Nâng tầm chuyển đổi số cho du lịch
Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 nêu rõ, mục tiêu đến năm đến năm 2025, Việt Nam sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch phải là nhiệm vụ tiên phong.
Xu hướng tất yếu
Sau khi chính thức mở cửa trở lại từ ngày 15/3, du lịch Việt Nam đã trải qua 3 dấu mốc quan trọng là kỳ nghỉ giỗ Tổ, 30/4 và 1/5, mới đây nhất là SEA Games 31. Theo thông tin mới nhất từ Sở Du lịch Hà Nội trong dịp SEA Games 31, thành phố đã đón gần 700 nghìn lượt khách du lịch nội địa, hơn 31 nghìn lượt khách quốc tế có lưu trú đến tham quan và tham gia các sự kiện. Để có những tín hiệu khởi sắc này không thể phủ nhận sự “góp sức” của chuyển đổi số trong ngành du lịch.
Ngay khi SEA Games 31 chính thức khai mạc, Tổng Cục Du lịch phối hợp với Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám đã cho ra mắt hệ thống vé điện tử và sản phẩm chuyển đổi số như thẻ du lịch thông minh phục vụ du khách tham quan. Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc triển khai hệ thống vé điện tử và sản phẩm chuyển đổi số trong hoạt động du lịch là quyết tâm của Trung tâm nhằm chuyển đổi trong công tác quản lý vé và phục vụ khách tham quan. Với sản phẩm này, thay vì phải đến xếp hàng mua vé giấy trực tiếp thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn như mua vé online trên trang web, mua vé tại quầy vé tự động hoặc mua vé tại quầy bằng Thẻ du lịch thông minh. Sự lựa chọn đa dạng sẽ giúp cho việc phục vụ khách tham quan, đặc biệt là đối với các đơn vị lữ hành, những đoàn khách đông người trở nên thuận tiện hơn và tạo ra một hình ảnh hiện đại, văn minh tại điểm di tích.
Trước đó, Tổng Cục Du lịch cũng đã triển khai nhiều nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao việc chuyển đổi số. Đơn cử như tham mưu Bộ VHTTDL trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục đã xây dựng các nền tảng số dùng chung của ngành du lịch nhằm phục vụ công tác quản lý, xúc tiến thị trường, phát triển sản phẩm…Tiêu biểu như “Ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn” dành cho khách du lịch; “Ứng dụng Hướng dẫn Du lịch Việt Nam” dành cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý; “Hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19” đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên toàn quốc.
Mới đây, UBND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức khởi động dự án Xây dựng TP Huế văn hóa và du lịch thông minh. Thông qua dự án, Huế sẽ tiếp tục phát triển thành một thành phố du lịch theo hướng cả truyền thống và hiện đại.
Lựa chọn “sống còn”
Có thể nói, việc chuyển đổi số ngành du lịch đang là một xu hướng tất yếu nhằm thay đổi cách làm “thủ công” và giúp các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường trong thời kỳ bình thường mới. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp du lịch thực tế không phải là vấn đề đơn giản. Bởi việc một doanh nghiệp có đủ điều kiện để ứng dụng công nghệ số hay không, chính là yếu tố tiên quyết ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng. Nếu không có sự chuẩn bị kĩ càng và đầy đủ, thì chính công nghệ lại là một “chiếc áo” rộng, gánh nặng lớn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cần phải có liên kết, chuyển đổi số cùng nhau mới có thể hình thành, phát triển được hệ sinh thái của người Việt với nhà cung cấp dịch vụ thông minh, người dùng thông minh, điểm đến thông minh. Thực tế, hiệu quả từ hoạt động chuyển đổi số tại các đơn vị lữ hành Việt Nam trong giai đoạn hiện nay còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi có tới 80% thị phần du lịch trực tuyến thuộc về các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) nước ngoài, trong khi các OTA của Việt Nam chỉ khiêm tốn nhận về 20% thị phần trong nước với lượng giao dịch khiêm tốn.
Theo Tổng giám đốc HanoiTourism Như Thị Ngần, để thực hiện được việc chuyển đổi số doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng về tài chính để duy trì hệ thống và đảm bảo nâng cấp liên tục. Nhân sự phải được đào tạo bài bản, đầy đủ nhằm đảm bảo vận hành đúng kĩ thuật. Bởi chỉ cần một khâu sai sót là ảnh hưởng kết quả của cả dây chuyền vận hành, thậm chí bị ngưng trệ và gây hậu quả khó lường. Bên cạnh đó, quy trình làm việc phải rõ ràng, ổn định, khoa học và phù hợp với định hướng, nguồn lực của hệ thống.
Cũng theo bà Ngần, rất nhiều tình huống, sự vội vàng trong chuyển đổi số khi chưa có sự chuẩn bị kĩ càng đã khiến doanh nghiệp vừa lãng phí rất nhiều nguồn lực về tài chính, vừa tạo ra sức ép chồng chéo về quy trình và thủ tục luân chuyển hồ sơ chứng từ cho nhân sự thực hiện. Từ đó, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh, chưa kể sẽ làm chậm tốc độ phát triển của doanh nghiệp.
Để tìm ra được hướng đi đúng trong việc chuyển đổi số, theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc, ngành du lịch sẽ từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Trong đó, ưu tiên phát triển trục liên thông hệ thống thông tin từ Trung ương đến cơ sở phục vụ công tác quản lý nhà nước; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Sàn thương mại điện tử kết nối doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và khách du lịch; Hệ thống các kênh truyền thông quảng bá du lịch Việt Nam trên nền tảng số.
“Đồng hành cùng phong trào khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch là nhiệm vụ được chúng tôi ưu tiên, qua đó tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ phát huy sự đổi mới, sáng tạo, đóng góp các ý tưởng mới”- ông Phúc nói.
TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch:
Ứng dụng công nghệ, làm mới sản phẩm
Xây dựng các tour trực tuyến là sản phẩm sáng tạo và được coi như một hình thức quảng bá, góp phần tạo nên thương hiệu cho điểm đến, mở ra cơ hội đón khách trực tiếp trong tương lai. Ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và công nghệ trí tuệ nhân tạo giúp cung cấp dịch vụ nhanh chóng, tiện lợi, đem đến trải nghiệm thú vị hơn. Công nghệ thực tế ảo cũng giúp xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng như tăng cường trải nghiệm trong bảo tàng, phòng trưng bày, hay giúp tiếp cận những điểm du lịch mạo hiểm trong điều kiện thời tiết hoặc sức khỏe không cho phép…
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng:
Đòn bẩy để du lịch “lột xác”
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành đã được một số đơn vị du lịch triển khai khi hội nhập quốc tế. Nhất là những khách sạn, resort cao cấp, các đơn vị lữ hành lớn. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất.
Đại dịch Covid-19 làm cho ngành du lịch trải qua những ngày “đóng băng” nhưng cũng là cuộc thanh lọc chưa từng có. Chuyển đổi số đã chứng minh là tất yếu đối với mọi ngành nghề nếu muốn phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0. Điều đáng nói, nếu những năm trước câu chuyện chuyển đổi số trong du lịch vẫn chỉ tập trung ở một số doanh nghiệp, địa phương có tư duy nhạy bén, linh hoạt và mạnh tiềm lực tài chính, thì nay chính “sóng thần” Covid buộc phải lựa chọn việc chuyển đổi số hay là không tồn tại.
Không chỉ doanh nghiệp, nhiều điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật...
Nhận thức về chuyển đổi số đang có sự thay đổi rõ nét và tác động mạnh mẽ khiến các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại cuộc đua cạnh tranh.
Phạm Sỹ(ghi)