‘Chiến tranh lúa mì’ bên cạnh cuộc chiến năng lượng

BẢO THƯ 22/05/2022 14:21

Xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine đã kéo theo “cuộc chiến năng lượng”. Tuy nhiên, vào thời điểm này lại xuất hiện một cuộc chiến khác, nói như Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước G7 mới đây thì “chiến tranh lúa mì” đang đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

Thu hoạch lúa mì tại vùng Stavropol, miền nam nước Nga. Ảnh: AFP.

Bà Ngoại trưởng Đức cho rằng, những vấn đề về nguồn cung lương thực trên khắp thế giới do hậu quả từ các lệnh trừng phạt nước Nga cần phải được xử lý sớm.

“Nhiều người ở châu Phi và Trung Đông sẽ chết đói. Mọi người đang tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không còn ngũ cốc từ Nga và Ukraine như trước đây?” - bà Baerbock nói và cho biết G7 sẽ nỗ lực tìm các giải pháp hậu cần để đưa các loại hàng hóa tiêu dùng quan trọng ra khỏi kho dự trữ của Ukraine trước mùa thu hoạch sắp tới.

Trên thực tế, từ lâu tranh chấp lúa mì đã diễn ra, đặc biệt giữa Mỹ và Nga - hai quốc gia xuất khẩu lúa mì hàng đầu. Ngay từ năm 2015, với lợi thế chi phí vận chuyển thấp, Nga có thể qua mặt rất nhiều đối thủ và bán lúa mì của mình với giá rẻ hơn khoảng 16% so với Mỹ. Lúa mì Nga cung ứng chủ yếu cho các nước châu Âu và châu Phi. Trong năm 2015, Nga đã xuất khẩu tới 23 triệu tấn lúa mì so với con số 25,2 triệu tấn của Mỹ.

Khi mà Nga rơi vào tình thế bị cô lập như hiện nay thì đương nhiên lượng lúa mì bán ra thế giới cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. Thông tin từ Bộ Nông nghiệp Nam Phi cho biết: Trong 5 năm (2016-2020), Nam Phi nhập khẩu trung bình 1,8 triệu tấn lúa mì mỗi năm, chiếm 50% nhu cầu tiêu thụ hằng năm của nước này. Trong đó, nhập khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine trung bình lần lượt là 34% và 4%.

Từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, cảng biển của hai nước bị đóng lại, nguồn cung bị ngắt quãng, nhiều đơn hàng đã dừng lại và để dự trữ cho nhu cầu trong nước, Nam Phi phải tăng cường nhập khẩu từ các quốc gia khác.

Ông Wandile Sihlobo (Phòng Kinh doanh nông nghiệp Nam Phi) cho biết: “Nam Phi chưa phải đối mặt với vấn đề thiếu lương thực trong tương lai gần nhưng giá lương thực chắc chắn sẽ tăng”.

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới còn Ukraine là nước hàng thứ năm. Cùng nhau, họ cung cấp 19% nguồn cung lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Theo FAO, chỉ trong 12 tháng qua, giá lương thực thế giới đã tăng tới 40% và xu hướng này chưa có dấu hiệu giảm. Còn trong vòng 3 năm qua, trong khi dân số thế giới tăng ở mức 1,05%/năm thì sản lượng lương thực chỉ tăng được 0,7%/năm “một con số thực tế để nói lên rằng chúng ta đang “đói” hơn” - chuyên gia của FAO nhận xét.

Trong khi đó, một báo cáo của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy) nhận định: Một “cơn bão hoàn hảo” có thể đang hình thành ở châu Âu khi Liên minh châu Âu (EU) tìm cách hạn chế việc phụ thuộc khí đốt của Nga.

Các chuyên gia Rystad Energy cho rằng nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hiện tại không đủ để thay thế cho khí đốt từ Nga khi mùa đông ở châu Âu cũng không còn bao xa, điều này có thể đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng lên 3.500 USD/1.000 m3, gần 3 lần so với mức giá hiện nay.

Vẫn theo Rystad Energy, năm 2021 Nga đã cung cấp 155 tỷ m3 cho châu Âu, chiếm hơn 31% nguồn cung khí đốt của “lục địa già”. Vì thế, từ việc “tẩy chay” khí đốt của Nga, EU đã tạo nên sự bất ổn cho toàn bộ thị trường LNG toàn cầu. Báo cáo còn nhấn mạnh rằng nhu cầu LNG toàn cầu dự kiến đạt 436 triệu tấn vào năm 2022, vượt xa nguồn cung hiện tại có chỉ 410 triệu tấn.

Trên thực tế, giá khí đốt tự nhiên đã tăng sau khi Matxcơva áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả đầu tiên đối với một số công ty năng lượng châu Âu. Theo dữ liệu do ICE của London thì giá khí đốt ở châu Âu đã vượt quá 1.200 USD/1.000 m3 trong phiên giao dịch hôm 18/5.

BẢO THƯ