản ánh toàn diện về đất nước và con người Việt Nam trong tiến trình lịch sử.
Tuy nhiên, có một thực tế trong nhiều năm qua phần lớn bảo tàng hiện mới chỉ dừng lại ở nhiệm vụ lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ công tác nghiên cứu chứ chưa thật sự trở thành nơi học tập hoặc những điểm đến hấp dẫn du khách và gắn kết với các chương trình du lịch.
Hầu hết các tỉnh thành đều có nhiều hơn một bảo tàng song lượng khách tới bảo tàng ở nhiều địa phương chỉ đạt khoảng 10 nghìn lượt người mỗi năm, chủ yếu tập trung vào những dịp kỷ niệm. Cá biệt một số bảo tàng cả chục năm không đón đoàn khách tham quan nào và gián tiếp đã biến thành những “cái kho” lưu trữ hoặc trở thành những tụ điểm tổ chức sự kiện, đám cưới, nhà hàng ăn uống, quán cà phê… làm mất đi hình ảnh văn hóa vốn có.
Giới chuyên gia văn hóa cho rằng, nhìn chung hệ thống bảo tàng ở nước ta vẫn đang đang vận hành theo những cách làm xưa cũ. Nhiều bảo tàng chỉ quan tâm đến cái “vỏ” bên ngoài hoành tráng những lại quên đi nội dung bên trong. Bên cạnh đó, kinh phí hạn hẹp cũng là nguyên nhân để nhiều bảo tàng trở nên nghèo nàn, thiếu hấp dẫn.
Đơn cử như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam vốn là điểm đến yêu thích của thiếu nhi. Nhưng sau thành công ban đầu thì sau nhiều năm diện mạo, cảnh quan chung cho đến cách thức, hiện vật trưng bày của điểm đến này hầu như vẫn không có nhiều thay đổi.
Bên cạnh đó, dù là bảo tàng cấp quốc gia nhưng với diện tích khá khiêm tốn chỉ có 300m2, điểm đến này dường như chưa “thỏa mãn” nhu cầu tham quan của du khách.
Ngược lại, Bảo tàng Hà Nội có diện tích gấp 100 lần Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam thì nhiều năm nay vẫn đìu hìu vắng khách.
Còn Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô, nơi lưu giữ và giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu, giá trị của nền mỹ thuật nước nhà có lượng khách đến tham quan trung bình mỗi năm cũng rất thấp và 90% khách tham quan là các du khách nước ngoài.
Mặc dù vậy, trong “bức tranh” ảm đạm đó vẫn còn đó những điểm sáng.
Có thể kể đến như tour “Bác Cổ - mùa hoa gạo”, “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội” của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Thông qua các chương trình, các hiện vật trưng bày vốn “khô khan” đã trở nên đầy sức sống, thu hút người xem. Đặc biệt, việc ra đời các trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia, tham quan bảo tàng trực tuyến (tourday online), Giờ học lịch sử online… của Bảo tàng đã tạo nên một cách nhìn tích cực về bảo tàng.
Hay như Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm trong quần thể di tích Lăng Bác (Hà Nội) luôn là điểm đến thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước với khoảng từ 1 đến 1,5 triệu khách mỗi năm. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh), Bảo tàng Dân tộc học và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội) cũng được các chuyên trang du lịch uy tín xếp hạng cao...
Thực tế cho thấy, để bảo tàng hấp dẫn thì cần có sự thay đổi cả về tư duy lẫn cách vận hành của các nhà quản lý. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam, cần tránh chạy theo tư duy “ăn xổi” từ việc bán vé làm cản trở các hoạt động văn hóa hướng đến chất lượng cao.
Các hoạt động bảo tàng, các trưng bày mới rất cần được đầu tư bằng nhiều nguồn khác nhau của nhà nước, của các tổ chức xã hội, nhưng phải được kiểm soát kỹ về hiệu quả và chất lượng. Tiếc rằng hiện nay ngành văn hóa chưa xây dựng được cơ chế đầu tư thỏa đáng cho hoạt động bảo tàng.
Cũng theo ông Huy, nhiều bảo tàng trưng bày nhưng không tính đến mối quan tâm của xã hội, hiệu quả xã hội, tức là xem xét, đánh giá sau khai trương người ta có đến xem không.
Không thể chậm trễ hơn nữa, nhà nước cần xây dựng cơ chế mới để đầu tư cho hoạt động bảo tàng, như kiểu quỹ khoa học.
Cùng đó cần huy động kinh phí từ những nguồn, có cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho hoạt động văn hóa, trong đó có bảo tàng.