Thu Hà 'Thương ngày nắng về': Bị hàng xóm ghét lây vì đóng vai phản diện quá đạt
Diễn viên Thu Hà cho biết cô bị hàng xóm tránh mặt, xa lánh thậm chí là ghét lây vì đóng vai phản diện - nhân vật Thương trong phim “Thương ngày nắng về” quá đạt.
Ngoài hoạt động miệt mài trên sân khấu kịch, Trương Thu Hà còn đảm nhận vai nữ chính trong nhiều bộ phim như: “Cô gái đến từ Băng Cốc”, “Vượt qua thử thách”, “Gió từ phố Hiến”... Năm 2008, Thu Hà gây ấn tượng với vai phản diện Đương trong “Gió làng Kình” của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
Sau 3 năm, cô quay trở lại màn ảnh nhỏ với vai diễn Thương trong bộ phim “Thương ngày nắng về”. Dù chỉ là vai diễn phụ thế nhưng nữ diễn viên cảm thấy hào hứng vì muốn thủ những vai diễn ghê gớm, tạo được ấn tượng mạnh trên màn ảnh.
Nhân vật lần này Thu Hà đảm nhận là Thương - một cô gái lẳng lơ, âm mưu, không từ mọi thủ đoạn để hãm hại gia đình em chồng. Ở những phân cảnh vừa lên sóng, nhân vật Thương gây ức chế người xem vì tính cách ghê gớm, xảo quyệt.
PV: Trở lại màn ảnh với một vai phản diện, Thu Hà chuẩn bị tâm lý trước những phản ứng từ khán giả dành cho vai Thương như thế nào?
- Diễn viên Thu Hà: Trước khi nhận vai tôi có được đạo diễn cảnh báo về phản ứng của khán giả cho vai phản diện lần này. Thế nhưng, lúc nhận kịch bản thì tôi mới chỉ được đọc 10 tập. Ở những tập đầu thì nhân vật này chỉ dừng ở mức độ là hay xin tiền gia đình em chồng, không xin được tiền thì quay ra nói với mẹ, hạnh họe em chồng.
Tôi nghĩ đây cũng là dạng nhân vật mà trước giờ mình vẫn thường đảm nhận, không có gì là quá ghê gớm nên tôi nhận lời mời tham gia. Vì kịch bản phim vừa viết vừa quay nên đến khoảng tập 20, có những phân cảnh tôi phải thốt lên vì nhân vật quá ghê gớm.
Khi quay thì tôi bị cuốn theo cảm xúc của nhân vật. Bắt đầu từ tập 20, tôi nói với đạo diễn không nghĩ là có bà chị chồng nào ghê như thế này ngoài đời đâu.
Nhân vật của tôi không chỉ trơ trẽn mà còn rất mưu mô, xảo quyệt đến mức lừa bố mẹ bán nhà cho mình, rồi đẩy em dâu vào bi kịch như thế, để 2 vợ chồng phải bỏ nhau. Bản thân tôi nghĩ ngoài đời sẽ không có những nhân vật như thế này, nó hơi gợn.
Khi được đạo diễn giải thích và nói rằng nhân vật này có tồn tại ở đời sống thường nhật thì tôi hoàn toàn yên tâm và cố gắng thể hiện tròn vai nhất, đã là phim thì sẽ đẩy kịch tính lên đến cao trào, để làm sao các nhân vật dồn hết vào đường cùng như vậy.
Những tập phim gần đây lên sóng, nhân vật Thương thể hiện sự mưu mô đến quá đáng, khán giả phản ứng ra sao với vai diễn lần này của chị?
- Hầu hết những người phản ứng đều là đồng nghiệp ở cơ quan, cư dân ở cơ quan đều cảm thấy bất bình vì vai diễn ác quá, có nhiều người hỏi tôi tại sao có thể nhận vào một vai ác như vậy.
Đặc biệt là cô hàng xóm ngay bên cạnh nhà của Hà, bình thường mỗi ngày khi đi ra đi vào hai cô cháu cũng chào hỏi qua lại. Thế nhưng từ sau khi theo dõi phim thì không còn thấy người này chào hỏi mình nữa. Lúc đầu tôi cũng lấy làm lạ, sau đấy tôi có chủ động hỏi han cô thì bất ngờ nhận được lời phản hồi về vai diễn.
Vừa buồn cười vừa lo lắng, tôi vội thanh minh nói rằng đấy chỉ là vai diễn trên phim. Sau đấy, tôi nghĩ rằng có thể mình đã chạm đến được sự ức chế, phẫn nộ tận cùng của khán giả, cho nên mới dẫn đến những phản ứng như thế. Và chắc là tôi đã hoàn thành vai diễn đó.
Cảm xúc của chị ra sao khi theo dõi lại những thước phim về vai diễn của mình và nhân vật Vân Khánh (Lan Phương) – người bị hại trong “Thương ngày nắng về”?
- Đặt cảm xúc là một khán giả thì thú thật nhân vật Thương của tôi quá đáng quá, khi tôi xem tôi diễn tôi tự hỏi mình sao mình ác thế này (cười). Lúc diễn tôi như bị nhập đồng, cứ hễ bấm máy là diễn quên trời, quên đất, mắt mũi long sòng sọc lên. Thật dã man.
Còn đối với nhân vật Vân Khánh, khi tôi xem thì tôi đồng cảm với nhân vật Khánh, có nhiều phân đoạn tôi còn khóc vì quá thương nhân vật. Khi theo dõi cảnh Khánh một mình chịu đựng ấm ức, chạy vào phòng đóng cửa khóc, tôi chỉ biết trách nhân vật Thương. Đúng là tại bà chị chồng, tôi vừa nghĩ vừa ghét nhân vật của mình.
Giả sử chị rơi vào tình cảnh tương tự như nhân vật Vân Khánh, chị sẽ hành động như thế nào?
- Tôi nghĩ trong thời đại 4.0, một phụ nữ có công ăn việc làm đầy đủ thì không thể nào chấp nhận rơi vào hoàn cảnh như nhân vật Vân Khánh.
Vân Khánh biết chồng rất yêu thương mình, thế nhưng sống với mẹ chồng như bà Hiền cũng không thể nào chịu được. Hoặc là Khánh sẽ phải vùng dậy vì nếu là tôi, tôi sẽ nói với chồng đi ra ngoài ở, nếu không sẽ đề nghị chồng thuê nhà cho chị dâu và mẹ chồng ở. Tôi sẽ không chịu cảnh sống chung như nhân vật Vân Khánh.
Chị có chia sẻ chị cũng thường được các đạo diễn nhắm cho vai phản diện, chị nghĩ đâu là lý do?
- Tôi cũng không hiểu là do duyên hay do giọng nói của tôi cũng hơi đanh đá, mọi người thường cho mình sẵn một cái khung "những vai đanh đá, ghê gớm thì không ai qua được cái Hà".
Kể cả trên sân khấu hay thời còn đi học, thầy giáo chủ nhiệm hầu như giao cho tôi những vai đào lệch – vai cá tính, ghê gớm, rất ít khi giao cho tôi vai đào thắm, đào thương như nhân vật Khánh.
Tôi cũng nghĩ mình cảm giác như mình hiền nhưng mọi người nhìn mặt mình không hiền, chắc là mình có nét sắc sảo, cho nên các đạo diễn thường mời tôi đóng vai đanh đá, phản diện.
Liệu có điểm tương đồng nào giữa chị và nhân vật Thương trong phim hay không?
- Chắc là không. Tôi và nhân vật là hai thái cực khác nhau hoàn toàn và không có điểm tương đồng nào giữa tôi và nhân vật Thương. Ngoài đời, tôi dễ tính, không so đo, tính toán, chuyện gì có thể bỏ qua sẽ bỏ qua, không để bụng.
Mọi người thường nhận xét tôi hay cười, hiền. Nếu có to tiếng cũng không đến nỗi quá đáng như nhân vật Thương trên phim. Bên cạnh tên thật, nhiều người gọi tôi với biệt danh “Hà cười”.
Ngoài đời, mối quan hệ giữa chị với mẹ chồng và các chị chồng ra sao?
- Bố chồng tôi mất cách đây ba năm, tôi hiện sống cùng mẹ, các chị cũng ở gần. Tôi về làm dâu khoảng 16 năm rồi, không hề có một điều tiếng gì.
Mẹ chồng tâm lý, ít nói, tôi chăm sóc bà như mẹ đẻ, chu toàn mọi việc trong nhà. Hai chị chồng rất hợp tính tôi, chiều em dâu hơn em trai, có gì ngon cũng để phần. Đợt dịch, tôi hai lần nhiễm Covid-19, chị mua thuốc, đồ ăn gửi đến nhà để tôi bồi dưỡng.
Phía nhà mẹ đẻ, tôi là con út, trên cũng có chị dâu nhưng tuyệt nhiên chẳng có mâu thuẫn, bất hòa như trong phim. Mối quan hệ giữa tôi, mẹ chồng và các chị chồng khác xa với mối quan hệ giữa các tuyến nhân vật trên phim.
Cùng lúc đảm nhận vai trò là diễn viên nhà hát kịch, vừa là người phụ nữ của gia đình, lại vừa tham gia đóng phim truyền hình. Bận rộn với nhiều công việc, chị cân bằng thời gian ra sao?
- Tôi phải cố gắng sắp xếp chu toàn tất cả các công việc. Mặc dù bận rộn nhưng tôi luôn dành thời gian cho gia đình, bữa cơm chiều sẽ quây quần bên nhau. Có những việc bất khả kháng đi quay xa thì không thể được.
Bản thân tôi thấy tôi may mắn vì có ông xã làm kinh doanh tự do nên việc đưa đón con là do anh đảm nhận, tôi cũng không cần phải lo lắng việc đưa đón con đi học nữa, học hành thì tôi giao con cho cô giáo.
Còn về việc cơm nước, nội trợ, tôi luôn tranh thủ về sớm đỡ đần cho ông xã. Về việc ở nhà hát, tôi sẽ sắp xếp công việc đi diễn một cách hợp lý nhất. Khi nào ở nhà hát không có việc, tôi tranh thủ nhận phim, còn nếu tôi đang nhận vai truyền hình tôi sẽ xin nhà hát hạn chế lịch diễn trên sân khấu.
Để có thể cân bằng tốt các việc và để không bị chồng chéo giữa các lịch với nhau, tôi biết bớt đi sự ham công tiếc việc, tiết chế công việc khác tránh bản thân bị mệt mỏi, không có tâm trí hoàn thành tốt vai diễn.
Là một người phụ nữ may mắn có gia đình chồng tâm lý, chị có nghĩ rằng xã hội vẫn còn những người phụ nữ rơi vào hoàn cảnh tương tự như nhân vật Vân Khánh?
- Khi theo dõi bình luận trái chiều của khán giả dành cho nhân cho nhân vật Thương, tôi bắt gặp câu chuyện của một vài người rơi vào hoàn cảnh tương tự như nhân vật Vân Khánh.
Tôi nghĩ xã hội ngày nay vẫn còn những người phụ nữ lép vế, không có tiếng nói như nhân vật Vân Khánh. Họ - những người phụ nữ cũng đã trải qua hoàn cảnh éo le như nhân vật Vân Khánh.
Câu chuyện xoay quanh gia đình nhân vật Vân Khánh không hề hiếm có trong xã hội ngày nay. Bởi, có những người phụ nữ do phụ thuộc vào gia đình chồng về một mặt nào đó hoặc có thể họ vì con cái, công ăn việc làm mà không dám vùng vẫy thoát ra khỏi cuộc hôn nhân đau khổ của chính mình.
Thời gian này, Thu Hà thu hút sự chú ý với vai phản diện. Thời gian tới nếu được thử sức ở dạng vai chính diện - một người phụ nữ hiền lành thì có hợp với chị hay không?
- Là một diễn viên, Thu Hà luôn mong muốn được thử sức ở nhiều dạng vai khác nhau. Đanh đá có, hiền dịu có, cam chịu có… Là diễn viên, bất kì ai cũng đều mong muốn được trải qua các vai diễn khác nhau để có cơ hội trau dồi thêm khả năng diễn xuất của mình, những gì thuộc về sở trường vẫn phải phát huy, thế nhưng điểm nào yếu mình sẽ cố gắng hoàn thiện trên con đường theo đuổi nghệ thuật của chính mình.
Cảm ơn Thu Hà đã chia sẻ!