Thay vì tranh cãi tự chọn hay bắt buộc, môn Lịch sử cần sự thay đổi

Nguyễn Hoài 25/05/2022 12:33

Đến giai đoạn hiện nay, các trường THPT đã hoàn tất việc xây dựng phương án tổ chức dạy học. Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu Lịch sử thay đổi thành môn học bắt buộc, liệu có ảnh hướng tới phương án dạy học của các trường khi từ nay đến thời điểm năm học mới bắt đầu chỉ còn hơn 3 tháng.

Thay đổi có phức tạp?

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 cả nước sẽ bắt đầu học Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Theo đó, có 7 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương.

Ba nhóm môn học để chọn 5 môn gồm: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật).

Riêng nhóm môn Khoa học xã hội, Lịch sử là môn lựa chọn. Như vậy, vị trí của môn Lịch sử đã hoàn toàn thay đổi khi được xếp là môn tự chọn.

Học sinh Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) trong giờ học môn Lịch sử.

Theo nhận xét của nhiều giáo viên, nội dung môn Lịch sử chương trình mới có nhiều điều hay và thú vị hơn, là bước tiến so với chương trình hiện hành; số tiết học cũng được tăng thêm 0,5 tiết/tuần. Tuy nhiên, với cách sắp xếp Lịch sử là môn lựa chọn khiến dư luận không đồng tình. Hầu hết các ý kiến đều bày to lo ngại về nhiều hệ lụy khi học sinh không chọn học môn Lịch sử.

Những ngày qua, nhiều giáo viên, chuyên gia, đại biểu quốc hội đã nêu quan điểm, cần đặt môn Lịch sử ở đúng vị trí của nó, phải là môn bắt buộc. Tại phiên họp toàn thể lần thứ 3, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội đã đề nghị Bộ GDĐT tiếp thu và quy định môn học Lịch sử bậc THPT trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Đến giai đoạn hiện nay, các trường THPT đã hoàn tất việc xây dựng phương án tổ chức dạy học. Nhiều ý kiến băn khoăn, nếu Lịch sử thay đổi thành môn học bắt buộc, liệu có ảnh hướng tới phương án dạy học của các trường khi từ nay đến thời điểm năm học mới bắt đầu chỉ còn hơn 3 tháng.

Giữ quan điểm Lịch sử phải là môn bắt buộc, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường Tiểu học, THCS và THPT Đông Bắc Ga (TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, nếu Lịch sử thay đổi từ môn lựa chọn sang bắt buộc rõ ràng sẽ ảnh hưởng tới các môn học khác. Tuy nhiên, sự thay đổi này là thay đổi về mặt kỹ thuật không quá khó và không làm xáo trộn chương trình.

Thầy Hiển đưa phương án, sắp xếp các chuyên đề, chủ đề theo 2 hướng bắt buộc và lựa chọn. Những chủ đề, chuyên đề bắt buộc dành cho tất cả học sinh học, còn những chủ đề, chuyên đề nâng cao dành cho học sinh lựa chọn theo tổ hợp môn Khoa học xã hội.

Cũng theo thầy Hiển, thay đổi này không làm ảnh hưởng tới phương án, đội ngũ giáo viên mà nhà trường đã xây dựng, chuẩn bị. Bởi lâu nay ở bậc THPT, Lịch sử vốn là môn học bắt buộc.

Về vấn đề này, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, quan điểm Lịch sử phải là môn bắt buộc đã được ông đề cập nhiều lần từ năm 2015.

PGS.TS Nghiêm Đình Vì nêu quan điểm: "Có ý kiến cho rằng nếu Lịch sử thành môn bắt buộc ở cấp THPT thì phải sửa cả chương trình môn học này, trong khi chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc sửa không quá phức tạp, 3 tháng là có thể sửa được theo hướng phần chủ đề dành để dạy học sinh bình thường, còn phần chuyên đề chuyên sâu sẽ dạy cho những học sinh yêu thích môn lịch sử".

Việc cần làm là khắc phục những bất cập

Trước những tranh cãi trái chiều chưa có hồi kết, nhiều chuyên gia cho rằng, việc cần làm là khắc phục những tồn tại, hạn chế trong dạy và học môn Lịch sử chứ không phải vấn đề là môn bắt buộc hay tự chọn.

Tình trạng học sinh học lệch, không mặn mà với môn học, điểm thi rất thấp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT... là thực tế tồn tại trong suốt thời gian qua.

Tuy nhiên, dù được nói nhiều nhưng thực trạng này đến nay vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhưng chỉ có 11,52% thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử.

Năm 2019, tỷ lệ học sinh đạt dưới trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT là 70%; năm 2020 là gần 47%; năm 2021 con số này là hơn 52,03%.

Một tiết học Lịch sử của cô và trò Trường THCS Nhật Tân.

Trong đó, điểm trung bình của các thí sinh là 4,97 điểm. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm gần 34.500 em. Số thí sinh từ 1 điểm trở xuống (điểm liệt) là 540 em. Đây là môn thi có nhiều thí sinh bị điểm liệt nhất trong kỳ thi này.

Nhiều năm dạy học môn Lịch sử ở bậc THPT, thầy Hồ Như Hiển cũng cho rằng, dù là môn lựa chọn hay bắt buộc, thời gian tới, phương pháp dạy môn Lịch sử cần những thay đổi lớn. Bởi hiện nay, theo đánh giá của thầy Hiển, cách dạy Lịch sử đang có nhiều vấn đề. Đây không phải nhận xét chủ quan của một giáo viên mà việc dư luận xã hội, học sinh ngại học sử đã chỉ ra thực tế này.

Thầy Hiển cho biết: “Để cuốn hút học sinh với môn Lịch sử, trước hết phải thay đổi, giảm tải chương trình, tránh nặng nề. Giáo viên cũng cần thay đổi, làm mới mình, tăng cường chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp dạy, thậm chí là thay đổi từ cách nghĩ. Lịch sử cần có một “cú hích” để môn học ở đúng vị trí, tầm quan trọng của nó”.

Đề cấp tới đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, muốn đổi mới trước hết là ở đội ngũ giáo viên.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, hiện nay, một bộ phận giáo viên chưa chú tâm với nghề, có thầy cô sáng lên lớp, chiều đi bán hàng online. Nhưng nguyên nhân chính là bởi đồng lương từ nghề còn ít ỏi khiến đời sống của không ít giáo viên gặp nhiều khó khăn nên họ phải tranh thủ làm thêm là điều dễ hiểu.

“Trong bối cảnh hiện nay, đổi mới phương pháp dạy học là điều đương nhiên đối với mỗi giáo viên nhưng tôi cho rằng, đổi mới phải đồng bộ. Muốn môn học thực sự đổi mới, bên cạnh giáo viên thì ngành giáo dục cũng cần thay đổi, quan tâm hơn tới đời sống của đội ngũ nhà giáo”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng nhấn mạnh.

Thay đổi tiêu chí "đầu ra"

Thầy Lê Văn Tích, giáo viên dạy môn Lịch sử, Trường THCS Diễn Bích (Diễn Châu, Nghệ An) cho rằng, việc xây dựng và ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông mới của Bộ GDĐT là thực hiện theo quy định của pháp luật và chương trình đang đi đúng hướng. Dù Lịch sử là môn học lựa chọn hay bắt buộc đi chăng nữa mà cách dạy và học như hiện nay thì học sinh học Lịch sử cũng chỉ theo cách đối phó.

Bên cạnh việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học, thầy Tích nêu quan điểm: “Chúng ta cần thay đổi các tiêu chí “đầu ra”, nên coi sự hiểu biết lịch sử dân tộc là một trong những yếu tố bắt buộc khi thi tuyển việc làm. Có như vậy mới cải thiện được cách học và cách dạy hiện nay”.

Nguyễn Hoài