Nghệ nhân đất Cảng 'giữ lửa' tình yêu với nghề điêu khắc gỗ truyền thống
Từ một phiến gỗ vô tri, vô giác, nghệ nhân Đỗ Tiến Thân (66 tuổi, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động, đẹp mắt khiến người xem mê mẩn.
Gian nan giữ nghề
Giữa lòng thành phố “hoa phượng đỏ” phát triển mạnh mẽ và phồn vinh, người ta vẫn thấy bóng dáng của người nghệ nhân già cặm cụi giữ nghề bên từng khúc gỗ.
Dạo quanh con phố Chợ Hàng (phường Dư, hàng Kênh, thành phố Hải Phòng) hình ảnh in hằn trong tâm trí những người qua đường là một người đàn ông với vóc dáng gầy gò, cặm cụi, tỉ mẫn đẽo gọt những khúc gỗ.
Người đàn ông ấy không ai khác chính là nghệ nhân Đỗ Tiến Thân. Hơn 40 năm qua, vẫn góc chợ quen thuộc, ông miệt mài với từng khúc gỗ nuôi hi vọng gìn giữ nghề truyền thống tổ tiên để lại. Thời buổi nào cũng có những khó khăn riêng, nhất là đối với những môn nghệ thuật - những nghề cần sự chiêm nghiệm và tinh tế.
Thời bao cấp, ông Thân nhận phục chế đồ gỗ cũ với mong muốn nhỏ nhoi là đủ tiền duy trì đam mê điêu khắc của mình. Thu nhập thấp lại chẳng mấy người biết đến nghề khiến ông chật vật, thế nhưng bằng tình yêu với nghệ thuật mà ông Thân vẫn cố gắng theo đuổi đến bây giờ.
Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với nghề điêu khắc, ông nói: “Ngày xưa tôi khó khăn lắm, có mỗi cái búa với dùi đục để đẽo gọt chứ làm gì có nhiều dụng cụ như bây giờ. Công sức bỏ ra thì nhiều nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, tôi làm vì đam mê điêu khắc chứ thực sự nó khắc nghiệt lắm, thành ra ít người theo cái nghề này.
Có lẽ vì cha của ông đã sớm cho ông tiếp xúc với môn nghệ thuật này nên tiếng mài gỗ, đẽo gọt đã in sâu trong tiềm thức của người nghệ sĩ lớn tuổi. “Mỗi người trên đời này chỉ có một đích đến thôi, nếu tôi theo đuổi đến cùng thì chắc chắn tôi sẽ làm ra được những tác phẩm đẹp nhất, còn cứ nay theo nghề này, mai theo nghề khác thì chắc tôi chẳng nuôi sống nổi mình” - ông Thân chiêm nghiệm.
Căn nhà cấp 4 nhỏ nằm vỏn vẹn ở đầu một con ngõ ở khu phố Chợ Hàng (quận Lê Chân, TP Hải Phòng) là nơi để ông trưng bày những “đứa con” của mình. Trong căn nhà có phần cũ kĩ, ông dành những vị trí đẹp mắt, thu hút nhất để bày biện những “cổ vật” có giá trị. Hàng trăm tác phẩm điêu khắc từ gỗ do chính tay ông Thân tạo nên khiến người xem không thể rời mắt.
Một căn nhà ngổn ngang gỗ nhưng không trơ trọi, cách bày trí tưởng chừng là bừa bộn nhưng ẩn sâu trong đó lại là chất “phiêu” và phong cách nghệ thuật rất riêng của người nghệ sĩ.
Ngày xưa, người ta chẳng bao giờ dám nghĩ đến chuyện trưng đồ mỹ nghệ bởi cái ăn, cái mặc còn chưa no đủ. Ngày nay xã hội tiến bộ hơn, những người sùng bái nghệ thuật có đủ khả năng để tìm lại những nét văn hóa xưa cũ, trong đó có nghề điêu khắc gỗ truyền thống đã có từ lâu ở Việt Nam. Nếu ông Thân không giữ trọn tình yêu và cái tâm của người làm nghề thì thật khó để giữ nghề ở thời điểm hiện tại.
Khi thời đại của điêu khắc “lên ngôi” trở lại, ông Thân đã liên tục cho ra đời những tác phẩm mang đầy tâm huyết như: Phật Tổ Như Lai, 12 con giáp, những loài chim thú…
Mỗi tác phẩm lại mang đậm những dấu ấn và phong cách riêng, thể hiện sự khéo léo và cái tâm, cái tình của người nghệ sĩ với từng “đứa con tinh thần” mà ông dày công mài dũa mới có.
Đặt hết cái tâm trong từng tác phẩm
Đối với ông Thân, người nghệ nhân thực thụ phải là người vừa có tâm vừa có tầm, đặt hết đam mê và nhiệt huyết vào trong tác phẩm. “Một bức điêu khắc đẹp và hoàn hảo chỉ được tạo nên khi người làm hiểu rõ và hòa mình vào dòng chảy của cảm xúc, muốn nó đẹp trước hết mình phải có niềm say mê” – nghệ nhân Đỗ Tiến Thân nhận định.
Ngắm nhìn “lão nghệ nhân” đắm đuối với từng bức ảnh, con chữ trong tác phẩm “Uống rượu mời trăng” của cố nhà thơ Lý Thái Bạch, người ta mới cảm nhận được sự từng trải và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời của ông.
Ông kể rằng trước khi bén duyên khắc họa một nhân vật, ông đều phải ngắm rất kĩ dung nhan của họ để lúc điêu khắc hình thể mới cân đối. “Mình phải hiểu được con người của nhân vật thì cái tâm mình mới nhớ về họ, mới tạo ra được những đường nét chân thực nhất”, ông nói.
Xuất phát từ sự kính trọng và cảm phục những danh nhân tài hoa của cả Việt Nam và trên thế giới, nghệ nhân Đỗ Tiến Thân mới dày công nghiên cứu, khắc họa hình ảnh của họ. Rất nhiều những bức tượng gỗ về Bác Hồ kính yêu, nhà thơ Puskin, Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm… đều được ông đặt tâm huyết.
Với truyền thống 3 đời làm đồ gỗ mỹ nghệ và hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, hơn ai hết ông Thân sở hữu cho mình một “kho báu” tri thức về gỗ cùng những dụng cụ không phải ai cũng có.
Loại gỗ ông sử dụng để điêu khắc thường là những loại gỗ quý như: gỗ trắc, gỗ mun… Những dụng cụ dùng để dũa, đẽo, gọt là những dụng cụ do tự tay ông thiết kế hình dáng và kích thước rồi đặt mua nên chúng mang nét đặc trưng không ai có được.
Nói về quá trình điêu khắc, ông Thân cho biết ông không coi nhẹ bất kì công đoạn nào cho dù là dễ nhất. Ông quan niệm: “chi tiết nhỏ có thể làm nên tác phẩm lớn nên làm gì cũng phải hết sức cẩn thận và trau chuốt”. Nhìn bàn tay khéo léo cùng phong thái ung dung, khoan thai khi sáng tạo của ông, người ta không khỏi kính trọng và nể phục.
Ngoài đam mê điêu khắc gỗ, ông Thân còn rất thích sưu tầm đồ cổ, những vật dụng trong nhà hiếm có ngày nay. Nhìn quanh căn nhà của ông, người ta không thể rời mắt khỏi những đồ vật cổ như: đèn đồng, đàn violin, đồng hồ quả lắc… Đó là những “báu vật” tinh thần cũng như khối tài sản khổng lồ của nghệ nhân, của một đời làm nghệ thuật.
Những người dân sinh sống quanh con phố Chợ Hàng cũ không ai là không biết đến ông, họ đều tấm tắc khen ông có lòng thương người, sống đức độ và tâm hướng Phật. Bất kì ai nếu yêu thích nghệ thuật điêu khắc gỗ đều có thể tìm đến ông và được ông truyền nghề miễn phí, thậm chí nếu quá khó khăn ông còn giúp đỡ ăn ở và yêu thương như con cháu trong nhà.
“Những thanh niên chưa biết làm gì để kiếm tiền mà lại yêu thủ công, nghệ thuật đến với tôi đều được bao bọc và dạy nghề miễn phí. Tôi nghĩ là con người sống ở đời nên từ bi hỉ xả, những nghề ít người biết đến tôi lại càng phải nhân rộng nó ra chứ giữ cho riêng mình thì bao giờ mới phát triển được” – người nghệ nhân bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Thân chỉ dạy nghề cho những người thực sự yêu thích và muốn gắn bó với điêu khắc. “Nếu người ta đến chỉ vì thấy lạ, chắc chắn dạy xong họ cũng chẳng học được gì, rất lãng phí thời gian và công sức. Những người đến với tôi không chỉ vì cơm ăn áo mặc, mà còn bởi tình yêu người, yêu nghề nữa” – ông nói.
Hàng ngày lặng lẽ bên căn nhà cấp 4 đã cũ, nghệ nhân Đỗ Tiến Thân vẫn cặm cụi “thổi hồn” cho những khúc gỗ tưởng chừng như vô tri, vô giác ở thế giới ngoài kia. Chính cái tâm, cái tầm của người nghệ sĩ mang tình yêu đặc biệt với điêu khắc gỗ đã mang đến những cảm xúc yên bình cho bất kì khách hàng nào ghé đến.