Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội 'lên tiếng' việc Lịch sử là môn học lựa chọn

Mai Loan 25/05/2022 19:07

Uỷ ban Văn hoá, giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử, các ĐBQH, quy định môn học Lịch sử cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Uỷ ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội vừa có báo cáo về “việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn Lịch sử cấp trung học phổ thông”.

Theo đó, Uỷ ban này cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến cử tri, nhân dân và dư luận băn khoăn đối với quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, không phải là môn học bắt buộc; đồng thời cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc cho học sinh.

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến cử tri trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Văn hóa, giáo dục tiếp tục giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung liên quan đến môn học Lịch sử ở cấp trung học phổ thông, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình đối với việc đưa môn Lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn.

Theo đó, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử; bồi dưỡng năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội; từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây cũng là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, về xã hội, về các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người.

Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh trung học phổ thông là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu học sinh không lựa chọn môn lịch sử ở cấp trung học phổ thông (thực tiễn cho thấy, số lượng này có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.

Ở nhiều nước trên thế giới, môn Lịch sử trong Chương trình trung học phổ thông luôn là môn học bắt buộc.

Ủy ban thống nhất với quan điểm của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân đối với môn học Lịch sử; sự cần thiết cân nhắc phương án đối với việc dạy học môn Lịch sử cấp trung học phổ thông và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trong thời gian tới.

Ủy ban Văn hoá, giáo dục cho rằng, môn Lịch sử cần được xác định vị trí đặc biệt quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng tinh thần Nghị quyết số 113/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội, đồng thời bảo đảm mục tiêu “chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống văn hóa, lịch sử,…, hình thành nhân cách, lòng yêu nước và sự hiểu biết, nhận thức về truyền thống dân tộc của học sinh và cho thế hệ trẻ". Vì vậy, cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp Nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Từ những lập luận trên, Uỷ ban Văn hoá, giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tiếp thu ý kiến các tầng lớp nhân dân, ý kiến đội ngũ chuyên gia lịch sử, các đại biểu Quốc hội, quy định môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc với khối lượng kiến thức phù hợp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục đối với môn học Lịch sử; đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn Lịch sử.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn Lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước đó trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp. Trong đó có phản ánh việc cử tri và nhân dân băn khoăn về việc Bộ Giáo dục và đào tạo đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn đối với bậc THPT.

Trong sáng nay khi Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, ĐB Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) cho rằng, giáo dục là vấn đề các quốc gia rất ổn định nhưng giáo dục của ta lại bất ổn và ngày càng tiêu cực hơn. Dạy và học kém đi, thi cử rối hơn. Từ chương trình đến sách giáo khoa, sức khoẻ học sinh từ thể chất, tinh thần. Càng cải cách càng lo lắng hơn là không ổn. Học sinh và giáo viên xuất hiện nhiều tiêu cực, người thầy tiêu cực “tiêm” vào đầu học sinh những tiêu cực.

Theo ông Trí, lịch sử là vấn đề quốc gia dân tộc không thể xem thường trong khi lại đưa thành môn học tự chọn. Vấn đề này phải xin ý kiến Quốc hội, hoặc trưng cầu ý kiến nhân dân.

"Chúng ta phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân" - Đại biểu nói.

Mai Loan