Những bãi rác tự phát tại chung cư
Tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng tiếp tục tái diễn tại một số khu chung cư ở Hà Nội khiến người dân vô cùng bức xúc.
Sân chơi chung cư thành “bãi rác”
Suốt nhiều ngày nay, người dân sống tại Chung cư N06B1 - Khu đô thị mới thuộc phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) không khỏi bức xúc khi bỗng nhiên hàng chục mét vỉa hè phía dưới chung cư trở thành nơi tập kết phế liệu xây dựng và rác thải sinh hoạt.
Từng bao tải phế liệu được chất đầy la liệt phơi mưa phơi nắng tại đây đã nhiều ngày nhưng phía ban quản lý (BQL) vẫn không có phương án xử lý khiến cảnh quan trở nên nhếch nhác, bẩn thỉu.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, ngoài phế liệu xây dựng, nơi đây cũng trở thành “điểm đến” của rác thải sinh hoạt, nhiều mảnh kính vỡ cỡ lớn cũng sẵn sàng giăng bẫy người đi đường.
Là một trong những hộ dân sống tại chung cư N06B1, bà Trần Thị Hoa bức xúc: “Việc sửa chữa, xây dựng tại tòa nhà khiến một lượng lớn phế liệu xây dựng được tập kết ngay dưới sân chung cư mà không được vận chuyển ngay. Tập kết lâu ngày biến khu vực sân chơi, vỉa hè gần như trở thành bãi rác tự phát, nhiều người vô ý thức cũng nhân tiện mang rác thải sinh hoạt đổ trộm tại đây rất mất mỹ quan”.
Cũng theo bà Hoa, việc rác thải tập kết tự phát tại đây khiến không ít cư dân lo ngại, nhất là đối với an toàn của trẻ nhỏ khi vui chơi ở khu vực này.
Đại diện BQL toà nhà thừa nhận, trong quá trình sửa chữa, lát lại sàn của chung cư đã không di chuyển phế liệu đi ngay mà tận dụng vỉa hè để tập kết nhằm tiết kiệm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đơn vị vận tải đến di chuyển lượng phế liệu này, nhiều người dân vô ý thức đã đổ trộm cả rác thải sinh hoạt, biến nơi đây thành một bãi rác tự phát.
Đại diện BQL chung cư này cũng cho biết, sẽ sớm tiến hành dọn dẹp, xử lý dứt điểm điểm tập kết này, trả lại không gian và cảnh quan cho toà nhà, tránh gây bức xúc đối với người dân.
Tình trạng đổ trộm, tập kết tự phát rác thải, phế liệu xây dựng tại Hà Nội không phải là câu chuyện mới. Thế nhưng, đáng nói là ngoài việc tập kết tại các khu đất trống, đất bỏ hoang hay các đoạn đường vắng thì tình trạng các bãi rác tự phát này còn ngang nhiên xuất hiện gần các chung cư.
Cũng tại quận Cầu Giấy, dẫn vào chung cư B3A Nam Trung Yên, ngay lối vào đoạn đường Mạc Thái Tổ đã xuất hiện một điểm tập kết phế liệu và rác thải sinh hoạt. Đáng nói, đoạn đường này cách đây 1 tháng cũng từng là “điểm đen” về tập kết rác thải tự phát. Việc dọn dẹp và xử lý bãi rác dài cả vài trăm mét này cách đây chưa lâu thì nay lại manh nha tái diễn.
Có cửa hàng kinh doanh ngay dưới sảnh chung cư, chị Nguyễn Thu Nga không khỏi bức xúc khi mỗi ngày mở cửa lại thấy rác chất thành từng đống. Chị Nga cho biết, mới đây đoạn đường này được dọn dẹp sạch sẽ sau khi báo chí phản ánh nhiều về tình trạng ô nhiễm, thế nhưng cách đây không lâu lại tiếp tục tái phát tình trạng đổ trộm rác thải tại đây.
“Việc đổ trộm diễn ra vào tối, đêm và sáng sớm nên không ai phát hiện ra. Chủ yếu là phế thải bỏ đi từ quá trình phá dỡ, thi công nhà cửa của người dân hoặc công trình. Cư dân cũng bức xúc nhưng cũng không thể làm gì vì chưa từng bắt được trường hợp nào vi phạm”, chị Nga cho hay.
Tương tự, tại chung cư A14 Nam Trung Yên, phần sân rộng của một vài toà nhà vẫn đang bỏ hoang cũng trở thành “điểm đen” tập kết rác thải. Do không có người dân sinh sống cũng như quản lý lỏng kẻo nên các đối tượng thản nhiên tận dụng không gian này như một bãi rác lộ thiên.
Không để tái diễn
Việc liên tục tái diễn tình trạng đổ trộm, tập kết rác thải trái phép thời gian qua tại nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội không khỏi khiến dư luận bức xúc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương dường như vẫn chưa tìm ra được biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.
Theo đó, tại nhiều điểm tập kết rác thải, UBND các phường đều treo biển cấm đổ rác kèm theo mức xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, những biển cảnh báo này hầu như không phát huy tác dụng khi mà biển treo chỉ để “cho có”.
Nhiều nơi than “khó” trong quá trình phát hiện, xử lý bởi tình trạng đổ trộm rác thải diễn ra chủ yếu vào ban đêm, trong khi lực lượng chức năng mỏng, không đủ người để thực hiện kiểm tra, xử phạt…
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, việc quản lý, giám sát môi trường đã được quận tăng cường triển khai trong thời gian gần đây, giải quyết được một số điểm tập kết rác thải tự phát trên địa bàn. Việc việc này sẽ làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở cũng như đơn vị thu gom rác thải tại nơi đó.
Theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, việc để tái diễn tình trạng đổ trộm rác thải sinh hoạt, phế liệu liệu xây dựng theo kiểu “dập chỗ này lại bùng chỗ khác” là khó có thể chấp nhận. Điều đó cho thấy việc xử lý mới chỉ nằm ở phần ngọn.
“Công tác kiểm tra, giám sát cần được tăng cường hơn nữa, đặc biệt là tại chính quyền cơ sở. Phát hiện ở đâu, phải có biện pháp kiểm tra, xử lý ngay tại đó. Ngoài ra, cũng cần làm rõ trách nhiệm của cán bộ phụ trách ở từng địa phương để xảy ra tình trạng liên tục tái diễn mà không xử lý triệt để”.
Mỗi người dân phải là một camera giám sát
PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng đặt câu hỏi: Cảnh sát khu vực, công an và chính quyền địa phương ở đâu trong khi những bãi rác tự phát ngay tại những chung cư gây bức xúc không nhỏ cho cộng đồng cư dân? Việc đổ trộm và tập kết rác thải trái phép không chỉ gây mất cảnh quan đô thị, làm nhếch nhác không gian xanh của thành phố mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân, gây ra tâm lý khó chịu, bức bối với những người sống xung quanh khu vực đó. Chính quyền có các biện pháp xử lý nhưng chặn chỗ này lại nảy sinh chỗ khác thì cần xem xét lại cách làm đã thực sự hiệu quả hay chưa.
Bà An cũng đề nghị phải làm chặt ngay từ cơ sở, làm rõ và xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương và công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng. Việc tăng cường tuần tra, kiểm tra vào ban đêm trong một thời gian nhất định là không khó, chỉ có như vậy mới xử lý được dứt điểm, tăng tính răn đe cho những hành vi tương tự.
Ngoài ra, người dân cũng cần tăng cường tính giám sát, phản biện của mình, sẵn sàng báo cáo nếu phát hiện những địa điểm tập kết rác thải tự phát, hành vi đổ trộm rác thải diễn ra trên địa bàn. Mỗi người dân phải là một camera giám sát. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cũng nên được đẩy mạnh để nâng cao ý thức người dân trong việc giữ gìn môi trường và bảo vệ cảnh quan thành phố.