Áp lực quá tải ở phường
Việc cán bộ, công chức chuyển công tác hoặc xin nghỉ việc đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở các cấp chính quyền cơ sở của TP HCM. Để bù đắp đội ngũ công chức này, nhiều phường chủ động thông báo các đợt tuyển dụng công chức nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Đây là nghịch lý đang khiến nhiều cấp chính quyền của TP HCM phải “đau đầu”.
Thực trạng được nêu ra tại diễn đàn công chức trẻ với chủ đề “chuyện ở phường” vừa diễn ra tại TP HCM. Tại đây, đại diện một số phường chia sẻ khó khăn trong tuyển công chức đầu vào, do các cơ chế, chính sách đãi ngộ còn thiếu hấp dẫn, trong khi khối lượng công việc rất nặng nề, trách nhiệm của công chức chuyên trách, cán bộ giải quyết hồ sơ hành chính áp lực…
Theo ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND Quận 4, TP HCM, việc thiếu cán bộ, công chức, nhất là lực lượng không chuyên trách gây áp lực rất lớn cho chính quyền cơ sở. Trong khi đó, khối lượng công việc ngày càng tăng cao, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 vừa qua cũng đã khiến một số công chức xin nghỉ việc.
Một số ý kiến cũng chỉ ra, cơ chế tài chính chưa thống nhất và cũng khó quyết toán đối với một số đầu việc. Hiện nay, việc phân bổ kinh phí cấp quận trung bình là 35 tỷ đồng, cấp phường là 400 triệu đồng/năm. Theo một số ý kiến, mức kinh phí này chưa tương xứng với các áp lực công việc mà đội ngũ cán bộ, công chức phường phải thực hiện hàng ngày.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính cũng chưa có nhiều cải cách, đơn giản hóa, thậm chí có nơi thủ tục lại yêu cầu càng cao hơn trong xây dựng văn bản kế hoạch làm việc, khiến cán bộ, công chức gặp áp lực rất lớn.
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ TP HCM Nguyễn Thị Hồng Thắm, có nhiều vấn đề bất cập từ thực tiễn hoạt động được thành phố nhìn ra và đang tham mưu để kiến nghị Trung ương sửa đổi. Bởi theo đúng quy định chỉ với 37 cán bộ, công chức phường, xã thì khó giải quyết hết khối lượng công việc.
Có địa phương như TP Thủ Đức, tại thời điểm sáp nhập 3 quận (2, 9, Thủ Đức) vào tháng 1 năm 2021 thành phố này có 631 cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại cơ quan chuyên môn. Dù vậy, đến cuối tháng 11/2021 thì chỉ còn hơn 600 người. TP Thủ Đức cũng gặp áp lực khi phải “ép” số lượng cần tiếp tục sắp xếp theo thực tế có mặt xuống còn 132 người.
Ông Hoàng Tùng - Chủ tịch UBND TP Thủ Đức từng thừa nhận, áp lực ngày càng cao đối với cán bộ, công chức, cùng với khối lượng đầu việc ngày càng nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý, tư tưởng, quyền lợi cũng như hiệu quả công tác của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn. Do đó, với số lượng biên chế hành chính là 459 người vào cuối năm 2022, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức đã đề xuất giữ nguyên biên chế như cũ.
Tại diễn đàn Công chức trẻ, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM đã thẳng thắn chia sẻ, để giải quyết được vấn đề thiếu cán bộ, công chức ở cơ sở, trước hết cần phải có chế độ, chính sách xứng đáng với khối lượng đầu việc rất nhiều mà cấp phường đang phải giải quyết hiện nay. Theo bà Thảo, phường là nơi việc nhiều và áp lực cũng rất lớn nhưng chế độ chính sách lại rất thấp. Do đó, bộ máy hành chính của phường khó tuyển dụng cả đầu vào và cũng khó giữ chân được cán bộ, công chức.
Từ những điều quan sát trong thực tế, nguyên chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đề xuất một số chính sách cho cấp phường. Chẳng hạn về số lượng cán bộ công chức phường, không nên đổ đầu mỗi phường 15 người mà cần dựa vào đặc điểm, tính chất, quy mô của phường. Có những phường giảm từ 47 người xuống còn 37 người, rất khó khăn. Vì vậy, nên có cơ chế tự chủ tài chính cho phường.
Về quy hoạch cán bộ công chức phường nói chung và cán bộ công chức trẻ nói riêng, bà Thảo nêu ý kiến phải làm sao tạo động lực phấn đấu cho lớp trẻ, có sự sâu sát để đánh giá đúng thực lực. Bà cũng đề xuất cần dành sự quan tâm hơn với lực lượng trật tự đô thị ở phường. Bởi đây là công việc nhạy cảm và dễ đụng chạm nhưng mức lương 4 triệu/tháng là quá thấp.