Một xã, hơn 20 xưởng tái chế bao bì hoạt động trái phép
Hơn 20 cơ sở tái chế bao bì, chế biến hạt nhựa tại xã Thái Hòa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã hoạt dộng trái phép suốt hàng chục năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Một số người dân xã Thái Hòa bắt đầu hoạt động thu gom, tái chế bao bì từ năm 2000. Ban đầu chỉ có 4-5 cơ sở, đến năm 2019, con số này là 28, và cho đến nay, số lượng đã giảm nhưng vẫn còn trên 20 cơ sở. Các cơ sở này nằm xen kẽ trong khu dân cư, số còn lại nằm dọc chân đê sông Nhơm. Hệ thống trang thiết bị của các cơ sở tái chế bao bì khá sơ sài, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, công nhân không sử dụng bảo hộ lao động. Ngoài tái chế bao bì, hiện nay, một số cơ sở còn sản xuất hạt nhựa.
Các loại bao bì được thu gom từ các nơi rồi được chở về các cơ sở để tái chế. Sau khi tập kết, các cơ sở cho hết vào máy giặt phân loại bì nilon để làm hạt nhựa và lớp giấy được ép làm bìa còn lại bụi xi măng, cát, bột và nước thải sẽ được cho vào bể lắng lọc rồi xả ra môi trường. Đối với 5 cơ sở trực tiếp tái chế bao bì thành hạt nhựa, trong quá trình hoạt động, khói từ hoạt động sản xuất bốc mùi khét lẹt phát tán vào không khí gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài việc xả thải ra sông Nhơm gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở tái chế bao bì này còn đốt các chất thải rắn ngay tại xưởng, gây ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Cuối năm 2018, Sở Tài nguyên-Môi trường Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, xử phạt 28 cơ sở với số tiền 792 triệu đồng, buộc 21/28 cơ sở dừng hoạt động sản xuất 6 tháng vì không có hồ sơ, thủ tục về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và gây ô nhiễm môi trường. Về đất đai, UBND xã Thái Hòa đã cho một số cơ sở thuê, mượn đất để sản xuất không đúng quy định, các cơ sở tự ý sản xuất ngay trên phần diện tích đất của gia đình, đất công ích, đất lấn chiếm hành lang.
Sau khi xử phạt, Sở Tài nguyên Môi trường đã kiến nghị UBND huyện Triệu Sơn tổ chức kiểm tra việc sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất giữa UBND xã Thái Hòa với các cơ sở giặt và tái chế bao bì trên địa bàn xã, trường hợp phát hiện có vi phạm đề nghị có biện pháp xử lý theo quy định. UBND xã Thái Hòa phải thanh lý, chấm dứt các hợp đồng giao đất không đúng thẩm quyền, chỉ đạo các hộ gia đình, cá nhân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên diện tích đất thầu, đất lấn chiếm.
Tuy nhiên, đến nay, đã 3 năm trôi qua, các cơ sở được giao đất không đúng quy định vẫn chưa bị tháo dỡ, thậm chí còn tiếp tục quay trở lại hoạt động.
Ông Trịnh Văn An - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa thừa nhận thực trạng trên là đúng. “Để xử lý dứt điểm cũng là một cái khó khi đây là nguồn sinh kế chính của hàng chục hộ dân. So với năm 2018, đến nay đã giảm được một số hộ làm bao bì rồi. Còn về xử lý dứt điểm thì phải chờ huyện quy hoạch để gom hết các cơ sở này vào thành một làng nghề”- ông An phân trần.
Được biết UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định phê duyệt quy hoạch đưa các cơ sở tái chế bao bì trên địa bàn vào làm tập trung tại khu vực có diện tích khoảng 10 ha tại thôn Thái Yên, Thái Phong (xã Thái Hòa) nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.