Vinh quang con đứng bên Người...

Giang Vương 19/05/2022 07:20

Chúng tôi tìm đến nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước trong những ngày cả nước kỷ niệm 132 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; để nghe ông kể về nhạc phẩm: Chúng con bên giấc ngủ của Người.

Chiến sĩ Đoàn 275 thực hiện ca gác tại Lăng Bác. Ảnh: Nguyễn Sơn.

Ca khúc của một người lính trẻ

Trong căn gác đầu làng Phùng Khoang (Nam Từ Liêm, Hà Nội), sau cái bắt tay và nụ cười ngượng nghịu nhạc sĩ nói: “Mình mới chuyển về đây được hơn năm, thiếu bàn tay phụ nữ nên bề bộn quá, nhà báo thông cảm nhé”.

Rồi vừa pha ấm trà, tác giả của tác phẩm “Chúng con bên giấc ngủ của Người” vừa tâm sự: Năm 1976, Trung sĩ Nguyễn Đăng Nước được nghỉ phép về quê thăm nhà.

“Lúc ấy, tôi được ghé qua Hà Nội thăm nơi làm việc của bố tôi là ông Nguyễn Đăng Chè, đang là cán bộ Cục Bảo vệ an ninh kinh tế Tổng cục An ninh, Bộ Công an. Thời điểm này đơn vị của bố tôi đang bảo vệ xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Được tận mắt chứng kiến công việc thiêng liêng của cha cũng như đồng chí, đồng đội của ông, cảm xúc vừa dồn nén vừa dâng trào trong tâm tư chàng lính trẻ.

“Khi trở về khu tập thể của Bộ Công an tại ngõ Chiến Thắng, đường Khâm Thiên (Hà Nội) bây giờ, tôi bắt tay vào viết lời một cho bài hát. Tựa đề “Chúng con bên giấc ngủ của Người” - nhạc sĩ Đăng Nước nhớ lại.

Lời một của bài hát cứ thế tuôn trào, đến tận ngày hôm sau, khi trở về quê thuộc huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, ông tiếp tục viết tiếp lời hai. “Mạch nguồn cứ thế tuôn trào. Cảm xúc lắm các chú ạ” - nhạc sĩ cho hay.

Khi trở lại Hà Nội, chàng lính trẻ quê Phố Hiến mang bản thảo đến Báo Công an nhân dân và hát cho cán bộ trong phòng nghe. Mọi người nghe xong xúc động và khen lắm.

Nhạc phẩm “Chúng con bên giấc ngủ của Người” của nhạc sĩ trẻ Nguyễn Đăng Nước được dàn dựng và lên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, qua giọng hát của ca sĩ Hữu Nội và Trần Thụ.

“Lúc này tôi đã trở lại đơn vị. Trong giờ nghỉ, nghe bài hát của mình từ Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên, xúc động và tự hào lắm” - ông nhớ lại.

Ngay sau khi lên sóng, bài hát nhanh chóng được nhân dân đón nhận và đi vào từng nhà, từng người.

“Cũng từ đó tôi được điều về làm việc tại Phòng Văn nghệ, Cục Công tác chính trị thuộc Tổng cục 3, Bộ Công An” - nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước nói.

Lý giải về việc tại sao bài hát lại xuất hiện với hai cái tên khác nhau là “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” và “Chúng con bên giấc ngủ của Người”? nhạc sĩ cho biết, lúc đầu ông đặt tên cho bài hát là “Chúng con canh giấc ngủ cho Người”.

Tuy nhiên, khi nhà văn Lê Tri Kỷ (lúc đó là Trưởng phòng Văn nghệ, Cục Công tác chính trị, Tổng cục 3, Bộ Công an) đã góp ý rằng: “canh” là những từ sẽ dành cho thời kỳ vua, chúa đối với những người lính. Còn “bên” sẽ gần gũi, quý trọng và thân thương hơn, tựa như người cha với người con. Tôi đã tiếp thu và sửa lại tên bài hát thành “Chúng con bên giấc ngủ của Người”.

Cùng với đó, nhạc sĩ Văn Dung (Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ) góp ý thêm sửa câu “Bác đang trọn giấc mơ” thành “Bác chưa trọn giấc mơ”. Vì khi Bác mất, giấc mơ giải phóng dân tộc, thống nhất hai miền Nam - Bắc chưa thành”, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước cho biết.

Nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước.

Đừng bao giờ quên lịch sử...

Trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi, nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước xúc động khi nhớ về người cha của mình: “Ngay từ khi còn bé, tôi được bố rèn cho tính tự lập vì bố vắng nhà thường xuyên, chỉ có mẹ và mấy anh chị em”.

Ông cho biết, năm 3 tuổi đã theo những người lớn tuổi trong làng ra đình gõ mõ, gõ phách cho đội chèo. 8 tuổi đã đọc hết cả kho sách trong nhà. Và đến năm 10 tuổi đã bắt đầu cảm nhận và sáng tác những đoạn nhạc ngắn.

“Mỗi lần bố từ đơn vị về thăm nhà, rồi được ngồi “hóng” chuyện của bố với những vị lão thành cách mạng, tôi chẳng bỏ sót chuyện gì. Càng nghe, càng cuốn hút, nhất là những chuyện về Bác Hồ. Có lẽ vì thế mà ai cũng bảo tôi già trước tuổi, có những suy nghĩ như một ông già” - nhạc sĩ chia sẻ.

Trong niềm xúc động khi nhắc về người bố của mình, ông nói: “Trong ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” tôi viết bằng cả trái tim, trí tuệ thì bố của tôi cũng đã dành cả một đời cống hiến cho Lực lượng Công an nhân dân. Việc trực tiếp bảo vệ, xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bảo tàng Hồ Chí Minh của cha tôi đã đánh thức ca từ trong trái tim tôi”.

Ông kể, khi còn bé và kể cả sau này, khi đã khoác trên mình chiếc áo lính, hình ảnh bố là một người thanh liêm, trọn đời cống hiến cho đất nước càng thúc đẩy ông trên mỗi bước đường sau này.

“Bố thường dậy tôi phải biết kính trọng những cán bộ lão thành, biết chia sẻ và ghi nhớ những người đã hy sinh cho nền độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước. Và cũng dạy tôi đừng bao giờ quên lịch sử. Nếu không có sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh thì tôi không thể có ngày hôm nay”.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, ngoài người cha là cụ Nguyễn Đăng Chè, ông không thôi nhắc đến người mẹ.

“Mẹ tôi là nông dân thực thụ, cả một đời tần tảo, chịu thương, chịu khó chăm chồng, nuôi con mà không hề nghĩ cho bản thân. Đã nhiều có lần tôi tá hỏa khi mẹ chèo lên mái nhà lợp lại mái rạ và bà đã bị ngã chảy máu. Đau xót lắm, thương mẹ xé lòng” - nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước kể.

Và những cảm xúc ấy cộng với những hình ảnh trải qua trong chiến trường, ông đã viết tới 12 ca khúc về mẹ, trong đó rất đặc biệt là ca khúc “Mẹ nằm nghiêng”.

“Ca khúc "Mẹ nằm nghiêng” tôi viết trong vòng 30 phút. Khi đọc bài thơ cùng tên của Thiếu tướng Phạm Văn Thạch, nguyên Cục trưởng X15, Bộ Công an, tôi nhớ mẹ, nhớ đến da diết và tôi đã không kìm được cảm xúc khi đọc đến câu cuối: Mẹ của con ơi, mẹ Việt Nam ơi/ Nghiêng cả đất trời, vì con, tôi đã òa khóc như một đứa trẻ” - nhạc sĩ kể.

Tháng 5 về, trên căn gác trọ vỏn vẹn 20 mét vuông, ngồi nghe nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước đàn và hát những giai điệu quen thuộc, hào hùng nhưng ấm áp “Vinh quang con đứng bên người/ Canh cho Bác ngủ ngon giấc/ Trên môi như Bác vẫn cười/ Bác vui vì khắp non sông/ Cháu con trở về sum vầy…”, lại rưng rưng nhớ về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc kính yêu!

Giang Vương