Loay hoay với dự án 'khủng'
Hiện TP Hồ Chí Minh còn nhiều dự án hạ tầng chậm tiến độ, như tuyến metro, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án ngăn triều chống ngập, nhóm dự án quanh sân bay Tân Sơn Nhất...
Được phê duyệt từ năm 2016 và kỳ vọng hoàn thành ít năm sau đó nhưng tới nay nhóm dự án hạ tầng quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) gồm đường mới, cầu vượt, hầm chui, cải tạo đường cũ... vẫn chỉ nằm trên giấy, chưa khởi công.
Trong đó, dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn với đường Cộng Hòa (song song với đường Cộng Hòa hiện hữu, dài 4 km, thiết kế 6 làn xe được kỳ vọng nhiều nhất. Dự án có tổng nguồn vốn khoảng 4.800 tỷ đồng không chỉ kết nối và phá thế độc đạo dẫn vào sân bay từ đường Trường Sơn mà còn góp phần giảm áp lực phương tiện ở đường Cộng Hòa. Tuy nhiên, dự án liên tục bị lùi thời gian thi công.
Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP HCM) cho biết dự án này dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2022 và hoàn thành sau 18 tháng thi công.
Cũng theo ông Đường, nhóm dự án quanh khu vực sân bay còn có dự án cải tạo đường Cộng Hòa (từ hẻm số 2 đường Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long, quận Tân Bình) với tổng mức đầu tư 141,8 tỷ đồng và dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám (từ cổng doanh trại quân đội đến đường Cộng Hòa) có tổng đầu tư 257 tỷ đồng. Đây là các dự án đồng bộ giúp giảm ùn tắc ở khu vực sân bay diễn ra ngày một phức tạp.
Ngoài ra, dự án cải tạo đường Tân Kỳ Tân Quý từ nút giao Lê Trọng Tấn tới đường Cộng Hòa cũng đóng vai trò rất quan trọng, kết nối với nhóm dự án trên. Tuy được phê duyệt từ năm 2018 nhưng tới nay, dự án dài khoảng 1 km với tổng nguồn vốn hơn 2.100 tỷ đồng vẫn chưa hoàn thành khâu giải phóng mặt bằng.
Với vị trí nằm ở trung tâm và có khu dân cư đông đúc hiện hữu, thời gian để khởi công và hoàn thành các dự án trên sẽ rất khó khăn dù đều là các dự án cấp bách, cần thiết.
Cũng có số phận tương tự, 4 đoạn rời của tuyến đường Vành đai 2 TP HCM hiện vẫn còn dang dở. Điều đáng nói, TP HCM đang gấp rút triển khai làm dự án Vành đai 3 nhưng dự án đường Vành đai 2 khởi động từ năm 2007 đến nay vẫn chưa khép kín.
Sau khoảng 15 năm, đường Vành đai 2 còn 14km gồm các đoạn từ cầu Phú Hữu (TP Thủ Đức) đến Xa lộ Hà Nội, đoạn từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng tới nút giao Gò Dưa và đoạn từ quốc lộ 1A tới đường Nguyễn Văn Linh.
Điều đáng nói, do việc chậm trễ trong triển khai khiến dự án liên tục bị đội vốn gấp nhiều lần dẫn tới các thủ tục pháp lý cũng phải thay đổi theo. Hiện nay TP HCM dự kiến tới năm 2025 mới có thể hoàn thành các đoạn trên.
Ngoài ra, hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng khác như dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương hay dự án BOT đường thủy Bình Lợi trên sông Sài Gòn...
Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Bá Chí Nhân, tình trạng các dự án hạ tầng chậm tiến độ làm tăng tình trạng ùn tắc, kẹt xe ở TP HCM đồng thời có tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế, xã hội của người dân. Ngoài ra việc thiếu hụt hạ tầng giao thông cũng ảnh hưởng tới sự cạnh tranh và vị thế dẫn đầu khu vực phía Nam của TP HCM do hạ tầng các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu... đang được xây dựng tốt hơn.
Thực trạng các dự án hạ tầng chậm tiến độ vì giải phóng mặt bằng khiến nguồn vốn bị đội lên buộc cơ quan quản lý phải điều chỉnh thủ tục pháp lý để tái triển khai đang là vòng luẩn quẩn ở TP HCM với hàng loạt dự án đang đối mặt.