Cách nào kìm giá xăng?

H.Hương – M.Sang 25/05/2022 07:21

Sau 10 lần tăng giá kể từ đầu năm 2022, giá xăng RON 95-III đã lập đỉnh mới, lên 30.657 đồng/ lít. Nhiều chuyên gia lo ngại, với đà tăng giá của mặt hàng xăng dầu - đầu vào của nền kinh tế, mức lạm phát mục tiêu đặt ra dưới 4% liệu có khả thi?

Giá xăng tăng liên tiếp khiến người dân lo lắng. Ảnh: Quang Vinh.

Giá xăng tăng, kéo theo giá nhiều mặt hàng tăng

Giá xăng tăng liên tiếp trong các kỳ điều chỉnh gần đây, và đến ngày 23/5, liên Bộ Tài chính - Công thương đã tiếp tục điều chỉnh giá xăng lên 30.650 đồng/lít. Giá xăng lập đỉnh mới, người dân và người buôn bán nhỏ càng cảm thấy lo lắng hơn.

Chị Đỗ Thị Quỳnh Nhung (Long Biên - Hà Nội) cho biết: “Bây giờ cái gì cũng đắt. Đổ đầy 1 bình xăng phải chi thêm khoảng 40.000 đồng so với trước kia. Trong khi đó suất cơm hộp cũng tăng giá, tình hình như này lương tháng sắp không đủ chi tiêu”.

Dường như, việc giá xăng tăng kéo theo mọi chi phí tăng đã trở thành một điều ngẫu nhiên. Nhiều mặt hàng tiêu dùng thực sự đã thiết lập mặt bằng giá mới. Trong đó, dầu ăn là một trong những mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong thời gian vừa qua. Các đại lý điều chỉnh giá dầu ăn 3 lần trong hơn 4 tháng qua, từ 32.000 đồng lên 48.000 đồng một lít kể từ đầu năm. Giá bán lẻ mặt hàng này cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2020, lên 48.000-55.000 đồng/lít.

Tương tự, dòng sản phẩm trung và cao cấp như dầu đậu nành, dầu hướng dương tăng lên 68.000-85.000 đồng một lít, tăng 90% so với cùng kỳ 2020. Giá dầu tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ sự tăng vọt của giá nguyên liệu sản xuất. Hai năm qua, giá dầu cọ - nguyên liệu chiếm khoảng 80% giá thành dầu ăn đã tăng gấp 4 lần.

Bên cạnh đó, giá gạo, mì ăn liền, các loại gia vị, thực phẩm tươi và thực phẩm chế biến sẵn cũng nhích lên. Nhiều người bán hàng cho biết, giá hàng hóa tăng do chi phí vận chuyển nhích lên dưới tác động của 9 đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp kể từ đầu năm. Mặt khác, do dịch bệnh Covid-19 và tình hình chính trị tại một số nơi trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nên nguồn cung nguyên nhiên liệu sản xuất bị ảnh hưởng, có thời điểm đứt gãy. Chi phí sản xuất vì vậy mà tăng cao.

Nhưng không chỉ dừng ở mức giá này, các tiểu thương than thở: Giá hàng hoá tăng, bán hàng cũng chậm hơn nhưng lo hơn là đi lấy hàng, kho hàng nào cũng cho biết, giá còn tăng nữa.

Dù không mong muốn, nhưng ảnh hưởng của giá xăng tăng đối với nền kinh tế là rất lớn. Theo quy luật, bất cứ khi nào giá xăng, dầu tăng cao sẽ kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng. Giá xăng, dầu tác động trực tiếp đến cả những mặt hàng tiêu dùng nhỏ nhất như mớ rau, cân thịt. Tuy nhiên, nếu để nói mặt hàng chịu tác động trực tiếp đầu tiên từ giá xăng, dầu tăng chính là dịch vụ vận tải.

Anh T.M.H., một xe ôm công nghệ chia sẻ, điện thoại của anh cài đến 6 ứng dụng và chạy xe ở cả 6 ứng dụng này. Mỗi ngày chạy “bạc mặt” hết 1 bình xăng 120.000 đồng nhưng hàng tháng cũng chỉ dành dụm đưa được cho vợ khoảng 8-9 triệu đồng.

“Trước giá xăng thấp, tiền cước vận chuyển thấp còn dễ kiếm khách, từ khi giá xăng lên là khách cũng vắng hẳn, vì thế nên phải đăng ký nhiều ứng dụng để chạy bù” - anh H. chia sẻ.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát nhận định, giá xăng, dầu tăng phi mã như hiện nay sẽ đẩy chi phí hoạt động của các nhà xe lên cao, nếu không sớm có biện pháp kìm giá xăng sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rơi vào khó khăn. Nếu giá nhiên liệu giữ ở mức cao và kéo dài, các đơn vị vận tải sẽ buộc phải điều chỉnh tăng giá cước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả hành khách đi xe và nhà xe.

Giới chuyên gia cho rằng, xu hướng tăng giá còn tiếp tục trong cả năm 2022 do thiếu hụt về nguồn cung.

Theo ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, thị trường đang bị ảnh hưởng rất nhiều từ nguồn vật liệu của Trung Quốc. Rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nguồn cung rất căng thẳng, giá rất khó đoán.

Giá xăng đã lập đỉnh mới, lên trên 30.000 đồng/ lít. Ảnh: Quang Vinh.

Để hạn chế mức tăng giá hàng hóa tiêu dùng, giảm áp lực cho người dân, theo các chuyên gia, cần thiết phải đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào, tránh để tình trạng khan hiếm xảy ra. Cùng với đó, cần có thêm biện pháp để hạn chế mức tăng giá các nguyên nhiên liệu đầu vào. Đối với giá xăng dầu, cần tiếp tục giảm một số loại thuế, phí như thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), rà soát lại giá cơ sở trong giá xăng dầu để kiềm chế tăng giá, góp phần tạo tâm lý tiêu dùng tích cực trong nhân dân.

Trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) cho rằng việc giảm thuế chưa bù đắp được tỷ lệ tăng giá. Giá xăng dầu tăng thời gian này do nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân do căng thẳng giữa Nga và Ukraine dẫn tới biến động địa chính trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung ứng.

Về bản chất, nguồn cung xăng dầu không phải khan hiếm nhưng do bị đứt gãy nên trong một giai đoạn nhất định hàng hóa không chuyển tiếp tới người tiêu dùng, từ đó giá bị đẩy lên cao. Để kiểm soát giá xăng dầu, Chính phủ đã sử dụng những công cụ như giảm tới 50% mức thu thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel và sử dụng quỹ bình ổn.

Những công cụ dự trữ về dư địa chính sách đã được áp dụng. Tuy nhiên, mức giá xăng dầu giảm không đáng kể, bởi việc giảm không bù đắp lại tỷ lệ phần trăm tăng giá.

Giới chuyên gia nhận định, mặc dù báo cáo của Chính phủ cho thấy, bức tranh kinh tế hơn 4 tháng qua có triển vọng tốt, với hầu hết các lĩnh vực đều tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái nên cần hết sức lưu ý về tính bền vững trong tăng trưởng, khi diễn biến của chỉ số này có thể còn phức tạp.

Giảm thuế TTĐB đối với xăng dầu

Giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế đang trên đà hồi phục, việc giá xăng dầu liên tục tăng gây áp lực rất lớn lên tiến trình này. Giá xăng dầu trong nước lại đang phụ thuộc giá thế giới nên giá trong nước rất khó giảm. Tuy nhiên, nhà quản lý vẫn có thể kìm hãm đà tăng này bằng chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Giảm được một số loại thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp lúc này là rất nên làm.

Tại Việt Nam, Thuế TTĐB được Quốc hội ban hành năm 1998 và có hiệu lực từ ngày 1/1/1999. Trong thực tiễn nền kinh tế - xã hội, với yêu cầu quản lý thuế trong từng giai đoạn, với chính sách điều tiết của Nhà nước trong từng thời kỳ, các luật được tiến hành sửa đổi.

Năm 2008, Quốc hội ban hành thuế TTĐB mới, trong đó xăng các loại và các chế phẩm liên quan cũng vẫn chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/4/2009.

Sau đó đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB. Đến luật này, chỉ có các loại xăng là chịu thuế TTĐB, còn các chế phẩm liên quan đến xăng được bỏ ra khỏi đối tượng chịu thuế này. Thuế suất cũng được cập nhật vì có thêm xăng E5, E10 và thuế suất lần lượt là 7%, 8%. Xăng các loại khác vẫn ấn định thuế suất 10%.

Mặt khác thuế TTĐB là sắc thuế điều tiết hành vi người tiêu dùng với các loại sản phẩm không được khuyến khích. Nó bao gồm những sản phẩm tiêu dùng không mang lại lợi ích chung cho xã hội, cần hạn chế. Xăng, dầu là nhiên liệu và năng lượng đầu vào thiết yếu của nền kinh tế. Không có xăng dầu, các hoạt động công nghiệp và giao thông vận tải không vận hành được.

Tuy nhiên, mặt hàng này lại có lý do để áp thuế TTĐB, bởi đây là mặt hàng có thể gây ra những yếu tố ô nhiễm môi trường, là tài nguyên không thể tái tạo nên phải hạn chế tiêu dùng. Áp thuế TTĐB với mặt hàng này để khuyến khích người tiêu dùng dùng ít đi và chuyển sang các nguồn năng lượng sạch thay thế.

Khi giá xăng tăng nóng, câu chuyện giảm thuế hay bỏ thuế TTĐB đối với xăng dầu được đặt ra. Nhưng muốn giảm hay bỏ thuế TTĐB đối với xăng bắt buộc phải sửa luật và chặng đường sửa luật khá dài.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, thuế TTĐB là thuế gián thu, nhà sản xuất xăng, dầu và nhập khẩu phải nộp.

Hiện tại, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: Giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%; TTĐB 10% và bảo vệ môi trường. Như vậy, ước tính bình quân thuế, phí hiện chiếm khoảng 42 - 43% đối với xăng và 21 - 27% đối với dầu.

Nhiều mặt hàng tiêu dùng leo thang theo giá xăng.

Thuế TTĐB có tác dụng định hướng hành vi, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với mục tiêu phát triển xanh, sạch mà Đảng, Nhà nước đã và đang tiến hành, cam kết với quốc tế. Thế nên, việc phải giảm hay bỏ ngay thuế TTĐB với xăng e là còn nhiều rào cản. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, trước việc giá xăng, dầu thế giới biến động từng ngày, chi phí của DN, người dân cũng vì thế mà tăng lên, áp lực lạm phát hiện rất rõ...

Đặc biệt, trong bối cảnh xăng, dầu chưa có được nguồn năng lượng thay thế hữu hiệu, việc tiêu thụ khá phổ biến… thì việc giảm thuế TTĐB trong một thời gian như đối với thuế bảo vệ môi trường cũng là điều cần cân nhắc. Mức giảm cần cân đối ở mức hợp lý để người dân vẫn có ý thức tiết kiệm, nhưng không làm tăng chi phí đầu vào ở các ngành sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng cho biết, hiện cơ cấu thuế phí đang chiếm 38% trong giá bán xăng và 20% đối với dầu. Vì vậy trong điều kiện hiện nay, để duy trì đà phục hồi của tăng trưởng kinh tế và để giúp cho gói kích thích kinh tế của Chính phủ thì việc giảm thuế đối với xăng dầu là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine có thể còn kéo dài. Việc giảm thuế TTĐB vào lúc này là rất phù hợp. Mức giảm có thể 50%-75%. Thời gian giảm có thể trong ngắn hạn hoặc dài hạn.

Một số chuyên gia còn nhấn mạnh rằng, về nguyên tắc, đối với xăng dầu đã có thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, tại sao lại có thêm TTĐB trong khi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không chỉ cho người tiêu dùng mà thiết yếu với cả sản xuất? Xăng dầu chiếm khoảng 5,8% trong giá trị sản xuất và chiếm 8,2% trong chi phí trung gian của nền kinh tế; riêng đối với nhóm ngành vận tải, xăng dầu chiếm 56,1% trong giá trị sản xuất và chiếm khoảng 71% trong tổng chi phí trung gian. Khi giá xăng tăng cao thì số thu từ thuế TTĐB đối với xăng cũng tăng cao, nên chăng điều chỉnh mức thu hoặc cần thiết bỏ hẳn thu thuế TTĐB đối với xăng dầu.

GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:

Nhiều mặt hàng tiêu dùng cao cấp chưa bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt

Theo tôi, cần rà soát lại các đối tượng đang chịu thuế để nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phù hợp thực tiễn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở phân loại các nhóm mặt hàng cần thực hiện chủ trương điều tiết đúng hướng sản xuất, tiêu dùng và phân phối thu nhập để đưa thêm một số hàng hóa, dịch vụ vào đánh thuế TTĐB.

Hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều mặt hàng là tiêu dùng cao cấp nhưng chưa bị đánh thuế TTĐB. Việc mở rộng diện chịu thuế TTĐB với những hàng hóa dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, mở rộng thêm được nguồn thu, góp phần tăng tỷ trọng thu thuế TTĐB trong tổng thu Ngân sách Nhà nước.

Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội:

Áp dụng thuế TTĐB với xăng dầu là không hợp lý

Xăng dầu là hàng hóa thiết yếu của người dân và doanh nghiệp.

Thuế TTĐB chỉ đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, cho nên áp dụng thuế TTĐB với xăng dầu là không hợp lý, nhất là trong bối cảnh chi phí sản xuất đầu vào tăng rất nhanh.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam lại đang kích thích tiêu dùng, sản xuất để phục hồi sau dịch Covid-19. Không thể chỉ nhìn vào việc giảm thu ngân sách khoảng 30.000 tỷ đồng mà chần chừ giảm thuế để hạ giá xăng dầu.

T.Hằng(ghi)

H.Hương – M.Sang