Du lịch thông minh
Không chỉ khi đã kiềm chế được đại dịch Covid-19, mà ngay từ những năm trước đó thì chuyển đổi số đã là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm hàng đầu trong ngành du lịch. Từ cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.
Đó được coi là đòi hỏi tất yếu khi hội nhập quốc tế, đặc biệt đối với những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn. Chuyển đổi số, hay nói rõ hơn là ứng dụng công nghệ chính là để phục vụ công tác quản lý của các doanh nghiệp ngành du lịch. Biết là vậy, nhưng thực tế cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn khá đơn lẻ. Chính vì thế, năm 2022, đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, Chính phủ đã tiếp có Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với Quyết định này, mỗi doanh nghiệp du lịch sẽ là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, kết nối cung cầu du lịch. Nói như ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch trải qua “những ngày đau đớn” nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. “Sóng thần” Covid-19 đã khiến doanh nghiệp du lịch buộc phải lựa chọn chuyển đổi số để tránh tụt hậu. Vì vậy, ở góc nhìn tích cực, không ít ý kiến cho rằng Covid-19 chính là phép thử, là đòn bẩy cho du lịch thực sự chuyển mình giống như một cuộc “lột xác”.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, dù về nhận thức có thể đã “thông”, nhưng thực tế vẫn còn ít doanh nghiệp, sở du lịch địa phương thực sự quyết tâm bước vào cuộc cách mạng công nghệ. Trước hết, đó là do nội lực yếu, không có đủ nguồn vốn đầu tư ban đầu. Cùng đó là thiếu hụt nhân sự phục vụ cho công cuộc chuyển đổi. Từ trước tới nay, xúc tiến và hoạt động du lịch theo lối truyền thống, nhưng nay muốn vào cuộc đua tranh, bứt phá thì đội ngũ nhân sự hiện có khó lòng đáp ứng. Để tuyển dụng, “chiêu mộ” được một đội ngũ hoạt động hiệu quả theo phương thức mới là điều không dễ dàng, trong khi các cơ sở đào tạo nhân viên du lịch lại không nhiều.
Nói tóm lại, cả về nguồn vốn đầu tư lẫn nhân lực mới có trình độ đã và đang là “nút thắt” đối với doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, cũng như nhiều Sở Du lịch địa phương kinh tế còn đang khó khăn.
Chính vì thế, sự chuyển mình của du lịch Việt Nam xem chừng vẫn rời rạc, chưa phát huy được hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển vẫn gặp khó khăn. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng để xây dựng nền tảng phục vụ chuyển đổi số thì trước hết ngành du lịch nên có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chung để các nền tảng có thể liên thông được dữ liệu. Thực tế hiện nay, dữ liệu đang được xây dựng tại các địa phương, các đơn vị còn trong tình trạng mỗi nơi một kiểu, manh mún.
Đáng chú ý, du lịch là ngành đặc thù với sản phẩm rất đặc trưng với chuỗi giá trị (mua hàng, chăm sóc khách hàng, bảo hành/sửa chữa). Nó là tổ hợp của rất nhiều sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm của du khách. Vì vậy, mọi khâu trong chuỗi giá trị phải tốt, mọi liên kết trong chuỗi giá trị cũng cần phải chặt chẽ. Muốn thế phải áp dụng triệt chuyển đổi số, để phát triển các sản phẩm công nghệ theo mô hình một hệ sinh thái du lịch thông minh.
Việt Nam là điểm đến được du khách quốc tế chọn lựa đã nhiều năm qua, và cũng đã nhiều năm (trừ 2 năm 2020 và 2021 bị dịch Covid-19) tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch là rất ấn tượng. Tới thời điểm này, cơ hội bứt phá nữa lại đến, vì vậy cần mạnh mẽ tiến vào cách tổ chức, điều hành mới trên nền tảng công nghệ. Có như vậy, chúng ta mới có được những mùa quả ngọt từ “ngành công nghiệp không khói” mà vốn dĩ Việt Nam là quốc gia tiềm năng.