Xe 'dù' Inter bus line: Bán mạng hành khách để kiếm lời

Lê Khánh 25/05/2022 10:55

Trong suốt một thời gian dài, hàng chục chiếc xe “dù” Interbus Line mang biển kiểm soát Lào, ngang nhiên đưa đón khách trên tuyến Hà Nội - Sapa. Đáng nói là những chiếc xe này không được kiểm định kỹ thuật, không được cấp phép, coi rẻ tính mạng của hành khách.

Xe vua, xe chúa?

Vừa qua, Hiệp hội vận tải TP Hà Nội đã có công văn gửi đến nhiều cơ quan chức năng, cáo buộc Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên sử dụng hàng chục chiếc xe biển kiểm soát Lào, dưới thương hiệu Interbus Line để kinh doanh chui trên tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sapa và Hà Nội - Hạ Long - Cát Bà.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội, Công ty Thiên Thảo Nguyên sử dụng gần 20 đầu xe, loại xe khách giường nằm 40 chỗ, quảng cáo bán vé trên mạng, thu tiền trực tiếp nhưng không xé vé cho hành khách.

Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên sử dụng hàng chục chiếc xe biển kiểm soát Lào, dưới thương hiệu Interbus Line để kinh doanh chui trên tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sapa và Hà Nội - Hạ Long - Cát Bà.

Để làm rõ thực hư, PV Đại Đoàn Kết Online đã vào vai một hành khách có nhu cầu di chuyển từ Hà Nội đến Sapa, liên hệ qua tổng tài 19001137 để đặt chỗ và được nhân viên của Interbus Line hướng dẫn “tận tình”.

Nhân viên của hãng xe này cho biết, tùy từng ngày và số lượng khách đặt mà nhà xe có số lượng chuyến khác nhau. Xe Cabin love có giá 650 nghìn đồng/giường, nếu đi một mình thì chỉ mất khoảng 400 nghìn đồng.

Sau khi chuyển khoản nhà xe sẽ cho lái xe chủ động liên hệ từng khách hàng trước mỗi điểm đón khách. Đặc biệt, những chiếc xe mang biển kiểm soát Lào, được dán đủ các hình thù bên ngoài di chuyển qua hàng chục tuyến đường nội thành Hà Nội mà không găp bất cứ trở ngại nào từ phía lực lượng chức năng.

Theo ghi nhận của PV, điểm đón khách đầu tiên của chiếc xe này nằm tại vị trí số 1 BT4 Phố Nam Sơn, bán đảo Linh đàm, sau khi đón khách tại đây, xe di chuyển theo đường Nguyễn Hữu Thọ, tiếp tục bắt khách tại vị trí 419 đường Giải Phóng, một điểm bắt khách nữa của chiếc xe nằm trước cổng trường Đại học Bách Khoa nằm trên đường Giải Phóng. Chiếc xe di chuyển theo hướng Trần Khát Chân bắt khách tại số nhà 51 sau đó di chuyển theo hướng đê Nguyễn Khoái.

Không chỉ chui sâu vào phố cổ, xe khách Inter Bus Lines còn liên tục di chuyển qua nhiều đường phố thuộc quận Ba Đình, Đống Đa, thản nhiên bắt khách tại các điểm như số 5 Trần Nguyên Hãn, số 20 Kim Mã, 26 Nguyễn Khánh Toàn, số 144 Xuân Thủy, số 204 Hoàng Quốc Việt, cổng công viên Hòa Bình.

Lái xe điều kiển xe theo hướng cầu Thăng Long rồi tiếp tục bắt khách tại cầu vượt Kim Chung, sân bay Nội Bài và ngã ba Kim Anh. Đặc biệt, tại sảnh chờ sân bay Nội Bài chiếc xe này dừng khoảng 30 phút để bắt các hành khách nước ngoài.

Để có thể di chuyển hết các điểm đón khách được nhà xe định sẵn mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Sau khi bắt hơn 40 hành khách, chiếc xe lên cao tốc Nội Bài – Lào Cai rồi di chuyển thẳng tới thị xã Sapa nằm trên địa bàn tỉnh Lào Cai rồi trả khách tại vị trí 436 Điện Biên Phủ (thị xã Sapa).

Điều đáng nói, mặc dù là xe biển kiểm soát Lào, nhưng lại đón, trả khách trong nước, hoạt động không khác gì xe khách nội địa dưới hình thức thu gom khách lẻ. Trên kính trước của xe không có tem kiểm định kỹ thuật, không có phù hiệu xe hợp đồng hay xe tuyến cố định.

Khó xử lý hay làm ngơ?

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, các xe mang biển kiểm soát Lào của Interbus Line hoạt động trên tuyến Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa không phải nộp bất cứ khoản thuế, phí nào. Trong khi đó doanh nghiệp Việt phải nộp từ 1,7 - 2,3 triệu đồng/xe/tháng, rồi phí bảo trì đường bộ, các loại thuế, phí…

Việc chạy “chui”, sử dụng xe biển nước ngoài đã giúp cho giá vận chuyển của xe Interbus Line thấp hơn nhiều so với xe Việt, cạnh tranh không sòng phẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường và các đơn vị vận tải làm ăn chân chính.

Xe khách biển Lào ngang nhiên trả khách tại vị trí 436 Điện Biên Phủ (thị xã Sapa).

Ghi nhận thực tế cho thấy, quãng đường vài trăm cây số, đi xuyên qua nội thành Hà Nội, tiếp tục qua 3 tỉnh khác, xe Interbus Line không hề bị kiểm tra, xử lý. Dường như cả đoàn xe chở vài trăm hành khách, có lúc cả ngàn hành khách mỗi ngày này biết cách “tàng hình” trước mặt Cảnh sát giao thông, Thanh tra GTVT Hà Nội, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Yên Bái…

Đại diện Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai cho biết, hãng xe này hoạt động trên địa bàn nhưng không phải do Sở quản lý, Sở không cung cấp phù hiệu, biển hiệu cho hãng xe này, nếu xảy ra vi phạm sẽ xử lý.

“Chúng tôi cũng rất bức xúc khi một số doanh nghiệp vận tải hoạt động trên địa bàn chấp hàng đúng pháp luật đóng đầy đủ thuế, phí, bến bãi, có trách nhiệm với xã hội nhưng lại đang phải chịu thiệt thòi”- Đại diện Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai nhấn mạnh.

Thế nhưng đó chỉ là lời nói. Tới nay đoàn xe Interbus Line đã hoạt động trong thời gian rất dài, bất chấp mọi quy định của pháp luật, hàng ngày đưa đón khách trên địa bàn Lào Cai, Thị xã Sapa một cách êm thấm.

Ông Trần Văn Trường - phòng CSGT Lào Cai cho biết: “Chúng tôi giao cho đồng chí phó phòng chỉ đạo đội tuần tra phối hợp với các đơn vị kiểm soát nếu có xảy ra vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Các hãng xe này rất khép kín từ trước đến nay, không chỉ lách luật mà còn có các chuyên gia nghiên cứu đầy đủ hết các thủ tục hợp đồng, phương thức hoạt động. Cho nên, việc xử lý rất khó khăn”.

Theo ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội nhận định, Công ty TNHH Thiên Thảo Nguyên (hãng xe Interbus Line) vừa trốn thuế nhập khẩu xe lại không chấp hành quy định về kê khai giá cước vận tải. Đáng lo ngại hơn là gây nên hiện tượng tranh giành khách làm rối loạn thị trường vận tải.

Tiến sĩ Luật Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, xe khách biển Lào hoạt động ở Việt Nam và xe Việt Nam hoạt động ở Lào phải tuân thủ Hiệp ước liên vận giữa hai quốc gia. Theo đó, xe liên vận chỉ được hoạt động theo tuyến cố định, đón khách ở một điểm và trả khách ở một điểm, không được đón, trả khách trong nước.

Điều đáng lo ngại nhất là xe hoạt động chui, không xé vé cho hành khách, vận chuyển cả khách du lịch nước ngoài, nếu xảy ra tai nạn giao thông, có thương vong ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành khách? Nếu có rủi ro với khách nước ngoài, vấn đề sẽ không còn là tai nạn giao thông đơn thuần. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho các vấn đề quốc tế? Hay tất cả sẽ lại đùn đẩy, đá quả bóng trách nhiệm đi khắp nơi?

Lê Khánh