Sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị là thuốc hay thực phẩm chức năng?
Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo xác định rõ sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý.
Ngày 25/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Theo ông Long, dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 12 chương và 106 điều, thêm 3 chương (chương VI, X, XI) so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.
Bộ Y tế đã xây dựng nội dung dự án luật theo hướng “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua việc quy định đồng thời các giải pháp về: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.
Ông Long cho biết, luật mới bỏ quy định đối tượng theo văn bằng chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề như Luật năm 2009 và thay thế bằng quy định chức danh nghề nghiệp phải có giấy phép hành nghề.
Trên cơ sở chức danh nghề nghiệp được quy định trong luật, Chính phủ sẽ quy định văn bằng chuyên môn tương ứng với từng chức danh. Quy định giấy phép hành nghề có giá trị thời hạn là 5 năm với điều kiện gia hạn là phải cập nhật kiến thức y khoa như đã nêu trên cùng với việc phải có đủ sức khỏe và không thuộc trường hợp bị cấm hành nghề.
Thẩm tra vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định rõ vai trò, chức năng, phạm vi hành nghề của 9 chức danh phải có Giấy phép hành nghề; tiếp tục rà soát để không bỏ sót các chức danh tham gia trực tiếp hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cần được cấp Giấy phép hành nghề.
Bên cạnh đó, Ủy ban đề nghị Cơ quan soạn thảo tổng kết việc thực hiện quy định liên quan đến y sĩ, đánh giá rõ vị trí, vai trò, hoạt động và sự phù hợp của chức danh này trong hệ thống y tế để có quy định phù hợp.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, bà Anh cho biết đa số ý kiến trong trong Ủy ban cho rằng, cần tiếp tục cấp Giấy phép hành nghề đối với chức danh y sĩ ở các khu vực chứ không chỉ đối với y sĩ thuộc lực lượng vũ trang.
Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế có định hướng và tiến hành đồng thời các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo đối với lực lượng y sĩ để đáp ứng nguồn nhân lực y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.
Ủy ban Xã hội thấy rằng: Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, liên quan đến lĩnh vực an sinh xã hội, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá.
Nhiều ý kiến trong Ủy ban thống nhất với quy định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Giá nhưng cần bổ sung quy định nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ y tế khối tư nhân.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác trong Ủy ban thấy rằng, cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân để đảm bảo quyền của người bệnh.
Liên quan đến Điều 73 của dự thảo luật quy định ‟Dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị gồm dinh dưỡng lâm sàng và việc sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị”. Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo xác định rõ sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị là thuốc hay thực phẩm chức năng để có cơ chế quản lý việc kê đơn trong khám bệnh, chữa bệnh phù hợp. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này tại dự thảo luật do chưa có căn cứ vững chắc.