Thu phí không dừng ETC: Vẫn chậm trễ

H.NHÂN - H.DƯƠNG 22/05/2022 08:50

Được triển khai từ năm 2015, so với thu phí thủ công dự án thu phí tự động không dừng (ETC) được xem là giải pháp mang lại sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc giao thông và đặc biệt là góp phần minh bạch trong quản lý phí BOT, giúp các cơ quan chức năng dùng công nghệ giám sát được các trạm thu phí, tránh tiêu cực. Dù vậy, tới thời điểm này dự án tiếp tục đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Từ ngày 1/6, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thực hiện thu phí tự động không dừng trên tất cả các làn.

Khoảng 3 triệu phương tiện tham gia dịch vụ

Sau 7 năm triển khai, việc thu phí không dừng trên các tuyến cao tốc vẫn không thể thực hiện như mục tiêu đã được đề ra. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tục xin lùi thời hạn dù Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đôn đốc, nhắc nhở và đưa ra hạn chót cho việc triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc.

Còn nhớ, từ năm 2017, lần đầu tiên việc thu phí không dừng trên các tuyến quốc lộ được chính thức yêu cầu thực hiện bởi Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với thời hạn sau 2 năm để triển khai với mục tiêu rõ ràng. Cuối năm 2019, khi thời hạn đã hết, Bộ GTVT xin lùi thời hạn thêm một năm với lí do thiếu vốn.

Cuối năm 2020, đến hẹn và xe thì vẫn ùn tắc trước các trạm thu phí, và Bộ GTVT lại xin rút kinh nghiệm, không hứa thời hạn hoàn thành nữa. Vậy là đến thời điểm này, thời hạn gần nhất là tháng 6/2022, phải đạt tỷ lệ 90% dán thẻ trong tổng số 5 triệu ô tô trên cả nước.

Ông Lê Kim Thành - Vụ trưởng Vụ đối tác công - tư (Bộ GTVT) thông tin, hiện nay, tất cả các trạm thu phí có lưu lượng giao thông lớn đều được lắp đặt toàn bộ ETC bảo đảm chỉ duy trì 1 làn hỗn hợp tại mỗi chiều xe chạy. Tuy nhiên, còn 102 làn/23 trạm thu phí chưa đảm bảo yêu cầu “các trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy”. Trong số này có 38 làn/13 trạm do Bộ GTVT quản lý và 64 làn/10 trạm do địa phương quản lý.

Đối với các trạm do Bộ GTVT quản lý, nhà đầu tư BOT đã hoàn thành công tác chuẩn bị, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thời gian đặt hàng mua sắm thiết bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.

Trong số 38 làn/13 trạm, có 24 làn/8 trạm nhà đầu tư cam kết hoàn thành trong tháng 6/2022, còn lại 14 làn/5 trạm có nguy cơ chậm tiến độ do thời gian nhập thiết bị kéo dài so với kế hoạch. Trong quá trình lắp đặt các làn thu phí còn lại, việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí vẫn diễn ra bình thường do các trạm đã được lắp đặt số lượng lớn các làn thu phí ETC.

Đối với các trạm do địa phương quản lý, việc nhập thiết bị gặp nhiều khó khăn dẫn đến tiến độ triển khai bị kéo dài. Hiện các địa phương đều cam kết hoàn thành trước 30/6/2022, riêng 16 làn/2 trạm thu phí (Trạm An Sương An Lạc và Trạm Xa lộ Hà Nội) do UBND TP HCM quản lý có khả năng sẽ bị chậm tiến độ.

Về việc các phương tiện tham gia dán thẻ ETC, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Số lượng phương tiện tham gia dán thẻ trong thời gian qua tăng rất khả quan, từ khoảng 1 triệu phương tiện vào thời điểm tháng 10/2021 đến thời điểm này có khoảng 3 triệu phương tiện tham gia dịch vụ (chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc).

Bộ GTVT đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2022, số lượng phương tiện dán thẻ đạt từ 80-90%. Đặc biệt, về việc thí điểm thu phí không dừng đối với tất cả các làn tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đến nay, phương án tổ chức giao thông, phương án xử lý các tình huống sự cố phục vụ công tác thí điểm chỉ thu phí không dừng đã được các bên thống nhất.

Ảnh: Quang Vinh.

Phạt nguội, tước giấy phép xe không dán thẻ ETC

Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan thống nhất từ ngày 1/6, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ thực hiện thí điểm ETC, không phục vụ xe trả tiền mặt.

Bà Bùi Thị Quỳnh - Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, đã xây dựng xong phương án tổ chức giao thông, hướng dẫn xe vào, xử lý sự cố. Đơn vị này cũng đang làm đường truyền dự phòng tránh trường hợp không thu phí ETC được do sự cố đứt cáp quang như vừa rồi.

Theo bà Quỳnh, thống kê các số liệu gần đây nhất thì mới chỉ được hơn 50%, việc dán thẻ chưa được nhiều. Qua trao đổi với khách hàng, cũng có một số nguyên nhân như nhiều khách hàng chưa biết đến, chưa hiểu thu phí không dừng là gì, dán thẻ thì dùng thế nào, nạp tiền ra sao. Rồi nhiều khách hàng lớn tuổi, trình độ công nghệ thông tin cũng hạn chế. Nhiều phương tiện còn chưa biết xe của mình đã dán thẻ.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho biết, từ ngày 1/6, các xe không đủ điều kiện mà cố tình lưu thông trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ bị phạt nguội.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chính thức thí điểm áp dụng 100% thu phí không dừng. Các xe không đủ điều kiện lưu thông trên tuyến này là xe không gắn thẻ đầu cuối (xe chưa dán thẻ ETC) hoặc xe đã dán thẻ nhưng số tiền trong tài khoản không đủ chi trả. Theo quy định hiện hành, người điều khiển phương tiện chưa đủ điều kiện lưu thông sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc thí điểm 100% làn ETC trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm để áp dụng đối với các tuyến cao tốc khác, tạo điều kiện cho các phương tiện lưu thông nhanh trong phạm vi tốc độ cho phép trên cao tốc.

Mới đây, trong cuộc làm việc với Bộ GTVT nhằm thúc đẩy tiến độ hoàn thiện hệ thống thu phí không dừng trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận trong khoảng 7 tháng qua, từ chỗ có 1 triệu xe dán thẻ ETC, đến nay có gần 3 triệu xe, đạt hơn 65% số phương tiện trên toàn quốc là chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian qua việc triển khai còn lúng túng, chưa triệt để, chưa đồng bộ, thiếu liên thông, dẫn đến nguy cơ không bảo đảm tiến độ vận hành hệ thống ETC trên toàn bộ các làn thu phí như chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ (hoàn thành trong tháng 6/2022).

Nhấn mạnh mục tiêu đến ngày 30/6 tới phải hoàn thành cơ bản hệ thống thu phí tự động không dừng, Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan cần thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, quyết tâm thực hiện, phải làm bằng được và không được chậm trễ.

Vừa làm vừa khắc phục lỗi

Câu hỏi mà các chuyên gia và người dân đặt ra lúc này đó là nếu không hoàn thành tiến độ thì liệu có dừng thu phí?

TS Khương Kim Tạo - Chuyên gia giao thông quả quyết: Chúng ta cần quy định một khung chung. Và không có lý do nào ngoài việc yêu cầu tháo khoán cho người dân đi. Quy định đến ngày đó không hoàn thiện hệ thống thì phải mở cửa cho nhân dân đi. Đó là sức ép.

Tuy nhiên, về khó khăn trong dự án thu phí không dừng sau 7 năm triển khai đến nay vẫn chưa hoàn thiện, ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) lý giải: Đây là dự án thu phí không dừng lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam với công nghệ khá phức tạp, trạm BOT vừa lắp đặt ETC vừa duy trì làn một dừng (MTC) để phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân.

Chúng tôi vừa làm vừa khắc phục lỗi. Có trạm đã lắp xong ETC nhưng vẫn bị ùn ứ do phương tiện chưa gắn thẻ, hay đường có lưu lượng lớn thì phải lắp thêm làn ETC.

Theo ông Huy, lần đầu tiên dự án thu phí không dừng triển khai nên cơ chế chính sách còn một số bất cập. Ví dụ quy định không cho phép doanh nghiệp dự án BOT đầu tư hệ thống thu phí không dừng tại trạm mà phải do đơn vị cung cấp dịch vụ lắp đặt, khiến một số doanh nghiệp BOT không đồng tình.

Sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định 19 tháo gỡ khó khăn, tạo đồng thuận của các nhà đầu tư BOT và ngân hàng, tiến độ lắp đặt được đẩy nhanh hơn. Theo quyết định 19, nhà đầu tư BOT được tự đầu tư hệ thống ETC tại trạm và đấu nối với cơ sở dữ liệu của đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí (BOO).

Sau 7 năm triển khai, các phương tiện không còn phải dừng tại trạm thu phí, được chạy qua trạm tốc độ 30-40 km/h trừ trường hợp sự cố. Thời điểm dịch bệnh, lái xe không cần mở cửa kính để trả tiền, không tiếp xúc với người bán vé. Trạm thu phí không phải đổi tiền lẻ trả tiền cho lái xe, nhân lực trước đây 40 người mỗi trạm nay đã giảm một nửa, và tới đây sẽ tiếp tục giảm.

Dự án ETC là thêm một kênh giám sát thu phí, giúp cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát các đơn vị thu phí chính xác, minh bạch. Sau một thời gian, các bên đều thấy rõ hiệu quả của dự án. Hàng ngày các bên BOT và BOO đối soát, kiểm tra chéo nhau về doanh thu, lệch một đồng cũng phải xác minh.

Ngành giao thông đã hoàn thành hai dự án ETC tại gần 80 trạm BOT trên tuyến quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh vào năm 2020. Thời điểm đó có 8 tuyến đang bị dừng hoặc sắp dừng thu phí không phải lắp đặt ETC. 4 dự án cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chưa có vốn đầu tư nên được lùi thời gian lắp đặt. Hiện, chủ đầu tư đã có kế hoạch thu phí trên các tuyến cao tốc này từ tháng 9/2022.

Để đạt kế hoạch xe dán thẻ chiếm 80-90%, kênh thanh toán đã cải tiến nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Nhà đầu tư BOO1 đã liên thông với một số ngân hàng để tự động nạp tiền vào tài khoản giao thông. Nhà đầu tư BOO2 đang có ví điện tử Viettel Pay, sẽ liên kết với tài khoản thu phí không dừng và ngân hàng. Người đi ít chỉ cần nộp số tiền nhỏ vào tài khoản để sử dụng.

“Chúng tôi cũng đã tính đến chế tài cho phép xe chưa đủ tiền hoặc xe bị lỗi thẻ, lỗi kỹ thuật thì sẽ nộp tiền sau. Đồng thời yêu cầu các đơn vị thu phí cải tiến hơn phương thức thu phí không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ phải đến từng chủ xe để dán thẻ”, ông Huy cho hay.

GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT: Người dân cần thấy lợi ích của thu phí không dừng

Để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ETC, trước hết các nhà cung cấp dịch vụ phải chứng minh dịch vụ của mình bảo đảm thuận tiện, lợi ích cho người sử dụng. Các nhà cung cấp dịch vụ cần khẩn trương khắc phục triệt để những bất cập trong vận hành hệ thống, đồng thời các đường dây nóng phải thông suốt, kịp thời xử lý bất cập, tránh gây bức xúc cho khách hàng.

Sau nhiều năm nỗ lực của các cơ quan quản lý, hệ thống hạ tầng thu phí không dừng trên toàn quốc đã dần hoàn thiện. Tuy nhiên, đây chỉ là điều kiện cần, sự thành bại của thu phí tự động không dừng phụ thuộc rất lớn vào điều kiện đủ là chủ phương tiện có sử dụng dịch vụ hay không. Mỗi người dân cần nhìn thấy lợi ích của thu phí không dừng thì ETC mới có thể đi vào cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam: Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải khi thanh toán

Về phương tiện thanh toán, nhất là với doanh nghiệp vận tải, các nhà đầu tư BOT nên bán dịch vụ và người kinh doanh vận tải hay người dân tham gia trên đường là bên mua dịch vụ. Đơn vị cung ứng dịch vụ chỉ nên là đơn vị giúp cho bên bán được dịch vụ tốt nhất, công khai minh bạch nhất. Muốn bán được phải nghiên cứu thị trường xem người ta cần và mong muốn gì. Vấn đề này trong thời gian qua dường như chưa quan tâm đúng mức.

Ở góc độ thị trường, người bán nên đưa ra một số hình thức để người dùng lựa chọn chứ không chỉ đưa ra một cái rồi ép người dùng. Tại sao khi tôi mua thì lại không có nhiều phương thức lựa chọn, chẳng hạn như phải có phương thức trả trước, có phương thức trả sau.

Do vậy, nên nghiên cứu hai phương thức là trả trước như đang làm và trả sau. Trả sau thì có hình thức ký hợp đồng, thông báo tài khoản, xe đi qua cứ tích vào rồi doanh nghiệp vận tải sẽ trả. Cách làm này, doanh nghiệp vận tải có giấy tờ để hạch toán được chi phí đầu vào, như hiện nay không hạch toán được.

H.NHÂN - H.DƯƠNG