Quảng Ninh: Ngăn chặn hành vi tham nhũng 'vặt' gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhằm bàn các giải pháp cải thiện bền vững chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022.
Ngày 25/5, UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và phân tích chuyên sâu về Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tỉnh Quảng Ninh 2021, phương hướng, giải pháp cải thiện bền vững PCI 2022.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh thông tin, năm 2021 là năm thứ 5 liên tiếp (2017 - 2021) Quảng Ninh giữ vị trí Quán quân PCI và 9 năm liên tiếp (từ năm 2013 - 2021) trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, con đường duy nhất để tiếp tục giữ được thứ hạng PCI, PAR Index, PAPI,… bắt buộc phải tập trung vào các vấn đề tổ chức bộ máy, con người, công nghệ, quy trình và sự phối hợp liên thông giữa các cấp các ngành trong các hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương.
Các cấp, các ngành cần phải làm mạnh mẽ hơn nữa vấn đề thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý sai phạm nhất là những hành vi tham nhũng “vặt” gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là những cán bộ không có động lực để đổi mới sáng tạo…
Tại hội nghị, đại biểu đã dành nhiều thời gian để đánh giá, tập trung thảo luận công tác triển khai cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; phân tích sâu nội hàm các chỉ số thành phần, tập trung vào các chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng, chỉ rõ trách nhiệm, nguyên nhân, từ đó định hướng mục tiêu và đề ra giải pháp quyết liệt, cụ thể trong thời gian tới.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Giám đốc Dự án PCI quốc gia, với những hạn chế đã được chỉ ra, Quảng Ninh có thể cải thiện, tập trung liên quan đến lĩnh vực đất đai; thực hiện mạnh mẽ hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở các lĩnh vực gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã đưa ra 10 kiến nghị về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Quảng Ninh.
Trong đó, nhấn mạnh cần lấy chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cấp huyện, sở, ngành, làm tinh thần cải cách; cải thiện chất lượng dịch vụ công; mở rộng và nâng cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp...
Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu cải thiện từ tổng điểm Chỉ số PCI 73,02 lên 75,38 điểm, tăng 2,36 điểm so với năm 2021.
Đối với 10 chỉ số thành phần, phấn đấu có 6 chỉ số trong top 5, gồm: Chi phí Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Tính năng động, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự. Đồng thời, ưu tiên tập trung và cải thiện vượt bậc điểm số và thứ hạng của 3 chỉ số: Tính minh bạch, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động.