Cách nhìn thoát ra khỏi dòng sông Hương cùng sự mơ màng rất Huế
Triển lãm cá nhân của họa sĩ Lê Thừa Hải mang tên “Nói chuyện gì khi nói chuyện vu vơ” được khai mạc vào ngày 21/5 đến hết 29/5/2022 tại Mây artspace - TP Hồ Chí Minh, mang sắc thái, cái nhìn của lứa họa sĩ mới, thoát ra dần những quy chuẩn của vùng đất cố đô.
Huế luôn mang lại cảm giác chầm chậm lơ thơ buồn. Không gian Huế thường ảnh hưởng đến tính cách, thậm chí cả số phận của những ai sinh ra, trưởng thành, và chọn là nơi cố định lập nghiệp. Trong sự nhẹ nhàng mơ màng ấy, xuất hiện thế hệ nghệ sĩ trẻ, họ bắt đầu sáng tạo ra những thứ mạnh mẽ, kịch liệt, với độ tương phản cao, như trường hợp của hoạ sĩ Lê Thừa Hải.
Anh sinh năm 1990, tốt nghiệp mỹ thuật Huế 2013, hiện đang sống và làm việc ở Huế... Chọn phong cách biểu hiện với những gam màu mạnh mẽ, tương phản, họa sĩ Lê Thừa Hải thuộc thế hệ mới của nghệ thuật đương đại Huế.
Lê Thừa Hải chuyên cần cho việc sáng tác và duy trì đều đặn. Ban đầu, anh cũng thử nhiều phong cách khác nhau, tìm tòi và khám phá nhiều chất liệu, nhưng dần anh thấy thỏa mãn mình nhất như phong cách tranh đang đi - lối vẽ biểu hiện: “Nó đủ để tôi có thể dễ dàng bộc lộ mọi cảm xúc trên mặt toan mà đôi khi ít dùng đến lý trí, sự tỉ mỉ hoặc gò bó. Tôi dùng lối vẽ này như để bộc bạch cái nhìn của chính bản thân mình trước những thứ đang diễn ra, những suy nghĩ, những phản biện hoặc những điều vu vơ gì đó... Những cảm xúc tiêu cực không vui hay bị kìm nén thì sau khi vẽ sẽ thấy như được giải phóng tinh thần”.
Lê Thừa Hải ưa dùng những gam màu mạnh, có những mảng màu rất tối và sáng, chênh lệch độ tương phản cao, có những mảng lạnh và nóng. Từ mảng lạnh hay nóng sáng hay tối, giúp anh bày tỏ được tư tưởng, tâm trạng cảm xúc, suy nghĩ của mình. Qua mỗi tác phẩm, Lê Thừa Hải muốn kể về những câu chuyện của riêng anh: “Tôi cảm thấy vui khi làm việc, và cái làm việc say mê đó giúp tôi khám phá ra được nhiều thứ hơn, như hiểu hơn về con người xã hội, và tôi trân trọng công việc tôi đang làm. Độc giả và người xem cũng có thể nhìn thấy thấp thoáng câu chuyện của mình trong đó, thực ra mọi thứ nó cũng chính là cảm xúc thật của tôi về một chuyện nào đó, một lúc nào đó hoặc một nơi nào đó”.
“Nói chuyện gì khi nói chuyện vu vơ” là triển lãm cá nhân đầu tiên đầy ngẫu hứng của Lê Thừa Hải tại TPHCM, sau khi anh tham gia nhiều các triển lãm nhóm trong nước. Lần này, Lê Thừa Hải trưng bày 27 bức tranh. Vẫn là những câu chuyện của anh và những người bạn cùng thế hệ.
Mỗi bức tranh của Lê Thừa Hải giống như một câu chuyện kể, nên rất nhiều chi tiết, và anh cũng tự nhận mình là người hơi nhiều chuyện... Một bức tranh Lê Thừa Hải thường vẽ theo chuỗi cảm xúc, nếu một bức thì có thể một hai tiếng, hoặc một ngày, nhưng đến nhiều ngày mà không hài lòng thì cũng phá bỏ. Hoặc có bức vẽ năm trước thì một năm sau, Lê Thừa Hải nhìn lại rồi vẽ lại thêm.
Lê Thừa Hải vẽ loạt tranh triển lãm này trong thời kỳ dịch bệnh. Những ghi chép thường lặp trong tranh anh là thân phận con người, nhưng với cách dùng màu mạnh, và bóp méo cách nhìn: “Tôi muốn kể ra những thứ đó nhưng với cách không quá bi lụy, hoặc là những thứ cảm xúc đối chọi nhau trong chính bản thân”.
Là một họa sĩ trẻ, con đường mỹ thuật của Lê Thừa Hải mới chỉ bắt đầu, và anh mong, sẽ không ngừng làm việc để những bộ tranh sau, hay và tốt hơn bộ tranh trước.