Bất thường trong cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh, chuyên gia nói nên dừng tổ chức
Với mục đích ý nghĩa là khuyến khích học sinh tìm tòi, sáng tạo khoa học nhưng sau nhiều năm tổ chức với nhiều lùm xùm xung quanh các đề án đoạt giải, nhiều ý kiến cho rằng nên dừng việc tổ chức các cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm nay kết thúc với 12 giải Nhất, 15 giải Nhì, 17 giải Ba, 27 giải Tư và 23 giải Triển vọng ở tất cả các lĩnh vực đăng ký dự thi.
Đọc các dự án đoạt giải và 7 dự án Việt Nam gửi tham gia Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế ISEF 2022, giới chuyên gia đều rất bất ngờ khi những dự án nghiên cứu này đều được thực hiện bởi học sinh phổ thông. Bởi các dự án như trên đòi hỏi kiến thức chuyên sâu từ bậc thạc sĩ trở lên, được thực hiện công phu, tốn công tốn sức và rất tốn kém.
Không chỉ đến bây giờ, dư luận mới quan tâm tới các dự án của học sinh tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật. Hàng chục năm qua, nhiều dự án đoạt giải từ cuộc thi này cũng được giới chuyên gia, dư luận chỉ ra những điểm bất thường như: vượt quá tầm học sinh phổ thông, tương đương luận án tiến sĩ, thậm chí có dấu hiệu sao chép từ các đề tài trước đó.
Có thể nhắc đến năm 2019, nhiều người đã gửi đơn kiến nghị Bộ GDĐT thẩm định lại những đề tài bị cho là trùng lặp, sao chép, tuy nhiên kết quả vẫn không thay đổi. Chủ nhân của các đề tài này vẫn được khen thưởng từ các cấp, các ngành và nhiều học sinh được tuyển thẳng vào đại học.
Nên bỏ tiêu chí tuyển thẳng đại học với các thí sinh đoạt giải
Trao đổi với phóng viên, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải – người được mệnh danh là “ông già Ozon” bày tỏ bất bình vì những ồn ào xung quanh các cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh phổ thông. Cách đây 2 năm, ông Khải đã lên tiếng đề nghị Bộ GDĐT dừng tổ chức thi học sinh sáng tạo khoa học kỹ thuật.
TS Nguyễn Văn Khải từng dự cuộc thi này từ năm 2012. Chuyên gia này nghi ngờ, chủ nhân của nhiều đề tài dự thi không thể là học sinh phổ thông. Hơn nữa, hầu hết các đề tài đều không ứng dụng được.
Ông Khải nhắc đến một đề tài mà có tới 18 trường phổ thông nhờ ông hướng dẫn. Đáng suy ngẫm là, học trò không hiểu biết gì cả nhưng lại muốn dự thi giải quốc gia.
TS Khải cho rằng, hiện nay chương trình phổ thông năng về kiến thức, chưa chú trọng thực hành, thực nghiệm nên học sinh phổ thông không có điều kiện, không dễ dàng thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ kiến thức phổ thông.
Chuyên gia nhìn nhận, sáng tạo của con người là vô cùng, xã hội phát triển cũng nhờ ứng dụng sáng tạo. Thế hệ sau nên lĩnh hội những sản phẩm sáng tạo của những người đi trước. Vì thế, theo ông Khải, việc thu thập ý tưởng, công nghệ mới của học sinh, sinh viên là điều nên làm, tuy nhiên không phải là tổ chức cuộc thi như hiện nay.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Văn Khải cũng cho rằng, Bộ GDĐT cũng nên bỏ tiêu chí tuyển thẳng đại học với các thí sinh đoạt giải trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia để tránh những tiêu cực liên quan tới cuộc thi này.
“Bộ Khoa học công nghệ chứ không phải Bộ GDĐT nên hằng năm tuyển tập thu thập tất cả những sáng kiến, biện pháp hữu ích, sáng chế, phát minh để có thể chuyển giao công nghệ”, TS Nguyễn Văn Khải nhấn mạnh.
Khả năng học sinh nghiên cứu khoa học vô cùng hãn hữu
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) ví học sinh thi sáng tạo nghiên cứu khoa học như người nặng 40 cân thi cử tạ hạng vài tạ, để chỉ ra điều vô lí trong các đề tài đoạt giải của các cuộc thi này.
Từng làm nghiên cứu rất nhiều đề tài, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật không hề dễ dàng, đòi hỏi phải có phương tiện, thiết bị, điều kiện thực nghiệm và rất tốn kém từ trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Thế nên, xem những đề tài được công bố của học sinh, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhận xét, nhiều thầy cô giáo còn khó có thể thực hiện được chứ không nói là học sinh phổ thông. Bởi hiện nay, học sinh ở các trường phổ thông gần như học “chay”, ít có điều kiện thực hành, thực nghiệm, kể cả những thí nghiệm đơn giản mang tính chất củng cố kiến thức.
Chuyên gia này khẳng định, những đề tài nghiên cứu khoa học kỹ thuật tầm cỡ đến thầy còn không đủ sức thực hiện thì khả năng học sinh nghiên cứu khoa học vô cùng hãn hữu. Trong khi chương trình phổ thông nặng về kiến thức, thi cử thì các em lấy đâu ra thời gian để nghiên cứu?
“Lây nay, ngành giáo dục luôn kêu gọi chống bệnh thành tích nhưng thực tế toàn ngành vẫn cứ lao theo thành tích. Một cuộc thi cho học trò mà các dự án không thực chất là của các em sẽ tạo cho học sinh một ý thức hư, hợm hĩnh trong học tập. Tôi cho rằng, Bộ GDĐT nên dừng tổ chức cuộc thi như thế này. Thay vào đó là thay đổi phương thức giảng dạy và học tập để các em trưởng thành trở thành một công dân lành mạnh”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.
"Nhiệm vụ của học sinh là học chứ không phải nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tôi giờ đã 75 tuổi nhưng tôi có khả năng, điều kiện để giúp đỡ các cháu, các bậc đàn em thí nghiệm, hoàn thành các nghiên cứu sáng tạo. Nên tôi rất mong muốn Bộ GDĐT cho thực nghiệm lại các dự án thi khoa học kỹ thuật và xem trình độ, khả năng của các cháu ở đâu để giúp đỡ", TS Vật lý Nguyễn Văn Khải nói.