Tự doanh và khối ngoại mạnh tay bán ra cổ phiếu, cá nhân lại mua vào

Thái Hưng 23/05/2022 08:03

Ngược chiều với nhà đầu tư cá nhân mua vào khối tự doanh chứng khoán, quỹ đầu tư và khối ngoại đã đẩy mạnh thoát hàng trong tuần vừa qua.

Tự doanh và khối ngoại đều bán ra, cá nhân mua vào

Bắt đầu từ 17/5, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã công bố trở lại dữ liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK).

Tình từ phiên 17/5 đến hết 20/5, khối tự doanh mua vào 38,8 triệu cổ phiếu trên HoSE, trị giá 1.334 tỷ đồng, trong khi bán ra 45 triệu cổ phiếu, trị giá 1.928 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 6,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 604 tỷ đồng, trong đó có 731 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

10 cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối tự doanh lớn nhất.
10 cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối tự doanh lớn nhất. Nguồn: NDH.

Khối tự doanh bán ròng mạnh nhất mã VIC với 89 tỷ đồng. Tiếp sau đó, MSN và VHM bị bán ròng lần lượt 81 tỷ đồng và 63 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, DXG được mua ròng mạnh nhất với 69 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là APH với 30 tỷ đồng. STB và REE đều được mua ròng hơn 16 tỷ đồng.

Khối ngoại sàn HoSE mua ròng mạnh nhất mã DPM với 221 tỷ đồng. VNM và MSN đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 147 tỷ đồng và 134 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND cũng được mua ròng 129 tỷ đồng. Trong khi đó, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 576 tỷ đồng. Tiếp sau đó, HPG cũng bị bán ròng 422 tỷ đồng. STB, VIC và VCB đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.

Tổ chức trong nước bán ròng trở lại 1.584 tỷ đồng, trong đó có 1.631 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh. Nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất mã VIC với 169 tỷ đồng. VHM và DIG bị bán ròng lần lượt 168,8 tỷ đồng và 166 tỷ đồng. Chiều ngược lại, FPT được mua ròng mạnh nhất với 86 tỷ đồng. MWG và HSG được mua ròng lần lượt 68 tỷ đồng và 67 tỷ đồng.

Trong tuần giao dịch vừa qua, cá nhân trong nước quay trở lại đóng vai trò giúp thị trường có sự hồi phục tốt trở lại trong khi đó, tổ chức trong nước và khối ngoại đều không còn duy trì được giao dịch tích cực.

Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng trở lại 1.727 tỷ đồng trên sàn HoSE, trong đó có 1.723 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.

Cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã SSI với giá trị 603 tỷ đồng. HPG và VIC đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 519 tỷ đồng và 304 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, DPM bị bán ròng mạnh nhất với 233 tỷ đồng. DCM và VHC đều bị nhà đầu tư cá nhân trong nước bán ròng trên 100 tỷ đồng.

Các quỹ bán ra hàng chục triệu cổ phiếu FPT, MBB, REE

Tuần qua (16-20/5/2022), các quỹ đầu tư chủ yếu công bố giao dịch đã thực hiện từ tuần trước với chiều bán áp đảo.

Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại CTCP FPT (FPT) với tỷ lệ sở hữu giảm còn 4.9%, tương đương gần 44.9 triệu cp, sau khi 3 quỹ thành viên bán tổng cộng 1.25 triệu cp FPT trong ngày 12/05/2022. Dragon Capital thoái vốn tại FPT trong bối cảnh giá cổ phiếu này đã mất 18% giá trị so với mức đỉnh 116,600 đồng/cp (phiên 14/04) theo đà chung của thị trường, về còn 95,600 đồng/cp vào cuối phiên giao dịch. Chiếu theo thị giá này, ước tính Dragon Capital đã thu về gần 120 tỷ đồng sau khi bán số cổ phiếu trên.

Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại CTCP FPT (FPT) với tỷ lệ sở hữu giảm còn 4.9%.

Dragon Capital cũng không còn là cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) với sở hữu giảm từ gần 190 triệu đơn vị (5.02%) còn 187 triệu đơn vị (4.94%) sau khi 3 quỹ thành viên bán ra hơn 2.8 triệu cp MBB. Giá cổ phiếu MBB đóng cửa phiên giao dịch 12/05 ở mức 25,650 đồng/cp, giảm hơn 25% so với mức đỉnh 34,400 đồng/cp (phiên 28/02/2022). Tạm tính theo mức giá này, Dragon Capital đã thu về hơn 72 tỷ đồng sau khi thoái bớt vốn tại Ngân hàng.

Bên cạnh quỹ ngoại Dragon Capital bán ra, quỹ ngoại Aims Asset Managament Sdn Bhd cũng bán tổng cộng 3.1 triệu cp REE của CTCP Cơ Điện Lạnh trong phiên 12/05. Sau giao dịch, quỹ ngoại Aims Asset Managament Sdn Bhd hạ sở hữu tại REE từ mức 25.16 triệu cp (8.14%) xuống còn 22.06 triệu cp (7.14%). Phiên 12/05, REE ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận đúng 3.1 triệu cp, giá trị đạt gần 307 tỷ đồng (99,000 đồng/cp).

Thái Hưng