1,1 triệu trẻ em Afghanistan có thể bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng
Theo Liên Hợp Quốc, ở Afghanistan, 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ có khả năng phải đối mặt với thực trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất trong năm nay do ngày càng có nhiều trẻ em bị đói, gầy còm được đưa vào bệnh viện.
Những đứa trẻ đói ăn
Tại Afghanistan, 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi có khả năng sẽ phải đối mặt với thực trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất trong năm nay, theo một báo cáo mới đây từ Liên Hợp Quốc (LHQ), đặc biệt khi số lượng trẻ em đói ăn, gầy còm được đưa vào bệnh viện ngày một tăng.
LHQ cùng nhiều cơ quan viện trợ khác đã có thể ngăn chặn hoàn toàn nạn đói sau khi lực lượng Taliban tiếp quản Afghanistan vào năm ngoái, bằng cách triển khai một chương trình viện trợ khẩn cấp ‘khổng lồ’ đủ nuôi sống hàng triệu người.
Nhưng họ lại đang phải vật lộn để bắt kịp với vô số thực tế khắc nghiệt khác trên khắp thế giới. Nghèo đói đang gia tăng, ngày càng nhiều người dân Afghanistan cần viện trợ hơn, bên cạnh đó là căng thẳng đến từ sự leo thang giá lương thực toàn cầu.
Do đó, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trực tiếp trở thành nạn nhân, bao gồm cả trẻ em và các bà mẹ đang phải vật lộn để nuôi bản thân cùng với gia đình của họ.
Nazia cho biết cô đã mất 4 đứa con vì suy dinh dưỡng, trong đó có 2 bé gái và 2 bé trai dưới 2 tuổi. Nazia, người mẹ 30 tuổi, cho biết: “Cả bốn đứa trẻ đều chết vì gia đình tôi quá nghèo đói. Khi các con đổ bệnh, tôi đã không có tiền để cứu chữa”.
Theo tổ chức UNICEF, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho biết, 1,1 triệu trẻ em dự kiến sẽ bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng trong năm nay, gần gấp đôi con số năm 2018 và đã gia tăng đáng kể từ cột mốc 1 triệu người vào năm ngoái.
Đại diện UNICEF tại Afghanistan, ông Mohamed Ag Ayoya cho biết: “Số lượng trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng, được đưa vào các cơ sở y tế đã tăng đều đặn, từ 16.000 trường hợp vào tháng 3/2020 lên 18.000 trường hợp vào tháng 3/2021, sau đó tăng vọt lên 28.000 trường hợp vào tháng 3/2022”.
Những cuộc sống ‘cùng cực’
Bị ảnh hưởng bởi một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất suốt nhiều thập kỷ và bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh, Afghanistan đã phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về nạn đói; nhưng cuộc tiếp quản của lực lượng Taliban vào tháng 8/2021 đã khiến đất nước rơi vào khủng hoảng. Nhiều cơ quan phát triển kinh tế đã rút lui và các lệnh trừng phạt quốc tế đã cắt đứt hàng tỷ USD tài chính cho chính phủ, làm sụp đổ nền kinh tế.
Hàng triệu người đã rơi vào cuộc sống ‘cùng cực’, phải vật lộn để có đủ thức ăn cho gia đình. Vào cuối năm ngoái, một nửa dân số khoảng 38 triệu người dân Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ, theo số liệu của Liên Hợp Quốc. Cũng theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, khi nền kinh tế tiếp tục suy thoái và giá cả leo thang, con số này có thể tăng cao trong năm nay, chiếm tới 97% dân số vào giữa năm 2022.
Mohammad Sharif, bác sĩ tại bệnh viện Charakar, chia sẻ: “Vì nghèo đói, các bà mẹ không có chế độ dinh dưỡng thích hợp khi mang thai và không được ăn uống đúng cách sau khi sinh”.
Tiến sĩ Mohammad Sediq, Trưởng khoa nhi tại Bệnh viện Mirwais, phía nam tỉnh Kandahar nhấn mạnh, 1.100 trẻ em bị suy dinh dưỡng đã được nhập viện chỉ trong vòng 6 tháng qua, trong đó có 30 đứa trẻ đã tử vong.
Kobra, một bà mẹ cho biết cô đã không thể cho đứa con 6 tháng tuổi bú sữa mẹ. “Con tôi liên tục sụt cân và khóc rất nhiều, tôi biết tất cả là do đói, nhưng tôi không thể làm gì khác được”, cô buồn bã.
Tại nhà riêng ở một quận nghèo khó trong thành phố Kandahar, Jamila cho biết con trai 8 tháng tuổi của cô đã qua đời vào tháng trước sau khi được chẩn đoán bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Nếu không được giúp đỡ, tương lai 4 đứa con còn lại của cô cũng là ‘điều không chắc chắn’.
Các cơ quan của Liên Hợp Quốc đã khởi động một chương trình viện trợ khổng lồ, được tăng cường sau khi lực lượng Taliban tiếp quản. Hiện tổ chức này hỗ trợ lương thực cho gần 38% dân số Afghanistan.
Theo báo cáo hồi tháng 5 của IPC, một tổ chức hợp tác giữa LHQ và các cơ quan khác nhằm đánh giá an ninh lương thực, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã giảm nhẹ từ 22,8 triệu người vào cuối năm ngoái xuống còn 19,7 triệu người. IPC cho biết từ tháng 6 đến tháng 11/2022, con số này dự kiến sẽ giảm thêm một chút, xuống còn 18,9 triệu người.
Tuy nhiên, những mức giảm nhỏ đó “còn rất lâu mới cho thấy một xu hướng tích cực”.
Tổ chức cũng nhấn mạnh, mức giảm này rất thấp so với quy mô viện trợ. Hơn nữa, tình trạng ngày một xấu đi có nguy cơ lấn át tất cả nỗ lực từ trước. Đặc biệt, khi sự sụp đổ của nền kinh tế vẫn tiếp tục, giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao hơn và sự gián đoạn nguồn cung do nhiều cuộc xung đột gây ra, cùng “cuộc lạm phát chưa từng có” ở Afghanistan không ngừng tiếp diễn.
Trong khi đó, việc thiếu kinh phí đã trực tiếp đe dọa khả năng tiếp cận viện trợ. IPC cho biết tỷ lệ dân số nhận viện trợ lương thực có thể giảm mạnh xuống chỉ còn 8% trong vòng 6 tháng tới vì cho đến nay, chỉ có 601 triệu USD trong số 4,4 tỷ USD cần thiết được nhận từ cộng đồng thế giới.
Melanie Galvin, Trưởng chương trình dinh dưỡng của UNICEF tại Afghanistan cho biết, con số 1,1 triệu trẻ em được đưa ra từ đánh giá hàng năm của cơ quan này, thực hiện vào mùa thu năm ngoái và dựa trên các điều kiện thực tế.
Bà nhấn mạnh, hạn hán là nguyên nhân chính gây ra tình trạng mất an ninh lương thực, cộng với tình trạng đói nghèo ngày càng gia tăng, thiếu nước sạch và không được chăm sóc y tế, cần phải tiêm phòng nhiều hơn cho các bệnh như sởi gây ra cho trẻ em suy dinh dưỡng.