Chờ đợi chuyến tàu mang 'nguồn nước hy vọng' giữa thảm họa nắng nóng tại Ấn Độ
Có một chuyến tàu đặc biệt mang nguồn nước quý giá đến những người dân đang hứng chịu đợt nắng nóng ở bang Rajasthan, Ấn Độ - những người dành hàng giờ đồng hồ mỗi ngày để chờ đợi.
Chuyến tàu hy vọng
Hàng ngày, Afroz đều phải nghỉ học để dành hàng giờ đồng hồ đứng nơi sân ga với một chiếc xe đẩy chất đầy thùng chứa, chờ đợi một chuyến tàu đặc biệt mang theo nguồn nước quý giá đến với những người dân đang phải hứng chịu đợt nắng nóng khắc nghiệt chưa từng thấy ở bang Rajasthan, Ấn Độ.
Nhiệt độ tại khu vực này thường xuyên vượt quá ngưỡng 45 độ C, nhưng năm nay, thời tiết nắng nóng đến sớm được nhiều chuyên gia cho rằng, đây là bằng chứng quan trọng cho thấy, biến đổi khí hậu đang đẩy cuộc sống của hơn 1,4 tỷ người dân Ấn Độ đến giới hạn chịu đựng.
“Thời tiết ở đây luôn rất nóng và chúng cháu luôn phải vật lộn để có nước sử dụng”, cô bé Afroz, 13 tuổi, chia sẻ trong khi chờ chuyến tàu đặc biệt ở quận Pali lần thứ hai trong ngày.
Hơn ba tuần nay, đoàn tàu 40 toa - chở khoảng 2 triệu lít nước - chính là nguồn cung cấp nước duy nhất cho hàng nghìn người dân trong huyện.
Mỗi ngày, hàng chục người - chủ yếu là phụ nữ và trẻ em - chen lấn với những chiếc thùng nhựa màu xanh và chậu kim loại để hứng đầy nước từ đoàn tàu màu xanh.
Trước đó, nguồn nước thường được chuyển đến Pali bằng tàu hỏa, nhưng theo các quan chức đường sắt địa phương, tình trạng thiếu hụt năm nay đã ở mức nghiêm trọng đến mức họ đã phải bắt đầu sớm từ tháng 4.
Các toa xe – được chất đầy nước từ Jodhpur, cách đó khoảng 65 km từ những bể chứa xi măng, sau đó nước được đưa đến nhà máy xử lý để lọc và phân phối.
Nhưng đối với gia đình Afroz và nhiều cư dân khác như họ, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nếu họ được đón nhận nguồn nước một cách trực tiếp từ các bể chứa, mặc dù nước thậm chí chưa được xử lý.
Việc những đứa trẻ trong gia đình nhiều lần trốn học để đi hứng nước từ các đoàn tàu chính là điều khiến các bậc phụ huynh đau đầu nhất.
“Chúng tôi không thể để người trụ cột trong gia đình đi lấy nước. Nếu không, chúng tôi sẽ không có cả thức ăn và nước uống”, Noor Jahan, mẹ của Afroz, nói khi đổ đầy một chiếc nồi nhôm nước.
“Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến việc học của con tôi, nhưng tôi phải làm gì đây? Tôi không thể tự mình chở hết những thùng nước này”, cô thở dài.
Giới hạn của sự chịu đựng
Hàng trăm triệu người dân ở khu vực Nam Á hiện đang phải hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục từ đầu mùa hè trong những tuần gần đây, trong đó Ấn Độ đã chứng kiến tháng 3 nóng nhất trong hơn 120 năm qua.
Tại Ấn Độ và Pakistan, “các đợt nắng nóng gay gắt hơn với thời gian dài hơn và xảy ra với tần suất cao hơn tiếp tục được cảnh báo”, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho biết trong một báo cáo mang tính bước ngoặt gần đây.
Ông Petteri Taalas, người đứng đầu Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết, tác động của sóng nhiệt đối với sản lượng nông nghiệp, nguồn nước, năng lượng và các lĩnh vực khác là quá rõ ràng trong khoảng thời gian này.
Mới đây, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì – một bước đi cần thiết để giúp lấp đầy khoảng thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine, và một phần do cây trồng bị héo vì nhiệt.
Cùng với đó, độ ẩm và nhiệt độ cao còn có thể tạo ra hiện tượng ‘nhiệt độ bầu ướt’ đến mức, việc đổ mồ hôi không còn giúp hạ nhiệt cho con người mà sẽ có khả năng giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh chỉ trong vòng vài giờ.
“Tôi đã phải đi ba chuyến từ nhà của mình trong vòng một giờ qua. Và tôi là người duy nhất có thể làm điều đó”, Laxmi, một phụ nữ khác đang đi lấy nước, chỉ vào những vết nứt trên bàn chân của mình, nói.
“Chúng tôi không có đường ống dẫn nước trực tiếp đến nhà và không khí ngoài trời thực sự rất nóng”.
Vào năm 2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khởi động Sứ mệnh Jal Jeevan (Cuộc sống nước) đầy tham vọng, hứa hẹn sẽ kết nối vòi chức năng cho tất cả các hộ gia đình ở vùng nông thôn Ấn Độ vào năm 2024.
Nhưng cho đến nay, chưa đến 50% dân số Ấn Độ được tiếp cận với nguồn nước uống an toàn, theo UNICEF, với 2/3 trong số 718 quận của Ấn Độ bị ảnh hưởng bởi “tình trạng cạn kiệt nguồn nước nghiêm trọng”.
Xa hơn một chút từ Pali, ông Shivaram, 68 tuổi, đi bộ trên nền đáy nứt nẻ của một cái ao khô cạn ở làng Bandai, cùng chiếc khăn xếp màu hồng sáng bảo vệ đầu khỏi cái nắng thiêu đốt.
Cái ao - nguồn cung cấp nước chính cho cả cư dân và động vật của cư dân tại đây - đã khô hạn trong gần hai năm vì lượng mưa thấp. Mai của những con rùa chết rải rác trên lớp bùn nứt nẻ.
“Cuộc sống của những người nông dân như chúng tôi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, Shivaram nhấn mạnh. “Một số động vật của chúng tôi cũng đã chết”.