Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO: Cấu trúc an ninh của châu Âu lung lay
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gọi quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển là “sai lầm gây hậu quả lớn”.
Trong khi chiến sự Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn thì trong cuộc họp báo chung ngày 17/5 với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson thông báo hai nước này sẽ cùng nhau nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngay sau đó, ngày 18/5, Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở ở Brussels, theo Reuters.
Trước đó, trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Interfax, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov gọi quyết định của Phần Lan và Thụy Điển là “sai lầm gây hậu quả lớn”; còn truyền thông quốc tế coi đó là việc có thể làm lung lay cấu trúc an ninh của châu Âu.
Tháng 4 vừa qua, ông Dmitry Medvedev - một trong những đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Putin, đã tiết lộ rằng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu thanh ở tỉnh Kaliningrad nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Tỉnh Kaliningrad nằm tách biệt với lãnh thổ chính của Nga, giáp biển Baltic và nằm giữa Latvia, Ba Lan - hai quốc gia NATO khác.
Trong khi đó, ngày 16/5, Tổng thống Nga Putin lại có vẻ như không quá căng thẳng khi nói rằng Matxcơva “không có vấn đề gì” nếu cả Thụy Điển và Phần Lan gia nhập vào liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
“Tôi muốn thông báo với các bạn, các đồng nghiệp thân mến, rằng Nga không có vấn đề gì với những quốc gia đó. Vì vậy, về mặt này, việc mở rộng (NATO) khi thêm các nước đó không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào cho Nga. Nhưng việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự vào lãnh thổ các nước này thì chắc chắn buộc chúng tôi phải phản ứng. Nhưng phản ứng là gì thì phải đợi xem mối đe dọa nào được tạo ra với chúng tôi”.
Theo hãng tin TASS của Nga, trong phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) diễn ra tại Matxcơva, Tổng thống Putin nhấn mạnh đối với việc mở rộng của NATO, cụ thể là thông qua việc kết nạp thêm các thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, Nga không coi là mối đe dọa trực tiếp bởi Matxcơva không có vấn đề nào với các quốc gia này.
Để gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển cần toàn bộ 30 thành viên của NATO chấp thuận đăng ký gia nhập của họ. Tuy nhiên, đến thời điểm này Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia - thành viên của NATO vẫn không tán thành. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng nói rằng Phần Lan và Thụy Điển không cần cử phái đoàn đến Ankara để thuyết phục. Theo đó, chính quyền của ông Erdogan muốn hai nước phải ngừng hỗ trợ cho các nhóm quân sự người Kurd hiện diện trên lãnh thổ của họ, đồng thời dỡ bỏ lệnh cấm bán một số loại vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, NATO đảm bảo quá trình phê duyệt tư cách thành viên đối với Phần Lan và Thụy Điển diễn ra “nhanh chóng”, một khi hai nước chính thức đăng ký gia nhập. Không nhiều e ngại dẫu giai đoạn chuyển tiếp là “vùng xám” khi thời gian phê chuẩn có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm và cần sớm gỡ bỏ rào cản “manh nha” đến từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết, nước này đã sẵn sàng để đối mặt với “thời gian vùng xám”. Trong cuộc phỏng vấn với Foreign Policy mới đây, ông Haavisto nói: Trên thực tế, “vùng xám” sẽ tồn tại tới khi quốc gia thành viên NATO cuối cùng phê duyệt để Phần Lan trở thành thành viên.
"Chúng tôi cần quyết định của Quốc hội 30 nước thành viên để phê chuẩn. Nhưng ý định của chúng tôi là rõ ràng. Trong giai đoạn “vùng xám”, điều quan trọng là NATO phải bằng cách nào đó bảo vệ một quốc gia đang trong quá trình gia nhập”- ông Haavisto nói.
Như để trấn an, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này sẽ đảm bảo quá trình phê duyệt tư cách thành viên đối với Phần lan và Thụy Điển diễn ra nhanh chóng, một khi hai nước Bắc Âu chính thức đăng ký gia nhập.
“Tất cả các đồng minh đều nhận ra tầm quan trọng mang tính lịch sử của thời điểm này”, ông Stoltenberg nói với các phóng viên ở Berlin qua video sau một loạt cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng NATO ngày 15/5, được The New York Times dẫn nguồn. “Đây là cơ hội lịch sử mà chúng ta cần nắm bắt”- ông Stoltenberg nhấn mạnh.
Phía bên kia bờ Đại dương, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết ông tin tưởng tất cả các thành viên NATO sẽ đạt được đồng thuận về việc này. Ông Blinken cũng lưu ý, tuy chưa phải là thành viên của NATO nhưng “từ lâu” Phần Lan và Thụy Điển đã tham gia nhiều nhiệm vụ khác nhau cũng như các cuộc tập trận chung với NATO. Vì vậy lực lượng của họ đã có khả năng phối hợp với quân đội của các quốc gia thành viên. Vì thế, họ “xứng đáng” tham gia vào cấu trúc quân sự của liên minh này.
Thụy Điển và Phần Lan đã giữ trạng thái trung lập trong suốt Chiến tranh Lạnh và quyết định gia nhập NATO của họ sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất đối với cấu trúc an ninh của châu Âu trong nhiều thập kỷ.
Như vậy, việc Thụy Điển xin gia nhập NATO chính là sự thay đổi sau 200 năm trung lập và không liên minh.
Còn với Phần Lan, với việc xin gia nhập NATO cũng là khởi đầu cho việc từ bỏ chính sách trung lập. Phần Lan có chung 1300km đường biên giới với Nga, sau hơn 70 năm thiết lập cơ chế trung lập thì nay cũng đã đưa ra chọn lựa: gia nhập NATO.
Việc Phần Lan và Thụy Điển cùng lúc xin gia nhập NATO cũng không hẳn dễ dàng vì vẫn còn đó những ràng buộc và nỗi ám ảnh mơ hồ. Nói như tiến sĩ Gabriella Irsten (Viện Hòa bình và Trọng tài Thụy Điển) thì “đây không phải là cách xây dựng hòa bình và an ninh. Bạn phải cùng đối thủ đảm bảo an ninh - nếu đối thủ của bạn không cảm thấy an toàn, bạn cũng không an toàn”- ý nói đến nước Nga.
Trong khi đó, cho dù không phản ứng quá mạnh mẽ trước việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, nhưng người phát ngôn điện Kremlin cho biết Matxcơva không tin rằng quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển sẽ giúp củng cố hay cải thiện cấu trúc an ninh châu Âu. Ông Dmitry Peskov cho biết Nga đang theo dõi sát tiến trình này. Matxcơva sẽ cẩn trọng theo dõi những hậu quả có thể xảy ra đối với an ninh của Nga nếu hai nước Bắc Âu gia nhập NATO.
NATO tới nay có 30 thành viên, từ lâu đã muốn mở rộng liên minh. Trong khi đó Matxcơva từng nhiều lần tuyên bố việc khối liên minh quân sự này “áp sát” nước Nga là mối đe dọa tiềm tàng với mình. Cấu trúc an ninh của châu Âu đã hình thành ít ra là từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (năm 1991, với sự tan rã của Liên Xô). Cấu trúc an ninh ấy không còn ổn định với sự mở rộng của NATO khi kết nạp các nước cộng hòa trong liên minh của Liên Xô cũ và các nước Trung - Đông Âu.
Tháng 3 năm 1999, NATO lần đầu tiên kết nạp Czech, Hungary và Ba Lan làm thành viên. Tháng 3 năm 2004, là 7 nước bao gồm Slovakia, Bulgaria, Romania, Slovenia cùng với các nước ven bờ biển Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania, trở thành nước thành viên chính thức của NATO.
Từ 12 nước sáng lập lúc thành lập vào năm 1949, tới nay NATO đã mở rộng đến 30 nước thành viên. Hiện tại, cùng với Phần Lan và Thụy Điển, NATO cũng đang tính đến việc công nhận 3 nước khác là Bosnia- Herzegovina, Georgia và Ukraine.
Châu Âu còn những quốc gia nào trung lập?
Nếu như việc gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển hoàn tất, thì châu Âu vẫn sẽ còn một số quốc gia trung lập. Trước tiên, đó là Thụy Sĩ, khi được xem là quốc gia trung lập nổi bật nhất ở châu Âu, khi quy chế trung lập được thể hiện trong Hiến pháp và đã nhiều chục năm không gia nhập EU.
Tiếp đó là Áo tuyên bố là nước trung lập về quân sự kể từ năm 1955.
Nước thứ ba là Ireland, khi Thủ tướng Micheal Martin gần đây đã nêu ra điểm của nước này: “Chúng tôi không phải trung lập về chính trị, nhưng chúng tôi trung lập về quân sự”.
Nước thứ tư là Malta, khi Hiến pháp của nước này nêu rõ đảo quốc này trung lập, với chính sách không liên kết và từ chối tham gia bất cứ liên minh quân sự nào.
Thứ năm là Đảo Cyprus. Mối quan hệ giữa Đảo Cyprus với Mỹ đã tăng cường đáng kể trong thập niên qua, nhưng ý tưởng về việc Đảo Cyprus gia nhập NATO đến nay chưa từng được nhắc đến. Tổng thống Đảo Cyprus Nicos Anastasiades mới đây đã nói rằng còn quá sớm để suy nghĩ về điều đó.