TP Hồ Chí Minh: Tiếp tục gỡ vướng cho cơ chế đặc thù
Nhiều ý kiến đánh giá, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và cơ chế tài chính không như mong đợi nên việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của TP HCM chưa thật sự đạt hiệu quả cao.
Vẫn còn một số hạn chế
Ngày 17/5, Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2022, phương hướng giải pháp các tháng cuối năm 2022.
Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội đã đạt được những kết quả bước đầu, một số đề án, chương trình, cơ chế đột phá đã được nghiên cứu, xây dựng tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong cả hệ thống chính trị thành phố. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND TP HCM, việc thực hiện Nghị quyết 54 vẫn còn một số hạn chế. Ảnh hưởng của đại dịch đã tác động không nhỏ đến tình hình triển khai Nghị quyết 54.
Nhận xét về hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của TP HCM, ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội thành phố cho biết: “Nghị quyết 54 - giai đoạn đầu triển khai khá tốt với hàng loạt chủ trương, chính sách, đề án đồng bộ. Nhưng hiện nay vẫn còn nhiều việc chưa làm được”.
Ông Nghĩa băn khoăn, tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết 54. Ví dụ, muốn tăng nguồn thu nhưng không được. Vậy, phải xem dịch Covid-19 có tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện Nghị quyết 54 hay không. Điều này cũng làm 1- 2 năm chứ không thể hiệu quả được ngay.
Ngoài tác động khách quan bởi dịch bệnh, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 54 chưa thật sự hiệu quả vì thiếu cơ chế tài chính. Lý giải về việc thiếu tài chính, lãnh đạo UBND TP HCM cho rằng, thành phố chưa có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư hạ tầng ngày càng gia tăng.
Hơn 4 năm qua, thành phố không phát sinh khoản thu tiền sử dụng đất khi bán các tài sản công của các đơn vị Trung ương ở thành phố. Do đó, thành phố chưa được hưởng 50% khoản tiền này để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng chưa có nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp các năm trước gặp một số vướng mắc.
Giải bài toán tài chính
Trước khó khăn về tài chính, để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 54, UBND TP HCM kiến nghị, Quốc hội tiếp tục giữ ổn định tỷ lệ điều tiết 21% cho giai đoạn 2022 - 2023 như năm 2022 (năm 2022 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương 2022 - 2025).
Trước kia, Trung ương kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, 2026 - 2030 là 26%. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định thông qua Nghị quyết số 40 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2022. Theo đó, so với năm 2021, tỷ lệ ngân sách để lại cho hành phố năm 2022 được điều chỉnh từ 18% lên 21%.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết, để giải bài toán tài chính thành phố kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ xem xét khi giao kế hoạch vay hàng năm cho thành phố. Cho phép thành phố được chủ động điều chuyển nguồn vay trong nước và nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong quá trình điều hành, đảm bảo trong tổng mức vay và mức bội chi ngân sách địa phương được giao.
Bởi vì, trong bối cảnh đẩy nhanh tiến độ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc huy động nguồn lực từ vốn đầu tư công là hết sức cần thiết, để tạo điều kiện cho thành phố huy động tối đa nguồn vốn vay. Đặc biệt là nguồn vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.
Với những dự án, công việc còn dang dở, đồng thời đảm bảo tính liên tục của các chính sách thành phố đã và đang thực hiện, thành phố kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Nghị quyết mới này bao gồm những nội dung kiến nghị thay thế Nghị quyết 93 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho thành phố; những cơ chế mà thành phố đang cần Trung ương hỗ trợ để phát huy tốt hơn lợi thế, tiềm năng của mình, trong đó có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức.
Kiến nghị ban hành một số luật mới hoặc xem xét ban hành một Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Trung tâm tài chính.