Đẩy nhanh tiến độ thu phí không dừng
Việc mới có gần 65% xe ô tô dùng dịch vụ ETC cho thấy cần các chính sách thúc đẩy hơn nữa quá trình triển khai để dự án này về đích đúng thời hạn.
Cũng trong thời gian qua, quá trình triển khai thu phí không dừng còn tồn tại một số hạn chế như tình trạng hệ thống ETC gặp sự cố, dẫn tới ách tắc giao thông kéo dài, khiến người dân phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ. Có thể nhắc đến sự cố đứt cáp trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào tháng 4 vừa qua.
Bên cạnh đó, nhiều xe bị trừ tiền hai lần khi qua trạm, barie không mở mà vẫn trừ tiền, thẻ không tích hợp nếu đi qua trạm của đơn vị cung cấp dịch vụ ETC khác. Các đơn vị cung cấp dịch vụ phải thường xuyên xử lý thẻ bị lỗi, rà soát lỗi phát sinh của phần mềm và kết nối giữa các bên cung cấp dịch vụ. Phương tiện thanh toán chưa thực sự thuận gây khó cho các doanh nghiệp vận tải… Đó là hàng loạt những bấp cập khiến người tham gia giao thông chưa thực sự mặn mà với dịch vụ ETC.
Trên các diễn đàn giao thông, nhiều ý kiến bày tỏ những băn khoăn về việc triển khai thực hiện. Anh Thanh Long (Hà Nội) chia sẻ: Bố tôi là thầy giáo dạy lái xe lâu năm. Nay ông đã hơn 60 tuổi nên việc “làm quen” với thẻ Epass là khá khó khăn. Đó là chưa kể, khi có nhu cầu dán thẻ, khách hàng phải tìm kiếm mãi mới tìm ra chỗ dán thẻ.
Sau đó đăng kí xong thì ông quên mất mật khẩu, lấy được mật khẩu thì không tìm được cách nạp tiền vì ông có mỗi cái tài khoản của Ngân hàng Agribank và tiền mặt. Đề xuất cách làm Epass nên mở phương thức nạp tiền bằng chuyển khoản không cũng không có cách gì hỗ trợ.
“Tôi cho rằng, thay đổi thói quen của người tham gia giao thông nhưng phải tính toán kỹ và nhất là cần kiểm tra kỹ trước khi chính thức thực hiện. Vì hệ thống có quá nhiều lỗi khi đưa dự án vào thực tế. Chắc không ít người cũng đang gặp tình huống tương tự khi khó cập nhật công nghệ. Do đó rất cần các giải pháp hỗ trợ người tham gia giao thông trước khi xử phạt”, anh Long nói.
Cũng có ý kiến cho rằng, nhiều người chưa hiểu rõ tiện ích của dịch vụ này nên còn thờ ơ. Bên cạnh đó, việc triển khai cũng còn bất cập. Bởi thứ nhất, số làn ETC vẫn ít hơn làn thu tiền mặt nên nhiều người vẫn chọn trả tiền mặt. Thứ hai, thói quen sử dụng tiền mặt dẫn đến việc nhiều người chưa quen với việc phải bỏ sẵn một khoản tiền nhất định trong tài khoản mà không sử dụng thường xuyên…
PGS.TS Lê Huy Trí - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu an toàn giao thông (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng: Vì những lợi ích to lớn của thu phí không dừng, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sớm hoàn thành và đưa và đưa vào khai thác hệ thống. Đến nay hầu hết các trạm thu phí trên toàn quốc đã có làn thu phí không dừng.
Để thuận tiện hơn cho chủ phương tiện, Bộ GTVT cũng đang rất nỗ lực đảm bảo đến hết quý II các trạm thu chỉ còn 1 làn thu phí hỗn hợp. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào sự tự giác của các chủ xe thì có lẽ nhiều người vẫn sẽ viện đủ lý do. Bằng chứng là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sẵn sàng đến tận cơ quan, đơn vị để dán thẻ miễn phí nhưng không phải ai cũng đồng ý. vì vậy, cần có thêm những giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động cần phải được đẩy mạnh hơn, thậm chí cần mang tính chất như một chiến dịch. Đơn cử trước đây chúng ta đã thành công trong việc tuyên truyền quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô xe máy. Hay gần đây là chiến dịch tuyên truyền xử lý vi phạm nồng độ cồn, với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng. Đến nay, ý thức chấp hành của đại bộ phận người tham gia giao thông đã được nâng lên rất nhiều.
“Về lâu dài, cần thiết bổ sung vào luật quy định tất cả các xe chạy trên cao tốc đều phải dán thẻ thu phí không dừng”, PGS.TS Lê Huy Trí đề xuất.