'Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta...'
Năm 1970, một năm sau ngày Bác mất, nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ “Theo chân Bác”. Đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ có đoạn: “Như đỉnh non cao tự giấu hình/Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh/Bác mong con cháu mau khôn lớn/Nối gót ông cha, bước kịp mình”. Hôm nay, kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại càng nhớ về Người.
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969, có đoạn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử (...). Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Suốt đời học tập đạo đức, tác phong của Người, bồi dưỡng phẩm chất cách mạng, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh, rèn luyện mình thành những chiến sĩ trung thành với Đảng, với dân, xứng đáng là đồng chí, là học trò của Hồ Chủ tịch... mang lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.
Những năm qua, Trung ương Đảng đã phát động Cuộc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hết lòng hưởng ứng. Người là một vĩ nhân, là kết tinh của tinh hoa dân tộc với những phẩm chất tuyệt vời, học được theo Người không phải dễ. Nhưng với những việc rất cụ thể từ những việc hàng ngày lúc sinh thời Người vẫn làm, chúng ta cũng có thể học Bác để hoàn thiện mình hơn.
Ở đây, xin được nói về việc tự học ngoại ngữ của Người.
Thuở thiếu thời, nước mất nhà tan, Người cũng như dân tộc Việt Nam sống trong đêm trường nô lệ. Thực dân đô hộ áp dụng chính sách “ngu dân” để dễ bề thống trị dân tộc ta. Năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống tàu Pháp ra đi tìm đường cứu nước. 30 năm bôn ba nước ngoài, năm 1941 Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đánh đổ thực dân, phong kiến lập nên nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 của Người (tổ chức từ ngày 25/7 đến ngày 21/8/1935 tại Matxcơva, Liên Xô), ghi rõ: “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha”. Chưa hết, trong những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, Người còn sử dụng khá nhiều ngoại ngữ khác như: Tiếng Thái Lan, Ả Rập...
Sau này, với băng ghi âm Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, phóng viên còn ngỡ ngàng hơn trước sự thông tuệ của Người khi trò chuyện trực tiếp không cần qua phiên dịch. Cũng thật vô cùng khâm phục khi Người làm thơ bằng tiếng Hán, điều không thể làm được nếu không nắm chắc ngôn ngữ ấy.
Vậy, để có được khối tài sản ngôn ngữ đa dạng ấy, Người học lúc nào? Câu trả lời chính là ý thức tự học, học bất cứ lúc nào, bất cứ đâu, học không ngừng nghỉ. Rời đất nước ra đi với hai bàn tay trắng cùng vốn tiếng Pháp ít ỏi học được từ trong nhà trường, Bác đã làm nhiều công việc cực nhọc để có tiền nuôi sống bản thân. Nhưng điều kiện sống khó khăn không làm giảm đi khát khao tìm tòi, học hỏi của Người. Người học từ trong công việc hằng ngày, từ những người xung quanh mình.
Theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, từng là phiên dịch viên cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước thì Bác Hồ cho đến khi ngoài 70 tuổi vẫn còn chăm học ngoại ngữ. Bác học mọi nơi, mọi lúc có thể. “Cả đời tôi gặp biết bao nhiêu người nhưng chưa thấy ai chăm học ngoại ngữ như Bác Hồ cả”- nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan thán phục.
Khả năng ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh là thiên bẩm nhưng cũng là kết quả của một quá trình khổ luyện với một ý chí quyết tâm không mệt mỏi. Đáng chú ý, thông thạo nhiều thứ tiếng trên thế giới như vậy nhưng Bác luôn nêu cao ý thức trân trọng, giữ gìn tiếng nói của dân tộc mình.
Tại Đại hội lần thứ ba Hội nhà báo Việt Nam ngày 8/9/1962, Người căn dặn: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quí báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quí trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”.
Trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như ngày nay cũng như trong cuộc sống, chỉ một việc tự học ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã là bài học vô cùng quý giá. Để kết thúc, xin được dẫn thêm một câu nữa trong bài thơ “Theo chân Bác” của nhà thơ Tố Hữu: “Trời bỗng xanh hơn, nắng chói loà/Ta nhìn lên Bác, Bác nhìn ta...”.